<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thăm các di tích và tượng đài Bá</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Thăm các di tích và tượng đài
Bác Hồ tại TP.Hồ Chí Minh:</b></font></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Giản dị và gần
gũi như lối sống của Bác</b></font></p>
<div style="float: right; width: 151px; height: 121px">
<table border="0" cellspacing="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tham%20cac%20di%20tich.jpg" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Bức
tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu trước
UBND TP. Hồ Chí Minh</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các di tích, tượng đài Bác Hồ
luôn được người dân thành phố Hồ Chí Minh giữ gìn, chăm nom cẩn thận như một
cách thể hiện sự báo hiếu, báo trung. Đến di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí
Minh - số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5, là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành tạm
sống 9 tháng (từ tháng 9/1910 - 6/1911) trước khi ra đi tìm đường cứu nước, gặp
gỡ một số nhà nho yêu nước tại Sài Gòn. Nhà lưu niệm (diện tích 4m x 8,8 m) được
công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988, được trùng tu 1997 và mới
nhất, 4/2007. Tại tầng trệt là phần trưng bày cố định gồm 40 hình, tài liệu giới
thiệu về lịch sử ngôi nhà, Sài Gòn xưa những năm 1910 -1911; lầu 1 để tư liệu
chuyên đề. Khách tham quan phần đông là người dân Quận 5. Khách tới đông nhất
dịp kỷ niệm 19/5, ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến bảo tàng Hồ Chí Minh - chi
nhánh thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 117 năm Ngày sinh nhật Bác, Bảo tàng
vừa khai mạc chuyên đề: Sưu tập chân dung Hồ Chủ tịch làm bằng dây điện thoại
của HS Đỗ Năm (Cần Thơ) thực hiện năm 2006, và bộ sưu tập tranh cổ động chủ đề "Chủ
tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" của họa sĩ Trần Mai.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí
Minh chỉ có hai tượng đài Bác Hồ đặt ngoài trời. Một là "Bác Hồ với thiếu nhi"
của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đặt trong vườn hoa trước cửa UBND TPHCM đúng
dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1990) được làm bằng đồng đỏ, cao
3m (kể cả bệ hoa cương). Bức thứ hai là tượng "Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường
cứu nước" của Nhà điêu khắc Phạm Mười, cao 3,3 m, bệ đá hoa cương cao 1,9m, bằng
đồng nặng 1.000kg, khánh thành 5/6/2003, đặt tại Khu di tích bến Nhà Rồng. Họa
sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Quân cho biết: "Sài Gòn được mang tên Bác Hồ nên rất
cần đặt tượng Bác. Ưu điểm của hai bức tượng Bác Hồ tại TPHCM, trước hết, theo
tôi là ở kích cỡ - khiêm tốn gần đúng với tinh thần, bản chất, tính cách con
người Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai, nếu nhìn nhận dưới quan điểm tượng đài thì
đây là hai bức tượng thân thiện với môi trường - hòa hợp với cảnh quan". Được
biết, Chính phủ đã có quy hoạch về việc làm, và đặt tượng đài Hồ Chí Minh tới
năm 2020. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">THÙY AN <br>
</font></b></p>
</body>
</html>