<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bí quyết giúp bạn nghe giảng tốt</title>
</head>
<body>
<p class="Title" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bí quyết giúp bạn nghe giảng tốt hơn</font></b></p>
<p class="Title" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table align="right" border="0" width="100" id="table1">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<a onclick="window.open('/Includes/NewsImg/13479_anh.jpg', 'myWin', 'left=20,top=20,width=300,height=300,scrollbars=no,resizable=1'); return false;" href="http://www.baobacgiang.com.vn/Default.asp?NewsID=13479#"> </a><img border="0" src="bi%20quyet%20nghe%20giang.jpg" width="236" height="198"><a onclick="window.open('/Includes/NewsImg/13479_anh.jpg', 'myWin', 'left=20,top=20,width=300,height=300,scrollbars=no,resizable=1'); return false;" href="http://www.baobacgiang.com.vn/Default.asp?NewsID=13479#">
</a></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font style="font-style: italic; color: #808080; font-size: 10pt; font-family: Arial">
Chú ý nghe giảng để tiếp thu kiến thức tốt hơn</font><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
</font></i></td>
</tr>
</table>
<div style="font-family: Arial,Helvetica,sans-serif; font-size: 12px" align="justify">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">Nghe
giảng trên lớp là một phần hết sức quan trọng của một khoá học vì phần lớn
những gì bạn cần phải tiếp thu đều được cô đọng trong các bài giảng. Tuy
nhiên, lắng nghe và hiểu những gì thầy cô nói là một quá trình tư duy đòi
hỏi bạn phải hết sức chú ý và suy nghĩ về những gì bạn nghe thấy. </font>
</p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </div>
<div style="font-family: Arial,Helvetica,sans-serif; font-size: 12px" align="justify">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<strong style="font-weight: 400">Bạn có thể nghe giảng tốt hơn khi biết áp
dụng đúng cách những điều dưới đây: </strong></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2"><b>
Chuẩn bị sẵn sàng về mặt kiến thức:</b> Bạn chỉ có thể tiếp thu bài giảng
tốt nhất khi bạn có đủ kiến thức để hiểu những điều thầy cô nói. Hãy đảm bảo
rằng bạn đã hoàn thành tất cả bài tập về nhà (các bài tập lớn, các bài luyện
tập và cả những phần đọc thêm ở nhà). Hãy xem lại vở ghi phần bài học hôm
trước. Nghĩ xem bạn đã biết những gì về chủ đề sẽ được nói tới trong bài học
hôm nay. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần:</b>
Tinh thần hứng khởi sẽ giúp bạn tiếp thu bài tốt hơn. Thái độ của bạn khi
đến lớp không chỉ ảnh hưởng đến mức độ hiểu bài của bạn mà còn ảnh hưởng đến
hiệu quả bài giảng của thầy cô và không khí học tập của cả lớp. Hãy tìm hiểu
những điều khiến chủ đề của giờ học sắp tới trở nên thú vị và hữu ích. Hãy
nỗ lực hết mình để hiểu những gì thầy cô giảng trong bài học sắp tới. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Lắng nghe có mục đích:</b> Xác
định xem bạn mong đợi và hy vọng mình sẽ học được điều gì từ buổi học sắp
tới và khi đến lớp hãy lắng nghe những gì thầy cô nói để trả lời cho những
thắc mắc mà bạn đã nghĩ tới. Có mục đích khi nghe sẽ giúp bạn ghi bài tốt
hơn.</p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Lắng nghe một cách cởi mở:</b>
Hãy lắng nghe những gì thầy cô bạn nói. Việc đặt ra những câu hỏi là rất tốt
miễn là bạn sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những quan điểm khác không ngoài
quan điểm của bản thân. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Lắng nghe một cách chủ động:</b>
Bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ với tốc độ nhanh hơn tốc độ nói của thầy cô.
Hãy tận dụng ưu thế này để đánh giá những gì thầy cô đã nói và cố gắng hình
dung những gì thầy cô sẽ nói tiếp theo. Đừng quên ghi lại những ý quan trọng,
những chi tiết cần lưu ý trong bài giảng của thầy cô. Tuy bạn có thể suy
nghĩ nhanh hơn tốc độ nói của thầy cô nhưng tốc độ viết bao giờ cũng chậm
hơn tốc độ nói. Vì vậy, ghi bài đòi hỏi bạn phải quyết định nên viết cái gì,
mà để làm được điều này bạn phải biết lắng nghe một cách chủ động. Đây cũng
là phương pháp giúp cải thiện tư duy để phát triển kỹ năng nói của bạn.</p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Chấp nhận thử thách:</b> Đừng
“đầu hàng” và bỏ nghe giữa chừng khi bạn thấy thông tin được trình bày quá
khó hiểu. Khi đó, hãy lắng nghe chăm chú hơn và nỗ lực hơn để hiểu những gì
đang được đề cập đến. Đừng ngại đặt câu hỏi cho thầy cô vì việc đó sẽ giúp
bạn hiểu bài hơn. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>Đừng quá để ý đến môi trường
xung quanh:</b> Lớp học hôm nay có thể ồn ào, quá nóng, quá lạnh, quá sáng
hay quá tối nhưng đừng để những yếu tố khách quan ấy ảnh hưởng tới bạn. Hãy
dồn sự chú ý của mình vào việc quan trọng hơn - HỌC TẬP. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">Khi bạn có thể áp dụng được những
kinh nghiệm trên đây một cách đúng đắn và hợp lý, chắc chắn bạn sẽ có những
giờ học thực sự bổ ích và hiệu quả. </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="right"><b><em>Theo HHT</em></b></font></div>
</body>
</html>