<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP NẮM BẮT DƯ LU</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">MỘT SỐ PHƯƠNG
PHÁP NẮM BẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI </font></b></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"> <font color="#000080">
NGUYỄN MINH NHỰT </font></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2" color="#000080">UVTV, Trưởng Ban Tư
tưởng văn hóa Thành Đoàn</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dư luận xã hội là một trong những
hiện tượng tinh thần xã hội từ lâu được các nhà tâm lý học, xã hội học và các
nhà chính trị rất quan tâm. Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân
trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự. Khái niệm "luồng ý kiến"
có những nội hàm đáng lưu ý: Mỗi luồng ý kiến là một tập hợp các ý kiến giống
nhau. Dư luận xã hội có thể bao gồm nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí đối
lập nhau. Luồng ý kiến có thể rộng (tuyệt đại đa số, đa số, nhiều ý kiến) hoặc
hẹp (một số ý kiến). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dư luận xã hội hoàn toàn không
giống với tin đồn. Tin đồn cũng là một hiện tượng tâm lý xã hội nhưng không phải
là sản phẩm tư duy phán xét của cá nhân mang nó. Tin đồn là dạng thông tin không
chính thức, thường là bịa đặt (phao tin, đồn nhảm) được loan truyền từ người này
sang người khác. Trong quá trình loan truyền, luôn có sự thêm thắt, thêu dệt,
cường điệu hơn. Tin đồn lan càng xa, nội dung của nó càng khác nội dung ban đầu.
Dư luận xã hội thì ngược lại, là sản phẩm tư duy phán xét của cá nhân mang nó.
Dư luận xã hội thể hiện quan điểm, thái độ của cá nhân mang nó trước các hiện
tượng, sự kiện, vấn đề mà cá nhân đó quan tâm. Dư luận xã hội lúc đầu có thể có
nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng khi lan càng rộng, càng có xu hướng thống
nhất về nội dung phán xét, hoặc tựu trung thành một vài luồng cơ bản. Tin đồn có
thể làm nảy sinh dư luận xã hội nếu từ các cơ sở của tin đồn người ta đưa ra
những phán xét, những đánh giá bày tỏ thái độ của mình. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dư luận xã hội có thể đúng ít,
đúng nhiều nhưng dù có đúng đến mấy thì dư luận xã hội vẫn có những hạn chế,
không nên tuyệt đối hóa khả năng nhận thức của dư luận xã hội. Ngược lại, dù có
sai đến mấy, trong dư luận xã hội cũng có những hạt nhân hợp lý, không thể coi
thường. Hay nói cách khác, chân lý của dư luận xã hội không phụ thuộc vào tính
chất phổ biến của nó. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dư luận xã hội có 06 chức năng cơ
bản: chức năng đánh giá; điều tiết các mối quan hệ xã hội; giáo dục; giám sát;
tư vấn, phản biện và giải tỏa tâm lý xã hội. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã
hội, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Xin giới thiệu một số
phương pháp cơ bản để các Cấp bộ đoàn tham khảo và vận dụng phù hợp tùy theo
điều kiện của từng địa phương, đơn vị. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nắm bắt dư luận xã hội thông qua
phản ánh của hệ thống mạng lưới cộng tác viên: thành lập mạng lưới cộng tác viên
đảm bảo tính đại diện về độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ, giới tính,… và đảm bảo
các tiêu chuẩn như có ý thức chính trị, trung thực; có giao tiếp rộng rãi và có
uy tín với quần chúng; có khả năng tổng hợp ý kiến của quần chúng. Sản phẩm của
phương pháp nắm bắt dư luận xã hội qua mạng lưới cộng tác viên là báo cáo nhanh
về dư luận xã hội. Trong báo cáo nhanh (thường là hằng tuần), điều quan trọng là
phải phản ánh đầy đủ các luồng ý kiến khác nhau, dư luận của đa số cũng như
thiểu số. Tập trung làm rõ khía cạnh định lượng của thông tin thông qua các phạm
trù "tuyệt đại đa số", "đa số", "số đông", "một bộ phận", "một số người", "có
người"; đồng thời làm rõ chủ thể của luồng dư luận: đó là dư luận của thanh niên
nông thôn? thanh niên nhập cư? thanh niên trí thức? sinh viên, học sinh?... Các
phương pháp nắm bắt dư luận xã hội thông thường của cộng tác viên là quan sát và
phỏng vấn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phương pháp phân tích nội dung:
thường được sử dụng để thu thập dư luận xã hội từ báo chí, đơn, thư khiếu
tố,…(gọi chung là tài liệu). Những nét cơ bản của phương pháp này có thể được
trình bày như sau: trên cơ sở các vấn đề mà tài liệu đề cập đến, hình thành
những phạm trù nhất định mà chúng ta quan tâm. Sau đó tiến hành một công việc
giống như kiểm phiếu bầu cử. Mỗi đơn vị tài liệu (bức thư, số báo,…) được xem
như một phiếu. Tiếp theo, đếm xem mỗi phạm trù được bao nhiêu "phiếu" đề cập
đến. Trên cơ sở tần suất được đề cập, chúng ta rút ra kết luận phạm trù nào được
đề cập nhiều nhất, phạm trù nào được đề cập ít nhất… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phương pháp thăm dò dư luận xã
hội theo phiếu: Đây là phương pháp chủ yếu mà các trung tâm, viện nghiên cứu dư
luận xã hội thường sử dụng. Các công việc chính của một cuộc thăm dò dư luận xã
hội theo phiếu là: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Xác định chủ đề,
mục đích nghiên cứu; </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Xây dựng phiếu câu
hỏi; </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Chọn mẫu thăm dò;
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Triển khai cuộc
điều tra; </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Xử lý các cứ liệu
thu được; </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> - Viết báo
cáo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kết quả của việc nghiên cứu dư
luận xã hội được sử dụng trong quá trình lãnh đạo và quản lý xã hội: Sử dụng các
cứ liệu điều tra, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ quá trình ra quyết định của các
cơ quan lãnh đạo, quản lý. Sử dụng các kết quả nghiên cứu, điều tra, nắm bắt dư
luận xã hội để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Sử dụng các kết quả
điều tra, nắm bắt dư luận xã hội để tập hợp trí tuệ, phát huy sáng kiến của các
tầng lớp nhân dân. Sử dụng dư luận xã hội để gây sức ép chống tệ tham nhũng,
quan liêu, tắc trách trong hệ thống chính trị. Sử dụng dư luận xã hội để giáo
dục luân thường, đạo lý trong xã hội. Sử dụng các kết quả nghiên cứu dư luận xã
hội để giải quyết các điểm nóng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nghiên cứu, nắm bắt, phân tích,
dự báo, sử dụng và định hướng dư luận xã hội là một mắt xích quan trọng trong
quá trình lãnh đạo và quản lý xã hội vì dư luận xã hội thể hiện suy nghĩ, tình
cảm và ý chí của nhân dân, các lực luợng quần chúng, xã hội. Nắm được dư luận xã
hội là nắm được lòng dân, nắm được động thái xã hội, giúp cho các quyết định của
các cơ quan lãnh đạo sát dân, gần thực tiễn. </font></p>
</body>
</html>