<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hạnh phúc khi sống vì cộng đồng</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hạnh phúc khi sống vì cộng đồng</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hanh%20phuc%20khi%20song.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Nhân viên Văn phòng đại diện Nike VN tham gia xây nhà cho người
nghèo ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai </font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một ngày cuối năm 2006, tiếng rên
la giữa đêm khuya từ một khu nhà trọ ở ấp Tân Lập 1, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc
Môn-TPHCM đã đánh thức hầu hết công nhân (CN) đang ở trọ tại đây. Hay tin một nữ
CN sắp vượt cạn, 5 - 6 thanh niên khỏe mạnh đã tình nguyện “gánh” đồng nghiệp ra
trạm y tế xã cách đó gần 2 cây số. </font></p>
</span>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Tình
người trong cộng đồng áo xanh</strong> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm việc cật lực để kiếm sống
trong thời buổi kinh tế thị trường khắc nghiệt, song rất nhiều CN vẫn luôn tình
nguyện giúp đỡ người nghèo. Trong “cộng đồng áo xanh” - như cách gọi của họ -
luôn tồn tại tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Mới đây, chuyện xảy ra tại Công ty
Samho (100% vốn nước ngoài tại huyện Củ Chi-TPHCM) đã gây xúc động người dân địa
phương. Hay tin nữ đồng nghiệp bị bệnh tim song hoàn cảnh gia đình quá khó khăn,
không có tiền chữa trị, vậy là không ai bảo ai, tập thể CN đã bàn nhau quyên góp,
giúp đỡ. Chưa đầy một tuần kêu gọi, hàng ngàn CN tại doanh nghiệp đã quyên góp
được hơn 40 triệu đồng giúp chị trả viện phí. Ngày ra viện, những người đầu tiên
chị gởi lời cám ơn chính là những đồng nghiệp trong công ty. “Cám ơn đồng nghiệp
áo xanh. Chính họ đã sinh ra tôi lần thứ hai”- nữ CN này bộc bạch. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều doanh nghiệp, khi xây dựng
văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng giáo dục ý thức sống vì cộng đồng cho
nhân viên. Ngày 1-6 vừa qua, hơn 100 trẻ em nghèo tại huyện Nhà Bè - TPHCM đã
được nhận quà có ý nghĩa (ba lô, tập vở...) được mua từ tiền đóng góp của gần
11.000 lao động Công ty Cổ phần May Nhà Bè. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhiều người
còn phải lo cho cuộc sống gia đình, song như một thông lệ đẹp, toàn thể CN vẫn
tình nguyện trích 2 ngày lương để ủng hộ người nghèo, nhất là gia đình chính
sách, neo đơn. Từ những đồng lương nghĩa tình của tập thể CN (khoảng 800 triệu
đồng/năm), Công ty Cổ phần May Nhà Bè đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ
người nghèo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám
đốc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), nói xây dựng văn hóa
doanh nghiệp sẽ không đạt được mục đích gì nếu không chú trọng giáo dục ý thức
tương trợ cộng đồng cho nhân viên. Chuyện vận động CN đóng góp xây dựng Quỹ Đền
ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo thành thông lệ đẹp tại Samco. Từ suy nghĩ “đóng
góp” cho qua chuyện sau những chuyến công tác xã hội, được tận mắt chứng kiến
cuộc sống của người nghèo, nhiều nhân viên trẻ Samco đã tự giác hơn khi được
chung tay lo cho người nghèo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Thành
danh, không quên người nghèo </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở TP đã hình thành một lớp trẻ có
tri thức, địa vị và thu nhập cao, song vẫn biết dành nhiều thời gian cho cộng
đồng. Anh Nguyễn Huy, kỹ sư đang làm việc tại một công ty xây dựng ở quận 1 -
TPHCM, cho biết mỗi tuần anh đều tham gia một hoạt động từ thiện nào đó. Huy nói
do nơi anh làm việc ít người, việc vận động làm từ thiện rất khó, nên hễ nghe
nơi nào cần người trợ giúp, chẳng hạn khuân vác hàng cứu trợ là anh dành thời
gian tham gia, dĩ nhiên phải trong thời gian rỗi, thường là 2 ngày cuối tuần.
Bão số 5 tại Cà Mau, rồi bão số 9 mới đây tại Cần Giờ, anh luôn dành thời gian
“xin” theo các đoàn cứu trợ để phụ giúp và coi đó là niềm vui trong đời sống.
“Đi để hiểu có người nghèo hơn mình, để điều chỉnh cách sống, nhất là cách chi
tiêu hằng ngày... Rõ ràng tham gia từ thiện tôi không hề lỗ” - anh tâm sự. Những
lần cứu trợ kéo dài và do đặc thù công việc không thể theo đoàn, từ tờ mờ sáng,
anh đã có mặt tại điểm xuất phát để phụ bốc hàng lên xe. Sau những lần trách móc,
hờn giận vì anh không dành thời gian rảnh cho mái ấm gia đình, nay vợ con đã
hiểu anh hơn, thậm chí còn đòi đi theo góp sức. Mới đây, lại thấy anh có mặt
trong ngày hội hiến máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn Nguyễn Tuấn Phong là cán bộ
nhân sự của một hãng taxi khá nổi tiếng ở TP, thì trong dịp 1-6 hay Noel, Phong
luôn là đầu tàu tổ chức các chuyến đi thăm trẻ em nghèo, cơ nhỡ tại các cơ sở xã
hội. Tiền quyên góp từ công ty, bạn bè đồng nghiệp chưa đủ, anh góp thêm tiền
túi để có chút quà cho trẻ em nghèo. Noel năm ngoái, nhìn Phong múa may, làm trò
trong trang phục ông già tuyết trước hàng trăm trẻ em nghèo tại một làng nuôi
trẻ ở Gò Vấp, càng hiểu tấm lòng của anh với người nghèo. Trong hầu hết các
chuyến công tác xã hội, anh đều dắt theo cô con gái 3 tuổi. Phong nói rằng anh
chỉ muốn con mình hiểu bản thân bé còn được hạnh phúc hơn so với nhiều trẻ em
khác. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLDO</i></b></font></p>
</body>
</html>