<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Học cách ăn chơi trên</title>
</head>
<body>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%">Học cách ăn chơi trên...
tivi !?</span> </font></b></p>
<div align="justify">
</div>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<img border="0" src="hoc%20cach%20an%20choi.bmp" width="180" height="144"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Thủy Anh - MC của chương trình Café @ </span></font></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Thời gian gần đây, rất nhiều kênh truyền hình xây
dựng chương trình hướng đến giới trẻ, đó là điều đáng mừng. Thế nhưng, một ngày
bỗng giật mình khi nghe câu nói: "Cháu học được cách ăn chơi này trên... ti vi".
Chuyện gì đã xảy ra? </font></p>
</span><span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Con người
bị... "số hóa" </font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hầu hết các chương trình của Đài
truyền hình kỹ thuật số VTC đều liên quan đến... kỹ thuật số: Hội tụ số, Hành
tinh số, Chat với 8X, Café @... rồi thì Điểm tin mạng, Giải trí @, Sự lựa chọn
@, Thú chơi @...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu xem riêng rẽ từng chương
trình thì không sao, nhưng thử bật một kênh truyền hình từ đầu đến cuối để nghe
lặp đi lặp lại các từ này có cảm giác như con người đang bị "số hóa". Ấy là chưa
kể, trong mỗi chương trình nói trên, tần số lặp lại của các từ thế hệ 8X, thế hệ
9X, thế hệ @, tuổi teen... là dày đặc. (Mà không chỉ truyền hình kỹ thuật số,
trên VTV cũng thế, ví như Cuộc sống số, serie 7 ngày công nghệ...). Cái gì thái
quá cũng dễ gây nên phản cảm. Có người cho rằng, không cần biết người ta đặt tên
chương trình là gì, chỉ cần biết nội dung trong chương trình đó nói gì là được.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến các chương trình hướng đến
lứa tuổi mới lớn để thấy họ nói gì. </font></p>
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Có những
thú chơi nào của @? </font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để viết bài này, chúng tôi đã xem
rất nhiều chương trình Café @ của VCT5 và rất chú ý đến mục Sự lựa chọn @. Sự
lựa chọn đó là gì? Chương trình đầu tiên chúng tôi xin dẫn ra đó là thú nuôi chó.
Nuôi chó, yêu động vật thì có gì đáng phê phán? Không! Chỉ rất lấy làm ngạc
nhiên vì các cô các cậu tuổi teen làm sao có thể có tiền để mua những con chó
quý (và nhiều tiền) như thế. Chó quý thì phải được chăm sóc công phu, tốn kém,
nhiều thời gian mà họ đâu có nhiều thời gian, chẳng lẽ họ không phải học hành,
làm việc? Bao nhiêu người trong thế hệ @ có điều kiện và thời gian để theo đuổi
thú chơi này? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Người không nuôi chó thì chơi xe.
Họ mua xe Nouvo (cỡ chừng 28 triệu đồng), rồi (theo các nhân vật chơi xe) họ
phải cất công qua tận Thái Lan để mua các phụ tùng về "độ" lại cho thành chiếc
xe "độc". Họ lắp thêm dàn đèn sáng trưng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Có
người còn bảo mỗi tuần họ thay màu sơn (hoặc dán) 3 lần để thể hiện "cá tính".
Tính ra mỗi chiếc xe "độ" xong giá cao ngất trời! </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không trách người xem khi xét nét
hỏi rằng, trong số những gương mặt non choẹt đó có bao nhiêu người tự làm ra
tiền để "chơi" như thế. Nhưng cứ cho họ có tiền (đâu đó) đi, thì chúng tôi cũng
băn khoăn: Trong giấy đăng ký mô tô xe máy thường ghi rõ nhãn hiệu xe, loại xe,
số máy, số khung, dung tích xi-lanh, màu xe... Vậy thì khi công an kiểm tra, màu
sơn xe họ không đúng như trong đăng ký, như thế là họ đã phạm luật, phạm luật
thì sao lại cổ súy cho họ? Chưa hết, CSGT thường thổi phạt các xe lắp đèn pha
chiếu sáng quá mức cho phép, gây khó khăn cho người đi ngược chiều. Vậy thì có
thể thể hiện cá tính cả trong trường hợp phạm luật chăng? </font></p>
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">@ lựa
chọn cái gì? </font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một chương trình khác nói về các
bạn trẻ ngày nay đi chơi thường hay share tiền (tức là chia ra cùng trả). Điều
đó rất hay, miễn bàn. Nhưng vấn đề là họ chơi ở đâu? Cảnh quay cho thấy, họ (những
gương mặt tuổi teen chưa học xong phổ thông) lại ngồi trong quán bar (hậu cảnh
là những chai rượu ngoại). Hình ảnh này vô cùng xa lạ với đại đa số bạn bè cùng
lứa tuổi với họ. Rồi nơi lựa chọn của họ được nhà đài luôn luôn giới thiệu, hết
chương trình này đến chương trình khác vẫn là các quán cà phê (chắc vì thế
chương trình mới có tên là Café @), lại thử đặt câu hỏi: Có bao nhiêu người
trong thế hệ @ đi uống cà phê? Mà sao nhất thiết phải là cà phê mới được? </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới rồi, nhà đài phát đi rồi phát
lại một sự lựa chọn của @ trong lĩnh vực thời trang. Đó là thời trang trung tính
(UNISEX), coi đó như là một "trào lưu" và "mặc vào em thấy tự tin hơn". Thời
trang unisex là một trào lưu có từ các nước khác, nay đã thoái trào, nhưng người
ta lại dựng cái xác này dậy, thể hiện qua những cậu bé trai tô son điểm phấn,
đeo vòng xủng xoẻng; các bé gái lại... giả trai. "Bố mẹ chúng em rất sốc" - theo
lời một nhân vật. Vậy thì dựng nó dậy để "định hướng" cho ai đây? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh
từng nói về vấn đề này: "Nói ra chuyện này tôi cũng rất ngại sợ cho rằng mình
đang giáo điều, nhưng ý thức của lớp người này quá kém, nhất là cứ chạy theo
nước ngoài như thế. Điều này cũng như việc họ chạy theo cách ăn mặc, nam không
ra nam, nữ không ra nữ. Giới nào thì giới chứ, tôi gặp rất nhiều người đồng tính,
họ ăn mặc rất là đẹp, rất nam tính và hiện đại". Phải nói công bằng, Đài truyền
hình kỹ thuật số VTC thời gian qua đã có nhiều chương trình hay, nhiều việc làm
năng động, thu hút bạn xem truyền hình, nhiều chương trình hướng đến giới trẻ,
nói về họ, phục vụ họ. Tuy nhiên, nếu thế hệ @ chỉ có những thú chơi ấy, sự lựa
chọn ấy thì quả thật rất thất vọng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> "Cháu học được cách ăn chơi này
trên... ti vi" - câu nói của một cậu bé tuổi teen tô son điểm phấn mà chúng tôi
nghe được là điều mà những người sản xuất chương trình nên suy nghĩ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong lúc chúng tôi viết bài này
thì rất nhiều bạn trẻ đang đi tình nguyện mùa hè xanh tại vùng sâu vùng xa, đi
tiếp sức mùa thi... Đó có phải là một trong nhiều "sự lựa chọn @" mà nhà đài
chưa nghĩ đến? </font></p>
<p align="right"><strong><span style="font-style: italic">
<font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></span></strong></p>
</span>
</body>
</html>