<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Không phải trên đỉnh hình chóp m</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Không phải trên
đỉnh hình chóp mà là tâm điểm hình tròn</font></b></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2">Thực hiện cuộc vận động "Tuổi
trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác" do Ban Thường vụ Thành Đoàn thành phố
Hồ Chí Minh phát động, các cơ sở Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào sôi
nổi như: học tập các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh, hội thi kể chuyện về Bác,
tìm hiểu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, thông qua việc học tập
tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi đã tự xác định
cho mình nội dung học tập và rèn luyện bằng những việc làm cụ thể trong công
việc, học tập, đời sống hàng ngày. Thông tin trong Đoàn kỳ này xin giới thiệu
đến các bạn bài viết của đồng chí Cao Hoài Nam - Ủy viên Ban Thanh niên Công an
thành phố về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và những điều học tập từ tấm gương
đạo đức sáng ngời đó:</font></i></p>
<div style="float: left; width: 98px; height: 23px">
<table border="0" cellspacing="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nang%20cao%20dao%20duc%20CM.bmp" width="200" height="291"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ
thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc,
danh nhân văn hoá thế giới. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi dẫn dắt toàn
Đảng, toàn dân ta đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang cho độc lập tự do của dân
tộc. Người đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho thế hệ đời sau những giá trị nhân
văn vô giá, tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời của Người luôn là mục tiêu để
mỗi cán bộ Đảng viên, quần chúng nhân dân phấn đấu suốt đời học tập và noi theo.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong một lần được gặp gỡ, giao
lưu với đồng chí Trần Trọng Tân - Nguyên uỷ viên Trung ương Đảng - Nguyên trưởng
Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, người đã từng có thời gian được vinh dự sống và
làm việc cùng với Bác Hồ kính yêu của chúng ta, đồng chí đã nói về đạo đức Hồ
Chí Minh như sau: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ
thống đạo đức gồm 04 cấp độ: trước tiên là đạo đức làm người, thứ hai là đạo đức
giai cấp, thứ ba là đạo đức người Cộng Sản và thứ tư là đạo đức của lãnh tụ một
Đảng Cộng Sản cầm quyền. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng theo đồng chí Trần Trọng Tân,
lãnh tụ của một Đảng Cộng Sản không phải là người đứng trên đỉnh của một hình
chóp, tức không phải đứng cao hơn tất cả những người khác. Lãnh tụ của một Đảng
Cộng Sản là người đứng giữa tâm điểm của hình tròn, tức ngang bằng, bình đẳng
với tất cả mọi người nhưng có sức lan toả rộng, tập hợp được tất cả mọi người,
mọi tầng lớp xung quanh mình, đi theo mình. Trong suốt cuộc đời của Bác, từ lúc
bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước cho đến lúc đã là Chủ tịch nước, Người chưa
bao giờ tự cho mình là người giỏi nhất, tài năng nhất, đức độ nhất, không bao
giờ tự cho mình có những đặc quyền đặc lợi của một nguyên thủ mà đáng lẽ mình
xứng đáng được hưởng. Bác luôn đặt mình vào vị trí bình đẳng với mọi người, bình
đẳng về quyền và nghĩa vụ. Không quan cách, không trịch thượng, Bác luôn gần gũi,
thương yêu đồng chí đồng bào. Chính vì lẽ đó, trong một lần đoàn làm phim nước
ngoài thực hiện quay phim tư liệu về Bác, khi được hỏi: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tại sao các anh lại làm phim tư
liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi mà không phải là một vị nguyên thủ
khác?</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vị đạo diễn người Anh đã trả lời
rằng: "Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ duy nhất trên thế giới chưa bị tha hoá bởi
quyền lực". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự giản dị của Bác thể hiện rất
rõ qua các câu chuyện mà chúng ta ai ai cũng từng được biết hoặc nghe nói đến:
đôi tất rách vá đi vá lại nhiều lần mà Bác vẫn không chịu dùng đôi mới, đôi dép
cao su làm từ lốp ôtô Bác đeo suốt 15 năm đến nỗi tụt quai phải dùng đinh đóng
lại, chiếc ô tô cũ hỏng máy Bác cho sửa chữa lại dùng tiếp chứ nhất định không
đổi xe mới; những lúc đi thăm hoặc công tác nước ngoài, Bác vẫn mặc bộ quần áo
kaki giản đơn chứ không complê, cà vạt, giày da bóng lộn; hay ngay cả trong bữa
ăn hàng ngày cũng chỉ đạm bạc dưa cà chứ không cao lương mỹ vị; mùa hè nóng nực,
Bác vẫn từ chối không cho lắp máy điều hoà tại phòng làm việc của mình…và còn vô
số những minh chứng khác về đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác. Chúng ta sẽ
không hề ngạc nhiên mà sẽ hiểu được điều đó qua lời nói của Bác: "Đất nước còn
nghèo, Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm" </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một trong những đức tính cao quý
nữa của Bác là luôn từ chối những đặc quyền đặc lợi của một vị nguyên thủ quốc
gia và không bao giờ muốn người khác phải vất vả vì mình. Bác luôn bình đẳng về
quyền và nghĩa vụ với mọi người. Chúng ta có thể thấy điều đó thông qua các câu
chuyện như: trên đường công tác, Bác không để ai đeo hộ ba lô cho mình, thậm chí
còn đeo nặng bằng hoặc hơn các đồng chí khác; hay chuyện Bác cùng đào hầm trú ẩn
cùng với chiến sỹ, có người muốn giúp nhưng Bác bảo: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đây là quyền lao động của Bác,
chỉ có lao động thực sự mới đem lại hạnh phúc cho con người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lần Bác nói chuyện với nông
dân trong cái nắng gay gắt, có anh cán bộ định che ô cho Bác, Bác nói: </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Bác có phải là vua đâu mà che
lọng, nếu có che thì che cho tất cả đồng bào ở đây.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một lần, Bác có lịch hẹn đến thăm
một lớp học, đến giờ hẹn nhưng trời lại đổ mưa to, mọi người khuyên Bác nên hoãn
lại, thế nhưng Bác vẫn nhất định đội mưa đến thăm lớp: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đã hẹn thì phải đến, đến cho
đúng giờ, thà một mình Bác ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bác ghét thói phô trương, hình
thức, mỗi lần đi thăm, làm việc ở các địa phương, nơi nào tổ chức đón tiếp long
trọng, tốn kém, Bác phê bình ngay: "Đón Bác hay đón vua?"; ngay cả sau khi dùng
cơm hàng ngày xong, Bác cũng tự dọn dẹp lấy, để đỡ vất vả cho người phục vụ.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tất cả chúng ta đều biết rằng,
lòng yêu thương chiến sỹ, đồng bào là một trong những giá trị nhân văn cao đẹp
nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày tháng chiến tranh vệ quốc ác
liệt nhất, các chiến sỹ phòng không túc trực trên mâm pháo dưới cái nắng gay gắt
của mùa hè, Bác đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm của mình mua nước cho họ uống;
tự tay Bác quạt cho thương binh khi đến thăm một trại điều dưỡng; Bác cho bán
cái áo lụa được tặng để lấy tiền mua áo ấm cho cán bộ, chiến sỹ đang chiến đấu
nơi tiền phương; khi máy bay địch ném bom, Bác giục chiến sỹ xuống hầm trú ẩn
trước, Bác luôn là người xuống sau cùng; đôi khi có món ăn ngon, Bác cũng không
thưởng thức một mình mà san sẻ đều cho đồng chí, đồng đội; anh lính cảnh vệ bị
ngã, tự tay Bác đỡ dậy, xoa thuốc; Bác thường xuyên thăm đồng bào miền đồng bằng
cũng như miền núi, vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào làm nông, cấy lúa, chống hạn,
đắp đê, tự tay tắm cho trẻ em… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tất cả những điều đó cho thấy ở
Bác, một con người phi thường nhưng cũng rất đỗi đời thường, Người là hoá thân
của tinh hoa dân tộc, là biểu tượng của lòng nhân ái, ý chí, sức mạnh của con
người Việt Nam. Qua những câu chuyện về Bác, ta giật mình thốt lên: "Ôi chao,
tình Bác mênh mông quá", ta tự cảm thấy mình thật nhỏ bé. Đột nhiên ta liên
tưởng, có những lúc mình đã hoang phí biết chừng nào. Chiếc áo chỉ hơi sờn vai,
mình chê không mặc; cái xe cũ kỹ, mình ngại không đi; chiếc điện thoại còn sử
dụng được, sao mình lại đổi cái mới? Đôi lúc thời tiết thất thường, mình trễ hẹn,
để người khác phải đợi chờ mình. Rồi ta lại nhớ đến, có đôi lúc khoác bộ quân
phục trên người, ta nghĩ mình là quan, quần chúng phải kính trọng, phục vụ mình,
chứ không phải chính mình mới là người phải kính trọng và phục vụ nhân dân; ta
xem những đặc quyền, đặc lợi là điều hiển nhiên đáng được hưởng. Cũng qua những
câu chuyện về Bác, ta lại cảm thấy ray rứt vì đã có khi chưa thật sự thân ái,
giúp đỡ đồng chí, chưa thật sự chung vai sát cánh với đồng sự của mình. Lúc này,
lúc khác ta còn thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chưa thật
sự thấm nhuần lời nói của Bác: "Lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên
hạ". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có người lại nói: "Đạo đức của
Bác mênh mông lắm, cao siêu lắm, phi thường lắm, khó mà học cho hết được", có
thể là chúng ta không đạt được những điều phi thường như Bác, nhưng chí ít, nếu
phấn đấu nỗ lực, ta có thể học và làm được những điều bình thường của Bác, đó là:
sự bình dị, sự hòa đồng và lòng yêu thương con người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xin kết thúc bài viết này bằng
một đoạn văn trong quyển sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhan đề "Hồ" của
nhà báo người Mỹ Đây-vít Han-bớcstơn, xuất bản năm 1971 tại NewYork:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">"Hồ Chí Minh là một trong những
nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn
Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc
của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế
nhưng, đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy
vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ". </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>CAO HOÀI NAM (Ban Thanh niên CA
TP.HCM)</b></font></p>
</body>
</html>