<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đừng để vuột kiến thức vì</title>
</head>
<body>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%">Đừng để vuột kiến thức
vì... ngại ngùng</span></font></b></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF"> </font></b></p>
<span id="lbAuthor1" class="author"></span>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<img border="0" src="dung%20de%20vuot%20kien%20thuc.bmp" width="200" height="145"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Tranh luận giúp bạn hiểu mọi ngóc ngách vấn đề </span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Chỉ vì sợ nói sai hay
ngượng ngùng, nhiều bạn đã không dám phát biểu hay tranh luận một đề tài được
đưa ra trong lớp học. Các bạn không biết rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để
hoàn thiện bản thân cũng như tiếp thu kiến thức.</span> </font></p>
<span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Lớp học
chia... phe</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vào một buổi học bàn về vai trò
của truyền thông, giáo viên đưa ra một câu hỏi cụ thể: "Theo bạn truyền thông
mang nội dung bạo lực có làm người ta cũng trở nên bạo lực theo không?". Một nửa
lớp nói có. Một nửa lớp nói không. Giáo viên yêu cầu nhóm nói có dồn sang một
phía của lớp học. Nhóm nói không thì kéo qua phía còn lại. Giáo viên ngồi giữa
và chăm chú lắng nghe. Cuộc tranh luận bắt đầu. Nhóm nói có cho rằng truyền
thông mang tính bạo lực tác động trực tiếp lên con người, đặc biệt là ở những
đứa trẻ vì chúng là đối tượng dễ tổn thương nhất. Bằng chứng là nhiều đứa trẻ đã
bắt chước các bộ phim hành động hay bạo lực và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Nhóm nói không phản bác lại và cho rằng không thể đổ lỗi cho truyền thông bởi
hành động hay ý thức của một con người còn phụ thuộc vào sự giáo dục của gia
đình, tác động của bạn bè và môi trường sống. Cuộc tranh luận tiếp tục sôi nổi
và có phần căng thẳng nhưng không đến mức cãi nhau chí chóe. Và mỗi bên đều chăm
chú lắng nghe và ghi chép lại luận điểm của bên kia để phân tích và thảo luận.
Buổi thảo luận kết thúc sau đó. Xem ra không bên nào chịu bên nào cả. </font>
</p>
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Đúng, sai
không là vấn đề</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vấn đề ở đây là không có một điều
gì đúng tuyệt đối hay sai tuyệt đối. Ai cũng đưa ra lý lẽ để bảo vệ quan điểm
của mình, đồng thời tìm ra kẽ hở trong suy luận của người khác để phản bác.
Thông qua cuộc tranh luận sôi nổi, họ đã đào sâu vấn đề, phân tích, lắng nghe ý
kiến của người khác. Việc tổng hợp thông tin từ cuộc tranh luận vừa tham gia sẽ
làm cho bạn sáng ra nhiều khía cạnh của một vấn đề mà lâu nay bạn cảm thấy mù mờ.
Bạn sẽ nhìn một vấn đề rộng hơn, đa chiều hơn chứ không quen nhìn một cách phiến
diện. Nói rộng hơn, các cuộc tranh luận giúp bạn suy nghĩ chín chắn hơn trước
khi nói hay quyết định một điều gì. Bởi không có gì đúng hay sai tuyệt đối mà
chỉ là nó có phù hợp trong một hoàn cảnh cụ thể hay không. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Như vậy, có thể thấy nếu bạn ngại
không tham gia một cuộc tranh luận, bạn đã để cho một khối lượng lớn kiến thức
vuột khỏi tầm tay cho dù vấn đề thảo luận là vi mô hay vĩ mô. Càng sai lầm hơn
khi bạn vì sợ sai mà không dám nói ra quan điểm của mình. Thà nói ra để biết
mình sai để có thể sửa chữa hoặc cái sai đó không bao giờ bị phát hiện. Không
đối mặt với kẻ thù của mình, ở đây là cái sai, cái nhược điểm của bản thân, làm
sao có thể đấu tranh và triệt tiêu nó. </font></p>
</span>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></b></i></p>
</body>
</html>