<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Học trò nghiên cứu môi trường</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Học trò nghiên cứu môi trường</b></font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hoc%20tro%20nghien%20cuu%20moi%20truong.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Học trò Trường THPT An Lạc
Thôn (Sóc Trăng) lấy nước về phân tích mức độ ô nhiễm</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường THPT An Lạc Thôn là một
trong những ngôi trường vùng sâu vùng xa tỉnh Sóc Trăng, nhưng ba năm qua học
trò nơi đây đã cho ra đời nhiều “công trình khoa học”...</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>“Nghiên cứu khoa học” từ thôn xã</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều người đến
huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng khá ngạc nhiên khi gặp các gương mặt học trò xuống
từng người dân phỏng vấn về môi trường. Đó là những “nhà nghiên cứu” tuổi học
trò ở Trường THPT An Lạc Thôn (xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách). </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một trường THPT nằm
rất xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện cũng như cơ sở học tập còn rất khó khăn, học
trò nơi đây nghiên cứu khoa học ra sao nhỉ? Thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên sinh
học của trường, giải thích: “Các đề tài các em thực hiện không quá “cao siêu” mà
rất gần gũi, xảy ra xung quanh cuộc sống hằng ngày thôi!”.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="0" cellspacing="5" height="100" width="200" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center"><font color="#030303">
<table style="border-collapse: separate" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hoc%20tro%20nghien%20cuu%20moi%20truong2.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Thầy Nguyễn Ngọc
Hải </i><em>(bìa phải</em><i>) hướng dẫn học trò thí nghiệm</i></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font color="#000000" face="Arial" size="2">Ba năm
qua, học sinh Trường THPT An Lạc Thôn (Sóc Trăng) đã cho “ra lò” hơn
mười “công trình nghiên cứu” gắn với thực tế tại chỗ, mang về cho trường
hai giải ba và ba giải khuyến khích trong cuộc thi cải thiện việc sử
dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học và học nghề trên
toàn quốc (năm 2005, 2006). Năm 2007 trường có bảy đề tài dự thi (chưa
công bố giải).</font></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Trần Nguyệt Hương, học lớp
11A3, là một trong ba học sinh thực hiện đề tài điều tra cơ bản sử dụng nguồn
nước xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách) và vận dụng các vật liệu địa phương để lọc nước,
cho biết:<em> “Nơi mình ở có rất nhiều người dân sử dụng cây nước để sinh hoạt
và ăn uống. Tuy nhiên nhiều cây nước không đảm bảo chất lượng, đặc biệt vào mùa
khô nước có mùi tanh, vị mặn, khi đun sôi nhiều cặn đóng ở đáy ấm. Nhưng bà con
vẫn phải sử dụng vì thiếu nguồn nước thay thế”. </em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ sự hỗ trợ, tư
vấn... của thầy cô, cả nhóm chia nhau đọc tài liệu, nghiên cứu về các nguyên
nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, rồi điều tra đánh giá chất lượng nước
ngầm tại địa phương, phỏng vấn người dân, liên hệ các lãnh đạo xã xin số liệu...
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>“Khi thấy bọn
mình tìm hiểu, phỏng vấn, nhiều cô bác khuyên: học trò thì lo chuyện ăn học;
thời gian rảnh rỗi giúp ba mẹ làm chuyện ruộng vườn, chứ đừng làm chuyện... tào
lao”- </em>Hương nhớ lại.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau nhiều tháng tìm
tòi từ chính những vật liệu tại địa phương, cuối cùng cả nhóm cũng tìm ra qui
trình lọc nước hiệu quả bằng cát và than đá. để đánh giá chính xác kết quả thực
hiện, nhóm đưa những mẫu nước trước và sau khi lọc đến Trung tâm Kỹ thuật và ứng
dụng công nghệ TP Cần Thơ kiểm định. Kết quả: nước được lọc bằng than đá và cát
qua thiết bị lọc do nhóm thực hiện cho kết quả tốt, an toàn cho ăn uống và sinh
hoạt...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Và đó chỉ là một
trong nhiều đề tài, công trình nghiên cứu mà học trò Trường THPT An Lạc Thôn
thực hiện: máy lọc đầu ao, phèn thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước... </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Sân chơi nối học và hành</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thầy Nguyễn Ngọc
Hải, một trong những thầy cô trực tiếp hướng dẫn học trò nghiên cứu, thực hiện
các “công trình khoa học”, cho biết Trường THPT An Lạc Thôn là một trong những
ngôi trường thuộc diện vùng sâu vùng xa của tỉnh Sóc Trăng, vì vậy tài liệu và
sách vở rất hạn chế, nhiều đề tài cần phải có phân tích các mẫu thí nghiệm thu
được mà chi phí mỗi mẫu phân tích rất lớn... “Ở đây nhiều em nghèo rớt mồng tơi,
sáng đi học chiều lo phụ giúp cha mẹ... Tuy nhiên nghe nghiên cứu khoa học,
nhiều em mê lắm” - thầy Hải vui vẻ cho biết.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo thầy Trần
Thanh Tùng - phó hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn, qua những đề tài tự nghiên
cứu (chủ yếu về môi trường) trước hết sẽ giúp các em ý thức được việc giữ gìn vệ
sinh môi trường trong nhà trường, lớp học, xã thôn. Đồng thời nó cũng như một
“sân chơi” hữu ích thú vị cho tuổi học trò vùng sâu, vùng xa; một sân chơi “kết
dính” quá trình học và thực hành. “Một khi kiến thức các em được nâng cao thì từ
những ý tưởng, những việc làm hôm nay sẽ rất có ích cho các em sau này” - thầy
Tùng phân tích.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>