<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Công ty</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Công ty “tình thương” nơi biên ải</b></font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="cong%20ty%20tinh%20thuong%20noi%20bien%20ai.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Những
công nhân một thời "ngang dọc" trong nhà xưởng công ty</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách TP.HCM 180km, sát biên giới
với Campuchia có một khu lán trại nhỏ đang cưu mang hơn 40 con người. Những thân
phận cơ nhỡ, những thanh niên quậy phá, sau cai nghiện, về đây ở với nhau để tìm
thấy ý nghĩa trong cuộc sống. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Mái ấm cuộc đời</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Minh (*) năm nay 19
tuổi, gương mặt măng tơ nhưng đã từng nổi tiếng ở Bù Đốp (Bình Phước) vì “thành
tích” bất hảo: đánh nhau, chơi bồ đà khiến cha mẹ chán nản. Nhưng mấy tháng nay,
chàng trai trẻ đã trở thành tay thợ chính ở Hưng Phước, chuyên đứng máy cắt.
“Mỗi tháng tôi đưa về cho cha mẹ được 800.000-900.000đ” - Minh nói. Minh kể rằng
giờ chỉ lo làm ăn, và đây là cơ hội để bù lại những tháng ngày hoang phí, làm
gương cho em trai đang đi học.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một người phụ nữ
tên Thuận bị chồng bỏ, ôm đứa con nhỏ ba tuổi đi làm mướn đủ thứ lặt vặt sống
qua ngày. Thế rồi nghe người ta mách bảo, chị lặn lội từ Sóc Trăng lên đây xin
vào làm ở Hưng Phước. Người mẹ ôm con đến xưởng, vừa làm vừa chăm sóc con nhỏ.
Còn Thạch So Khum, bị tật ở chân, ngay khi đến xin việc đã được nhận vào làm
ngay. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khu nhà xưởng và
lán trại bằng tranh tre nằm ở một tiểu khu lâm trường cách cửa khẩu Hoàng Diệu (xã
Phước Thiện, Bù Đốp, Bình Phước) chừng 3km. Heo hút vậy nhưng tiếng tăm Công ty
Hưng Phước vẫn đến được với những người cơ nhỡ hay lầm lỡ. Hiện ở đây có trên 40
công nhân, trong đó có năm thanh niên từng quậy phá, nghiện hút, bốn người
khuyết tật, bại não, còn lại là những người dân các tỉnh gia đình quá khó khăn.
Hưng Phước làm đũa tre, tăm tre để xuất khẩu và bán cho các nhà hàng tại TP.HCM.
Công việc đơn giản, rất phù hợp với những người không có tay nghề hay bị khuyết
tật. Dưới mái nhà xưởng bằng tre lá thoáng đãng, công nhân làm việc bình thản.
Trong xưởng đóng gói, chị Hồng - làm quản lý cho Hưng Phước - ngạc nhiên khi
thấy một thanh niên đang làm việc: “Ủa, Thành, con đã nói là xin thôi việc luôn
rồi mà?”. Chàng trai trẻ ngượng nghịu gãi đầu cười không nói gì. “Thôi con cứ ở
lại, cố làm việc cho tốt nghe”. Thành là một thanh niên lêu lổng, vào công ty
làm rồi vẫn chỉ thích quậy phá và đã... bốn lần tuyên bố nghỉ việc, nhưng rồi
lần nào cũng quay lại. “Mình nên tạo điều kiện cho họ” - chị Hồng nói .</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Cái bắt tay lạ lùng</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" height="100" width="220" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Công ty Hưng Phước đang nhờ
Tỉnh đoàn Bình Phước tuyển giúp 50-60 thanh niên “bất hảo”, sau cai
nghiện và những người khuyết tật vào làm việc. Thiếu tá Thạch Thị Hồng
cho biết: “Khi công ty đi vào ổn định hơn, chúng tôi mong muốn sẽ được
góp phần tạo việc làm cho chương trình giúp đỡ người sau cai nghiện hòa
nhập cộng đồng của TP.HCM”.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong một lần đưa hai đứa cháu đi
cai nghiện, ông Trần Văn Tỵ làm quen với thiếu tá Thạch Thị Hồng - đội phòng
chống ma túy Công an quận 3 (TP.HCM). Cách trò chuyện, hỏi thăm, động viên chân
tình của người nữ công an với những thanh niên nghiện hút đã khiến ông Tỵ chú ý.
Hai người làm quen, trò chuyện với nhau về mối quan tâm của xã hội trước những
tệ nạn xã hội, và những con người nghèo khổ đang chật vật mưu sinh. Gặp nhau
trong suy nghĩ khiến họ quyết định phải làm một cái gì đó. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 3-2005, những
cây le được phát quang để làm mặt bằng nhà xưởng. Tháng 6-2005, những công nhân
đầu tiên đã làm việc. Gia đình ông Tỵ, chị Hồng hoàn toàn ủng hộ hai người. Vốn
gia đình bỏ ra và vay thêm của ngân hàng chừng 2 tỉ đồng. Mảnh đất thuê của lâm
trường 5 triệu đồng/năm. Người con út của ông Tỵ sau khi tốt nghiệp ĐH ngành
công nghệ thông tin cũng lên đây giúp cha điều hành công ty. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng lo nhất không
phải đầu ra, mà là làm sao để quản lý được chừng ấy con người với vô số phức tạp
khó lường. “Chúng ta ở đây có nhiều hoàn cảnh khác nhau, chỉ có yêu thương đùm
bọc nhau và sống có trách nhiệm thì mọi người mới có công ăn việc làm” - những
tâm sự như vậy của chị Hồng dần dần như mưa lâu thấm đất.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hồ Trung Kiên, phó
chủ tịch Hội LHTN Bình Phước, kể lại: “Những việc họ làm được rất cụ thể và ý
nghĩa, bởi nó xuất phát từ tâm tư, tình cảm của con người”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Là chủ tịch hội
đồng quản trị nhưng ông Tỵ chỉ bắt xe đò hoặc chạy xe máy TP.HCM - Bình Phước để
điều hành công ty. Là một nữ thiếu tá công an, nhưng cuối tuần nào, sau giờ làm
việc chị Hồng cũng lên biên giới để trò chuyện với công nhân, giúp họ yên tâm
làm việc. Người lo “đối ngoại”, người chuyên “đối nội”, chỉ để cho một công ty
có nhân công đặc thù trở nên bình thường, bởi mục đích là giúp họ được sống một
cách bình thường.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>