Sáng ngày 18-7, Kỳ họp lần thứ 14 Hội đồng Trẻ em TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra trong không khí sôi nổi với sự tham gia của 55 đại biểu thiếu nhi đến từ các trường học trên địa bàn thành phố.
Kỳ họp lần 14 Hội đồng Trẻ em thành phố năm 2024 xoay quanh chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc – Đội viên suy nghĩ và hành động”. 55 đại biểu thiếu nhi được chia thành 3 nhóm để thảo luận về phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tác hại thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường; và xây dựng trường học hạnh phúc.
Các đại biểu thiếu nhi thảo luận theo nhóm về các nội dung được phân công
Bàn luận về bạo lực học đường
Trong phần trình bày của nhóm 1 về “Phòng chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em”, các đại biểu thiếu nhi đã trình bày thực trạng, nguyên nhân, hệ quả, cũng như đề xuất các giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này. Theo các đại biểu, nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường liên quan đến việc thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường đồng thời do ảnh hưởng của xã hội. Qua đó, gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Các đại biểu chia sẻ, bạo lực học đường thường bắt nguồn từ những nguyên nhân nhỏ nhặt nhưng lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng; do đó, các đại biểu mong muốn tương lai có thể nâng cao việc ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn.
Các đại biểu thiếu nhi đại diện nhóm 1 đưa ra giải pháp phòng, chống thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích trong môi trường học đường
Đáp ứng tâm tư của thiếu nhi, đồng chí Đặng Văn Thắng – Trưởng Ban Thanh niên Công an TP. Hồ Chí Minh chia sẻ công an thành phố sẽ ủng hộ đầy đủ những nội dung mà các đại biểu đề cập và sẽ đưa ra những giải pháp, hoạt động hiệu quả và thiết thực để cùng thiếu nhi xây dựng trường học hạnh phúc.
Trưởng Ban Thanh niên Công an TP. Hồ Chí Minh Đặng Văn Thắng bày tỏ nhận xét về các nội dung được trình bày
Những tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất kích thích
Nói về “Phòng, chống tác hại thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”, các đại biểu thiếu nhi từ nhóm 2 cũng đã chia sẻ về nguyên nhân, hệ quả, đưa ra những số liệu thực tế về vấn nạn sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất kích thích hiện nay trong môi trường học đường. Từ đó, nhóm cũng đã đề xuất các giải pháp như phối hợp với các cơ quan chức năng, Hội đồng Đội các cấp để tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất kích thích; tăng cường tuyên truyền về tác hại của vấn nạn này thông qua mạng xã hội; kiểm soát chặt chẽ các địa điểm mua bán thuốc lá điện tử,…
Vấn nạn bạo lực học đường luôn được các em thiếu nhi đặc biệt quan tâm
Bổ sung vào giải pháp tăng cường tuyên truyền về tác hại mà thuốc lá mang lại của nhóm 2, đại biểu Nguyễn Đăng Nghị - Liên đội THCS Võ Trường Toản (Quận 1) cũng đã đưa ra đề xuất lồng ghép các cuộc thí nghiệm vào trong các chương trình tuyên truyền để các bạn học sinh có thể thấy rõ tác hại của các loại thuốc lá và chất kích thích, từ đó gia tăng nhận thức của các bạn về hệ quả của chúng và chủ động tránh xa.
Hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc
Chia sẻ về nội dung “Xây dựng trường học hạnh phúc – Đội viên suy nghĩ và hành động”, nhóm 3 đã chia ra thành hai nhóm vấn đề chính gồm: “Bạo lực trên không gian số” và “Xây dựng trường học hạnh phúc”. Theo nhóm 3, các bạn thiếu nhi hiện nay tuy có sự tò mò cao nhưng chưa có kỹ năng tiếp nhận nội dung cũng như chịu tác động từ các mối quan hệ xung quanh, do đó dễ gặp phải tác động tiêu cực từ thông tin xấu. Đề xuất giải pháp, các đại biểu nhóm 3 mong muốn các trường học sẽ tăng cường áp dụng công nghệ số vào việc giảng dạy, tăng cường các tiết học thực hành, đẩy mạnh các trải nghiệm thực tế.
Nhóm 3 nêu lên thực trạng và đề xuất giải pháp để hiện thực hóa mô hình trường học hạnh phúc
Bày tỏ tâm tư của bản thân, đại biểu Nguyễn Ngọc Ngân đến từ Quận 5 cho biết mình cảm thấy hạnh phúc là một từ khóa tuy gần gũi nhưng vô cùng khó để định nghĩa. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Ngân, để có thể xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, mỗi thiếu nhi phải tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân, cư xử văn minh, học hỏi lẫn nhau, và đặc biệt mỗi thiếu nhi phải là một tuyên truyền viên lan tỏa những thông điệp hạnh phúc đến mọi người.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Ngân chia sẻ suy nghĩ
“Để xây dựng một trường học hạnh phúc thì yếu tố cảm xúc của mỗi học sinh là một yếu tố vô cùng quan trọng”, đại biểu Huỳnh Anh Thư – Liên đội THCS Nguyễn Du chia sẻ. Đối với Huỳnh Anh Thư, trong khía cạnh giáo dục, bộ môn Ngữ Văn chính là một trong những bộ môn giúp học sinh có thể rèn luyện, phát triển về mặt cảm xúc. Đại biểu cũng đề xuất xây dựng CLB Văn học ở môi trường học đường để tạo điều kiện giúp học sinh có môi trường để chia sẻ về các góc nhìn bay bổng của bản thân; tổ chức giao lưu với các tác giả văn học để làm tăng sự hứng thú của học sinh khi tiếp xúc với môn học này.
Phát biểu cảm nghĩ tại chương trình, đồng chí Trịnh Thị Hiền Trân – Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh nhận thấy các đại biểu tham gia kỳ họp đã đưa ra những đề xuất, hướng đi cụ thể mà người lớn và các bạn Đội viên, thiếu nhi có thể thực hiện trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, đồng chí cũng gửi gắm mong muốn các đại biểu sắp tới tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 sẽ mang theo những ý kiến, nội dung mà các đại biểu đã ghi nhận và tổng hợp từ Kỳ họp lần thứ 14 Hội đồng Trẻ em TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục bàn luận và phát triển ý tưởng.
Đồng chí Trịnh Thị Hiền Trân gửi gắm nguyện vọng đến các đại biểu thiếu nhi
HỒNG ANH