<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">"Đức lang
quân" trong mắt nữ sinh viên</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với 370 phiếu trắc nghiệm, 30 câu
phỏng vấn sâu dành cho 400 sinh viên (SV) thuộc 5 trường ĐH trên địa bàn TP.HCM,
nhóm tác giả trẻ trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng đã phần nào "giải mã" về cuộc
sống tình cảm, nhất là xu hướng chọn bạn đời của bạn trẻ nói chung và nữ SV nói
riêng ngày nay.</font></span><span class="indexstorytext" id="lbBody"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Nếu người yêu bạn đã
"quan hệ"...</strong></font></p>
<div style="float: left; width: 155px; height: 225px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="duc%20lang%20quan.JPG" width="140" height="170"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 9pt; font-style: italic; font-family: Arial">
Bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ người yêu trước khi kết hôn... - Ảnh minh
họa: Đào Ngọc Thạch</span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một điều khá thú vị là khi nghiên
cứu đề tài này, các tác giả trẻ đã phỏng vấn cả nam lẫn nữ SV (tỷ lệ 50/50) để
đưa ra sự đối chiếu giữa hai giới. Một số câu hỏi sâu có đến 13 gợi ý lựa chọn.
Trong đó, với câu trắc nghiệm: Bạn đánh giá vấn đề quan hệ tình dục (QHTD) trước
hôn nhân như thế nào?, 41% nữ SV và 66,7% nam trả lời "chấp nhận được nếu hai
người chắc chắn tiến đến hôn nhân", 7,8% nữ SV cho rằng "đây là việc hoàn toàn
bình thường vì xã hội cũng có nhiều người sống thử" (tỷ lệ này ở nam là 24,6%).
Song song đó, cũng có nhiều nữ SV khác bày tỏ ý kiến QHTD trước hôn nhân là
"không chấp nhận được và chỉ dành cho đêm tân hôn". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhóm nghiên cứu tiếp tục nêu tình
huống: Nếu người yêu của bạn (người này với bạn chuẩn bị tiến tới hôn nhân) thú
thật với bạn là đã có QHTD với người yêu trước, bạn sẽ xử sự thế nào? Khá nhiều
nữ SV bày tỏ cái nhìn độ lượng về "sự cố" này. Một bạn nữ năm nhất trường ĐH
Nông Lâm khẳng định: "Cái quan trọng là hiện tại và tương lai. Em không quan tâm
đến quá khứ vì ai cũng có quá khứ hết. Nếu anh ấy có quan niệm đúng đắn về tương
lai thì có thể tha thứ được!". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ kết quả khảo sát, nhóm tác giả
nhận định: nữ SV có quan niệm về hôn nhân khá tích cực. Trong cách nhìn nhận về
QHTD trước hôn nhân có phần khắt khe hơn so với giới trẻ nói chung. Tuy nhiên,
khi đã yêu và có ý định tiến tới hôn nhân, họ đã tỏ ra "thoáng" hơn trong việc
chấp nhận và tha thứ cho người mình yêu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Lương đưa đủ, tối ngủ ở
nhà!</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để tiến tới hôn nhân, đâu là
những yếu tố cần thiết ở người bạn đời? Các phiếu khảo sát cho thấy 57,1% nữ SV
coi trọng trình độ học vấn của "đức lang quân", 48,4% quan tâm đến việc làm và
thu nhập khá; 73% xếp tiêu chuẩn "có trách nhiệm, chung thủy" vào hàng "rất quan
trọng"... Thậm chí, một số bạn nữ không ngần ngại gửi gắm mơ ước của mình về
người chồng tương lai là: “Lương đưa đủ, tối ngủ ở nhà”! Còn để xây dựng một mái
ấm hạnh phúc, bền vững, có đến 90,6% nữ SV cho sự chân thật là yếu tố cần thiết
nhất, tiếp đến là sự san sẻ (82,3%), lòng vị tha (77,9%), sự âu yếm (33,7%)...
Hơn 70,3% nữ SV cho rằng độ tuổi kết hôn thích hợp của mình là từ 27 đến 29 tuổi
(trong khi 59,9% nam SV chấp nhận độ tuổi này). Nhìn chung, hầu hết các bạn SV
đều muốn sống riêng sau khi kết hôn (84,9% nữ và 79,2% nam). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đề tài trên còn đề cập hoàn cảnh
gia đình, môi trường sống, chuyện giải trí, việc làm thêm, cách kết bạn... để
liên hệ, lý giải xu hướng chọn bạn đời của nữ SV. Roãn Văn Thắng, trưởng nhóm
nghiên cứu cho hay bạn đã nhiều lần đi dự các phiên tòa xử ly hôn ở quê (Nam
Định) hay tại TP.HCM. Trong những phiên tòa đó, Thắng thường nghe những lời ta
thán từ người vợ hoặc người chồng về lý do gãy đổ của họ: "Nếu tui biết trước
con người ông (bà) thế này, tui chẳng bao giờ thèm lấy!". Từ đó, chàng trai này
nung nấu ý định tìm hiểu cách yêu, cách lựa chọn bạn đời của những bạn đồng
trang lứa, đặc biệt là của những nữ SV. Ban đầu, nhóm của Thắng có đến 8 người.
Sau khi đề tài triển khai, nhóm "rụng" dần, cuối cùng chỉ còn Thắng và hai bạn
Bùi Thị Duyên, Vũ Anh Dũng (đều học cùng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn trường
ĐH bán công Tôn Đức Thắng). Suốt hơn 6 tháng (từ tháng 12.2005 đến 6.2006), cả
ba bạn "lang thang" trong 5 trường ĐH để thực hiện đề tài. Công trình đầu tay
của ba người đã đoạt giải khuyến khích Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường,
gần đây đã đoạt giải ba cuộc thi Euréka lần 8. Qua đề tài này, trưởng nhóm Roãn
Văn Thắng muốn gửi "thông điệp" đến với các bạn trẻ, đó là: Khi yêu không nên
khoe điểm tốt, giấu điểm xấu trong con người mình mà cần tìm hiểu kỹ càng, cùng
trao đổi thẳng thắn suy nghĩ trước khi "trao thân gửi phận" cho nhau!</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Thanh niên Online</font></i></b></p>
</span>
</body>
</html>