<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tác giả của</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tác giả
của "Học kỳ trong quân đội": </font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Giới trẻ quá thiếu kỹ năng đời sống</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="gioi%20tre.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Các “chiến sĩ” học kỳ quân
đội học cách sơ cứu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với phương châm "Thép đã tôi thế
đấy", chương trình tập huấn "Học kỳ trong quân đội" dành cho các bạn trẻ trên cả
nước đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo học sinh và phụ huynh. <em>Tuổi Trẻ</em>
gặp gỡ đầu tuần với anh Nguyễn Thành Nhân - tác giả "Học kỳ trong quân đội". </font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><i><font face="Arial" size="2">* "Học kỳ
trong quân đội" nói riêng và việc huấn luyện kỹ năng cho giới trẻ học đường có
phải bắt nguồn từ thực tế xã hội?</font></i></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="gioi%20tre1.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Anh
Nguyễn Thành Nhân</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ở VN còn thiếu nhiều loại hình
ngoại khóa cho giới trẻ. Mùa hè, may mắn lắm các bạn học sinh được một hoặc vài
chuyến picnic dã ngoại. Từng phụ trách ban quốc tế của Thành đoàn TP.HCM, đi
nước ngoài nhiều, tôi cảm thấy đây là thiệt thòi của giới trẻ học đường ở VN.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mục đích của đợt
tập huấn "Học kỳ trong quân đội" nhằm mục đích tạo một sân chơi lành mạnh, một
môi trường rèn luyện nhân cách, bản lĩnh cho giới trẻ. Nội dung chính của chương
trình được xây dựng trên các nhóm hoạt động: vượt áp lực nhóm, rèn luyện bản
thân, giúp đỡ cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái. Đến với đợt huấn luyện,
các em không chỉ được học mà còn được áp dụng, tự lên kế hoạch cho mọi hoạt động
của bản thân. Thật ra tôi chỉ "Việt hóa" chương trình này bởi ở Hàn Quốc hay ở
Mỹ, những trại huấn luyện như thế đã trở thành thiết yếu trong đời sống.</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><i><font face="Arial" size="2">* Anh có thể
cho một ví dụ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn trẻ thiếu những kỹ năng đời sống?</font></i></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="gioi%20tre2.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Các
“chiến sĩ” tăng gia sản xuất tại trung đoàn 88 </font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Một nhóm bạn trẻ Hàn Quốc của
Tập đoàn SK Telecom tổ chức sinh hoạt dã ngoại ở công viên Hoàng Văn Thụ
(TP.HCM). Có một thành viên không chịu được nắng nóng nhiệt đới đã té xỉu. Các
bạn khác hành xử rất chuyên nghiệp: hai người có trách nhiệm đến sơ cứu nhanh,
đưa người bị xỉu vào chỗ mát và cho uống nước đường, các thành viên còn lại vẫn
tiếp tục chương trình sinh hoạt vì họ ý thức rõ hiện tượng trên là bình thường.
Đặt trường hợp này với một nhóm bạn trẻ VN thì sao? Có thể sẽ xôn xao, nháo nhác
và hàng chục người xúm lại sẽ lấy mất dưỡng khí của nạn nhân, rồi ảnh hưởng tâm
lý, chương trình sẽ không tiếp diễn bình thường...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ít được cọ xát thực
tế, ít được huấn luyện hay có thể được trang bị kiến thức đời sống một cách lý
thuyết, nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng rất cần cho sinh hoạt thường nhật. Mà thiếu
những hành trang cần thiết như thế, tôi đoan chắc khi vào đời, các bạn trẻ sẽ
gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng, thiếu ý thức kỷ luật và lớn hơn là thiếu
khả năng tư duy độc lập.</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><i><font face="Arial" size="2">* Theo anh,
vì sao "Học kỳ trong quân đội" thành công và có sức hấp dẫn với học sinh và cả
phụ huynh?</font></i></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="gioi%20tre3.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Các
“chiến sĩ” học cách đào bếp Hoàng Cầm</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Có một vị phụ huynh vừa đón con
học ở Mỹ về gửi tham gia ngay "Học kỳ trong quân đội". Vị này nói với tôi: "Tôi
xa cháu 300 ngày rồi, nhưng thấy cháu vẫn chưa thật sự ý thức tốt về tính độc
lập, nên chấp nhận xa cháu tiếp mười ngày nữa để cháu rèn luyện!". Rõ ràng nhu
cầu tìm kiếm một chương trình ngoại khóa để con em được rèn luyện thêm là rất
lớn của nhiều phụ huynh. </font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><i><font face="Arial" size="2">* Nhưng một
"Học kỳ trong quân đội" thì đâu có đủ? Chưa kể mức học phí khá cao, không phải
ai cũng có thể cho con em mình tham gia…</font></i></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đó là điều chúng
ta phải suy nghĩ. Loại hình huấn luyện thì không thiếu, điều chúng ta đang thiếu
chính là đội ngũ điều phối viên chuyên nghiệp và cả cách suy nghĩ của những nhà
thiết kế chương trình giáo dục. Với riêng mình, tôi đang tính tới ba phương án
thực hiện tiếp với loại hình huấn luyện này. Một là xây dựng trang web (đã xong,
địa chỉ <a href="http://www.hockiquandoi.com/">www.hockiquandoi.com</a>) và sẽ
dần dần đưa lên các giáo trình huấn luyện. Đây cũng là diễn đàn mở để những ai
có kinh nghiệm, có khả năng viết giáo trình cùng tham gia. Hai là tìm nguồn tài
trợ từ doanh nghiệp nhằm giảm học phí. Ba là phối hợp các tổ chức quốc tế để có
thêm nhiều loại hình huấn luyện uyển chuyển hơn, chuyên nghiệp hơn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng vẫn có những
kinh nghiệm đơn giản, dễ thực hiện để có thể biến sân trường thành những khóa
huấn luyện kỹ năng thường xuyên. Thí dụ ở Hàn Quốc, các lớp đàn anh sau khi được
huấn luyện sẽ trở lại huấn luyện tiếp cho các lớp nhỏ hơn về kỹ năng mềm, kỹ
năng thực hành xã hội... Bài toán khó, nhưng nếu trăn trở tìm cách vẫn có cách
giải thỏa đáng.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="96%" height="100">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Chương trình tập huấn "Học
kỳ trong quân đội" do Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền
Nam (thuộc Trung ương Đoàn) phối hợp trung đoàn 88, sư đoàn 302 (Quân
khu 7) tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 5 đến 14-7). Tham dự có 83 bạn trẻ
13-21 tuổi (từ Đà Nẵng đến An Giang) được chọn từ hơn 400 bạn có nhu cầu
đăng ký. Chi phí 3,7 triệu đồng/người.</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Chương trình được chia thành
ba giai đoạn: <em>giai đoạn một</em> gồm bốn ngày sống trong môi trường
quân đội giống như một tân binh thực thụ;<em> giai đoạn hai</em> gồm ba
ngày rèn kỹ năng đi rừng, khám phá rừng Nam Cát Tiên; <em>giai đoạn cuối</em>
là ba ngày thực hiện chương trình công tác xã hội và luyện kỹ năng mềm…
Sau khi hoàn thành chương trình, các "chiến sĩ” sẽ tham gia sinh hoạt
Câu lạc bộ Sĩ quan tương lai định kỳ hằng tháng. Chương trình sẽ tiếp
tục được tổ chức vào dịp hè năm sau, dự kiến tối đa một khóa không quá
150 người. </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="96%" height="100">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pSubTitle" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<font color="#fafafa"><strong> </strong><font color="#030303">* Chị Võ
Thị Minh Kiều </font></font><font color="#030303">(<em>phụ huynh bạn
Nguyễn Võ Mạnh Tài</em>):</font></font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Khi biết thông tin về chương
trình "Học kỳ trong quân đội", tôi đã đăng ký cho con trai tham gia
ngay. Dù đã học lớp 11 nhưng nhà chỉ có mỗi mình Tài nên được cha mẹ
chăm sóc kỹ lưỡng. Thấy con chưa tự lập, chưa dạn dĩ với bên ngoài nên
tôi rất muốn con trai tham gia chương trình với mong muốn con sẽ thay
đổi. Và đúng là trong những lá thư gửi về, tôi nhận thấy sự thay đổi từ
từ của con trai mình.</font></p>
<p class="pSuperTitle" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">* Chị Lê Thị Phương (<em>phụ
huynh bạn Vũ Lê Thái Minh</em>):</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Nhà có mỗi mình cháu nên rất
được chiều. Cháu không hư, không ham chơi nhưng gần như không biết làm
việc gì ngoài việc học. Năm rồi cháu đã đi du học ở Mỹ theo học bổng của
một chương trình giao lưu. Tôi đăng ký cho cháu tham gia chương trình
ngay khi cháu về nghỉ hè. Tôi rất mừng khi chương trình này được triển
khai, bạn bè tôi rất muốn đăng ký cho con tham gia nhưng tiếc là đã trễ
hạn. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>