<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hòn Khoai - Đảo sinh thái</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hòn Khoai - Đảo sinh thái</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hon%20khoai.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Toàn cảnh Hòn Khoai</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với diện tích 561 ha, có nước
ngọt quanh năm, với một hệ sinh thái rừng - biển phong phú, Hòn Khoai sẽ trở
thành đảo du lịch xanh, nếu được đầu tư</font></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi về Cà Mau, rồi xuống
Ngọc Hiển. Đây là một huyện mới tách ra từ huyện Năm Căn (cũ), là vùng đất liền
cuối cùng phía Nam Tổ quốc. Tàu cập bến đưa chúng tôi ra Hòn Khoai. Hòn Khoai là
một cụm đảo nhỏ, cách đất liền ở cửa Khai Long (Mũi Cà Mau) khoảng 14 km. Trước
đây người Pháp gọi Hòn Khoai là Poulo Obi. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Vẻ đẹp
hoang sơ</strong> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tàu xa bờ... nước biển dần đổi
màu xanh lơ. Hòn Đồi Mồi, Hòn Tượng, Hòn Sao hiện lên rõ dần, rồi đến Hòn Khoai.
Đá núi hàng triệu năm bị sóng biển đánh mòn khuyết dưới chân, tạo thành những
hình dáng kỳ vĩ, lạ lùng! Hòn Tượng trong giống như một con voi khổng lồ chìm
nửa thân dưới biển. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tàu ghé Bãi Nhỏ ở phía Tây Nam
đảo. Cây cối trên núi um tùm, mang dáng vẻ hoang sơ. Bãi Nhỏ cạn, nên tàu không
cập sát bến được, khách phải xuống thuyền con để vào bờ cách đó chừng 40 m. Phía
bên phải của bến, là một bãi đá trứng thật đẹp như có bàn tay ai sắp đặt! Bước
lên bờ rợp bóng cây phong ba, phi lao. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có ba quán bán nước giải khát và
hàng tạp hóa lặt vặt, phục vụ “dân” trên đảo và những tàu thuyền ghé qua. Thực
ra, trên Hòn Khoai không có dân cư, chỉ có đồn biên phòng, hải quân, một tổ công
tác của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải, trông coi ngọn đèn biển ở vị trí
8,25,36 độ vĩ Bắc - 104,50,06 độ kinh Đông, trên đỉnh cao 315,7 m. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi cùng một số bạn trẻ ở
Xã đoàn Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) bắt đầu leo đường núi để đi lên ngọn
hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai. Con đường xuyên rừng khá hiểm trở với những dốc
dựng ngược, lổn ngổn đá trứng, đá tảng lớn nhỏ với đất thịt pha cát màu vàng
cam. Ấy vậy mà cây cối xanh tốt, mạnh mẽ lạ thường. Chúng tôi đứng tần ngần,
nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, thán phục trước một cây mù u rừng chừng 7-8 người dang
tay ôm chưa hết. Có rất nhiều bằng lăng (thau lau) cổ thụ. Sao, dầu rái, muỗng,
ràng vàng (lim) rải rác khắp nơi dọc triền núi. Tiếng chim hót líu lo, ríu rít
trên những cây trâm rừng có những lùm trái chín mọng, đen sẫm. Phảng phất hương
ngọc lan tỏa bàng bạc giữa núi rừng. Thỉnh thoảng chúng tôi băng ngang qua những
con lạch, suối nhỏ, nước trong veo soi rõ mặt người... </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trưởng trạm đèn biển Hòn Khoai
Nguyễn Duy Sản giới thiệu về ngọn hải đăng Hòn Khoai. Anh cho biết, đèn biển Hòn
Khoai nằm trong hệ thống hải đăng Cần Giờ - Côn Đảo - Phú Quốc, được người Pháp
xây dựng năm 1939, đến nay đã có nâng cấp, sửa chữa với nhà cửa khang trang,
trang thiết bị hiện đại. Hải đăng cao 15,7 m, mỗi cạnh 4 m, xây bằng đá hộc, bên
trong có thang xoắn, đèn pha sáng rực, cách xa 35 hải lý vẫn trông thấy. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên đỉnh Hòn Khoai, cạnh ngọn
hải đăng, có bia ghi sơ lược cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà giáo Phan Ngọc
Hiển và các đồng chí của ông (ngày 13-12-1940). Mấy dãy nhà đá xây từ đời Pháp
thuộc đứng chơ vơ, hoang phế như là chứng tích của thời gian. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Khu du
lịch nghỉ dưỡng tuyệt vời</strong> </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi trở xuống núi, đi vòng
qua phía Đông Hòn Khoai theo con đường nhựa nhỏ thoai thoải, giữa những tán rừng
cây giao đu (loại cây có lá bè ra hai bên, mọc đầy hoang dại, như những mái vòm)...
Bãi Lớn hiện ra như một Nha Trang thu nhỏ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Trần Minh Thuận, kiểm lâm,
cho chúng tôi biết trong rừng nguyên sinh của Hòn Khoai có rất nhiều cây thuốc
quý như: cốt toái, huyết rồng, linh chi, ngũ triều, kỳ hương, quế quan, thần
thông, hà thủ ô, thiên niên kiện... Động vật sống trên đảo thường gặp gồm: kỳ đà,
trăn hoa, rắn mái gầm, sóc bụng xám. Cách đây vài năm, lúc trăn nuôi bị tuột giá,
người ta đã đem thả vào rừng hơn 1.000 con. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khỉ ở đây khá nhiều, gà rừng và
chim cũng lắm. Trên đảo Hòn Khoai có nhiều loại chim như: én, nhạn, cắc ca. Có
loài cao các lông đen mỏ vàng, trên mỏ có thêm cái mỏ phụ thứ hai giống chim
hồng hoàng. Ngành lâm nghiệp đã thống kê có trên 221 loài thực vật bậc cao sống
ở Hòn Khoai, thuộc 78 họ... Diện tích Hòn Khoai chỉ có 561 ha, nhưng động thực
vật rất phong phú. Nước ngọt trên Hòn Khoai có quanh năm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hòn Khoai có đủ điều kiện để trở
thành một khu du lịch, nghỉ dưỡng tuyệt vời và tiện ích, bởi nó cách biển, nhưng
không xa đất liền lắm, lại nằm ở một vị trí rất dể gây ấn tượng: Phía chót mũi
Cà Mau - nơi cuối cùng của đất liền Tổ quốc về phía Nam.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLDO</i></b></font></p>
</body>
</html>