<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trường Sa ký sự</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Trường Sa
ký sự</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Kỳ II: Được cấp cứu ở đảo Song Tử Tây</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi có hai đêm
trắng may mắn trên đảo Trường Sa, một đêm phải rời tàu vào… cấp cứu ở đảo Song
Tử Tây, gặp mưa và xem Champions League trên đảo Sinh Tồn…</font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="center" border="1" cellpadding="0" cellspacing="3" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="duoc%20cap%20cuu.bmp" width="400" height="300"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Văn
công Quân khu 4 biểu diễn văn nghệ trên đảo Sinh Tồn</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">May mắn vì … đau bụng phải cấp cứu
trên đảo</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi chia tay
đảo Song Tử Tây khi hoàng hôn buông xuống, con tàu HQ 996, rẽ sóng tiến về phía
trước biển cả mênh mông. Theo hải trình đã định sẵn, tàu đã nhổ neo ít khi quay
lại, vậy nên mới có chuyện một phóng viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội mải
ngoạn cảnh trên Trường Sa không kịp lên tàu theo đoàn, phải ở lại đảo 6 tháng.
Thế nhưng, tối hôm đó, tàu 996 đã bẻ lái chỉ để đưa mình tôi trở lại Song Tử Tây.
Một tình huống mà tôi và cả đoàn công tác đều không thể ngờ đã xảy ra…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Biển đêm, từng con
sóng lừng hung dữ húc vào mạn tàu. Con tàu có trọng tải một nghìn tấn vào loại
tốt nhất của vùng 4 Hải quân chao đảo, lắc lư như đưa võng. Tôi bỗng lên cơn đau
bụng dữ dội. Cơn đau quặn thắt khiến mặt tôi tái nhợt, mồ hôi toát ra ướt đầm cả
trán. Tay tôi bám chặt lấy thành giường, thầm than mình đen đủi, lâm vào một
hoàn cảnh thật oái oăm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách bờ hàng trăm
hải lý, trên tàu trang thiết bị y tế rất thiếu thốn… Hai anh bác sĩ quân y của
vùng 4 Hải quân túc trực bên tôi, hết đo nhiệt độ lại sờ nắn bụng mà chưa thể
chẩn đoán chính xác bệnh gì. Cuối cùng thì một chẩn đoán mà tôi và cả hai bác sĩ
sợ nhất đã được đưa ra: Nghi đau ruột thừa. Nếu như ở đất liền, phẫu thuật ruột
thừa vào loại đơn giản như mổ gà nhưng trên con tàu lắc lư đến mức không đứng
vững thì quá mạo hiểm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thế rồi, trong cơn
đau cứ nhói liên tục như sóng biển, tôi nghe tiếng hệ thống loa phóng thanh trên
tàu: “ Vì có trường hợp cần cấp cứu, toàn tàu quay trở lại đảo Song Tử Tây”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần một tiếng sau,
tàu đã đậu gần đảo và Ca nô được hạ xuống. Hai bác sĩ cùng anh Nguyễn Thế Hùng –
phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh Mai Thanh Hải – Phó Ban biên tập báo
Đại Đoàn Kết “hộ tống” tôi lên cano. Thực lòng, tôi chẳng muốn tàu quay lại đảo,
vì linh cảm mình không phải đau ruột thừa, vì làm phiền quá nhiều người và vì
ngại… tàu tốn dầu. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng ở lại khác
nào đánh cược với mạng sống của mình. Vả lại, đó là quyết định của thủ trưởng
đoàn công tác, Trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm
Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi ứa nước mắt vì cái quyết định
đầy tính nhân văn ấy. Tôi biết trên con tàu đang thực hiện chuyến công tác rất
quan trọng này, tính mạng con người vẫn quan trọng hơn tất cả. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi vừa bước xuống,
sóng dữ hất Ca nô lên hàng mét. Ca nô cứ nhồi lên rồi ụp xuống. Trong phút chốc,
tôi nôn vì say sóng. Và khi nằm xuống đáy Ca nô, tôi thấy phía trên tàu hàng
trăm ánh mắt đang nhìn mình. Cái nhìn lo lắng, cái nhìn cảm thông, cái nhìn động
viên, và có cả cái nhìn như một sự vĩnh biệt. Một anh bạn đùa: “Đừng lo, mổ ruột
thừa thì đưa về tàu khúc ruột nhé, đang thiếu mồi câu cá”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ca nô dập dềnh đưa
tôi vào Song Tử Tây, thủy triều đang xuống thấp, san hô nhô cao. Các chiến sĩ
Hải quân nhanh chóng đưa tôi lên bờ. Trong phòng khám, ba y bác sỹ đang đợi sẵn,
với dao mổ đã được sát trùng. Chỉ cần một cơn đau nữa, tôi sẽ được mổ ngay. Mà
sau khi mổ, tôi sẽ phải ở lại đảo ít nhất 3 tháng…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng từ khi nằm
lên giường, trên mặt đất vững chãi của Song Tử Tây có độ cao 4 mét so với mặt
nước biển, tôi không đau bụng nữa. Đại úy Nguyễn Thế Bình – bác sỹ khoa phẫu
thuật chấn thương của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đo nhiệt độ và tìm ven,
truyền dịch cho tôi. Đêm dần về khuya, chiếc máy nổ cuối cùng trên đảo đã tắt.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trời nóng, muỗi vo
ve. Tôi nằm trong màn, trong khi anh Bình vẫn ngồi trực bên giường. Anh sợ cơn
đau lại ập đến bất ngờ với tôi. Muỗi mỗi lúc kéo về một đông và đang tấn công
anh Bình. Tôi giục anh đi ngủ, nhưng anh vẫn ngồi yên lặng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Bình đã có vợ
và con gái hai tuổi ở đất liền. Tốt nghiệp Học viện Quân y, mới ngoài 30 tuổi mà
bước chân anh đã in dấu khắp mọi miền Tổ quốc, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà
Mau. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lẽ cảm thấy thế
vẫn còn chưa đủ, anh đã tình nguyện ra với Trường Sa. Điều kiện trên đảo thiếu
thốn đủ bề nhưng có lẽ nhờ những bác sĩ quân y như Bình mà ngay cả khi thời tiết
khắc nghiệt nhất, quân số khỏe của Song Tử Tây vẫn đạt 99%. Năm qua, kíp quân y
của đảo đã khám 280 lượt người, trong đó có những ca cấp cứu phức tạp như mổ
chấn thương, viêm nhiễm, tai nạn... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở trên biển đảo,
chỉ cần một cơn đau bụng bất thường như tôi đang nếm trải mới thấy các bác sĩ
quan trọng đến nhường nào. Ngư dân đi đánh cá có vấn đề về sức khỏe cũng tìm đến
đảo cậy nhờ. Phổ biến nhất là tai nạn liệt hai chi dưới do lặn sâu khi lên bờ,
giảm áp suất đột ngột. Nhiều ca nặng, phải thở oxy, có trường hợp, tàu phải chạy
240km mới cập đảo. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm ngoái, một cơn
bão khủng khiếp đã đánh thủng tàu ngư dân, khi cập đảo nước đã tràn ngập tàu. Bị
ngấm nước lạnh, đói khát, nhiều người hoảng loạn, run cầm cập… Nhờ các bác sĩ
kịp thời can thiệp, họ dần hồi phục. Rồi sau cơn bão số 1, và bão Chanchu mới
đây, Bình cùng các đồng nghiệp lênh đênh nhiều ngày trên biển, cứu chữa cho ngư
dân gặp nạn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi đã truyền chai
dịch thứ 3, mà Bình vẫn ngồi vậy. Ngoài kia, anh Nguyễn Thế Hùng và Mai Thanh
Hải cũng không ngủ được. Đêm trên đảo đẹp đến nỗi người ta không cho phép mình
được ngủ. Tôi nhìn ra, thấy trăng cuối tháng đã chảy lai láng ngoài thềm. Gió
hát với cây phong ba và bàng vuông, sóng biển vỗ rì rầm. Và trong dàn âm thanh
êm đềm đó cất lên một tiếng gà báo bình minh. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi kết luận
cơn đau bụng chỉ là do cơ địa chưa quen với sóng biển, tôi rời đảo, lên Ca nô về
tàu. Ca nô gần cập tàu, tôi thấy trên lan can, hàng trăm ánh mắt nhìn mình. Khác
với đêm qua, lần này hình như chỉ còn cái nhìn vui mừng. Đảo Song Tử Tây dần xa.
Tôi không để lại đảo “một phần thân thể” vì ca phẫu thuật ruột thừa đã không
diễn ra, nhưng tôi mãi neo đậu ở đó sự hàm ơn và thương nhớ. </font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Xem Champions League và gặp mưa ở
đảo Sinh Tồn</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mặt trời đã lặn
xuống biển, đêm đặc biệt trên đảo Sinh Tồn bắt đầu bằng buổi biểu diễn của đoàn
văn công quân khu 4. Tiếng đàn hát với ánh đèn màu vang lên, trong nhịp vỗ tay
cuồng nhiệt của lính làm tôi có cảm giác như hòn đảo nhỏ cũng rung lên...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau màn văn nghệ,
tôi một mình đi bộ ra bãi biển và bỗng cảm thấy như mình lạc vào chốn thần tiên:
Mặt biển mênh mông lấp lánh như được dát vàng, vầng trăng tròn vành vạnh trên
trời cao trong vắt. Bãi cát dài cũng trở nên lung linh. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyện kể rằng có
đoàn văn công lên đảo Sinh Tồn biểu diễn, các cô diễn viên ca sĩ đã đi dạo trên
bãi cát này. Thế rồi, khi đoàn rời đảo, lính buồn rủ nhau đi dạo và nhìn thấy
dấu chân con gái in trên cát. Chẳng ai bảo ai, mấy anh lính chạy đi tìm cái hộp
nhựa chứa đạn úp lên để giữ dấu chân. Chiều chiều lại ra đó, giở hộp nhìn dấu
chân con gái cho đỡ nhớ đất liền. Rồi một ngày dông bão nổi lên, xóa đi dấu chân
con gái trên cát...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đang mãi nghĩ vẩn
vơ, tôi bỗng nghe một tiếng nói rất đanh: “Đề nghị cho biết mật khẩu?”. Một anh
lính trong trang phục hải quân, vai vác súng AK, đứng nghiêm. “Tôi ở trong đoàn
công tác, chưa được phổ biến mật khẩu”. Anh lính cười: “Em biết rồi, anh ở Nghệ
An à?”. Thì ra Thái Doãn Nhị - tên anh lính- đồng hương với tôi. Tôi đi bộ dọc
bãi biển, cùng gác với Nhị, câu chuyện cứ dài ra theo mỗi bước chân.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhị ra đảo được gần
hai năm. Năm ngoái được nghỉ phép, Nhị về quê kịp lấy vợ, chưa trọn tuần trăng
mật lại ra đây. Vừa rồi, nghe tin vợ sinh con trai, Nhị vui quá không ngủ được,
cứ ngồi nhìn ra biển và tưởng tượng ra gương mặt con mình. Nhị bảo: “Mỗi lần gọi
điện về nhà, vợ em đều đưa máy điện thoại gần miệng thằng cu cho nó bi bô mấy
câu. Chỉ nghe tiếng con là em đã cảm thấy như mình đang được về phép vậy”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi tôi chào Nhị ra
về, trăng đã trên đỉnh đầu. Nhị vẫn đứng gác giữa trời khuya đảo vắng. Chỉ có
biển một bên. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng tôi được đảo
trưởng chiêu đãi bữa ăn khuya gồm cầu gai và bạch tuộc bắt ở bãi san hô quanh
đảo. Hai món ấy chấm với nước “mù tạt Sinh Tồn” được chế từ nước rau cải non, ăn
ngon nhớ đời. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tối hôm đó, có trận
tứ kết Champions League giữa Barcelona và Manchester United nhưng ở đảo thì làm
sao xem được? Niềm vui thật bất ngờ khi anh em cho biết, sẽ được xem bóng đá. Đó
là một ngoại lệ mà đảo đã “nhịn điện đãi khách”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đang nằm chờ xem
bóng đá, bỗng mưa trút xuống. Mưa trên đảo Sinh Tồn hiếm lắm, quý lắm. Nhà thơ
Trần Đăng Khoa hồi ở Trường Sa đã làm bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” đầy xúc
động: “Ôi ước gì được thấy mưa rơi; Mặt chúng tôi ngửa lên như đất; Những mầm
cây sẽ thôi không héo quắt; Đá san hô sẽ nẩy cỏ xanh lên...”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thật tình cờ, chúng
tôi chỉ một đêm ở đảo Sinh Tồn, không đợi mưa mà gặp mưa. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trận bóng đá diễn
ra với chất lượng hình ảnh âm thanh chẳng khác gì xem ở Hà Nội. Tự dưng tôi thấy
đảo giữa đại dương mà thật gần gũi với đất liền, cái giọng bình luận kia bỗng có
ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ của bình luận bóng đá.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm ấy, Barcelona,
đội bóng mà tôi hâm mộ đã có trận hòa mà coi như thua. Nhưng được xem Champions
League, được gặp mưa ở Sinh Tồn, được trò chuyện với lính đảo trong đêm trăng...
tôi đã cảm giác mình may mắn lắm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">
-------------------------</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Còn nữa</em></font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TPO</b></i></font></p>
</body>
</html>