<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thành đoàn - Một thời hoa lửa</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#FF0000">Thành đoàn - Một thời hoa lửa:
"Những đóa
hoa bất tử"</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="tran%20boi%20co.JPG" width="199" height="149"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center">
<font color="#0000FF" face="Arial" size="2">Liệt sĩ Trần Bội Cơ (dấu X) chụp chung với các
bạn học năm 1949. Đứng bìa phải là Trần Bội Anh, em
gái Trần Bội Cơ - Ảnh tư liệu gia đình</font></td>
</tr>
</table>
</P>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">221 là con số thống kê chưa đầy đủ về
các liệt sĩ của Thành đoàn đã hi sinh trong một phần tư thế
kỷ (1950-1975). </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sự hi sinh anh dũng của họ ở tuổi thanh
xuân để lại cho bao thế hệ thanh niên hình ảnh của những đóa
hoa bất tử. Họ ngã xuống để người khác được sống, để động
viên những người đi tới vững bước hơn...</font></p>
<p class="pInterTitle"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ươm mầm sự sống</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ông Phạm Đắc Lộc cho chúng tôi xem những
tấm ảnh hiếm hoi còn lại của con gái - liệt sĩ Phạm Thị Thu
Vân. Ông Lộc kể rằng khi mới 7-8 tuổi, Vân đã theo mẹ đi
mittinh, biểu tình, cứu trợ lũ lụt... Năm 1954, khi ông Lộc
ra tù, Vân tròn 5 tuổi. Lúc đầu, cô bé không chịu nhận cha
vì “ba của con ở Côn Đảo”. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đến năm 1959, bố mẹ lại bị bắt khi Vân mới
10 tuổi. Sự kiện đó đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong suy
nghĩ của Vân. Mãi sau này ông Lộc mới biết con gái của ông
đã trở thành một trong những nhân vật tổ chức đấu tranh của
HS Trường Lê Văn Duyệt (nay là Trường THPT Võ Thị Sáu,
Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với bí danh Bảy Thủy.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Năm 1967, ở Côn Đảo, ông nhận được thư con
gái kể chuyện đi thăm mẹ ở nhà lao Phú Lợi, còn lá thư cuối
cùng Thu Vân hứa với ông rằng “con sẽ trở thành người có
ích”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sự hi sinh của liệt sĩ Thu Vân gắn liền với
sự sống của Khao Kiến Quốc (bí danh Bé Đào). Cậu bé người
gốc Hoa ấy là giao liên nhỏ tuổi nhất Thành đoàn lúc bấy
giờ. Đợt hai năm Mậu Thân 1968, Quốc và hai chị Vân, Bua
được giao nhiệm vụ dẫn đường cho một cánh quân tiến vào nội
thành Sài Gòn. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Do giao tranh ác liệt trên đường hành quân,
họ bị rớt lại giữa vòng vây địch, phải nấp dưới hầm một ngôi
nhà bị cháy trơ nền. Đêm xuống, từng người rón rén chui lên
tìm chút nước uống cầm hơi. Chị Vân dặn Quốc: “Chết thì
chết, không đầu hàng nghe em!”. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày thứ ba, kẻ thù ném một trái lựu đạn
xuống hầm. Khi thấy một đốm lửa lóe sáng, Quốc bình thản
nhắm mắt chờ chết, chị Vân bất ngờ choàng người lên cậu bé.
Tỉnh dậy, Quốc thấy mình nằm trên mặt đất, máu ra nhiều ở
hai chân, còn xác hai chị Vân, Bua nằm trên một đống rơm.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Địch đưa Quốc lên trực thăng chở đi. Từ
trên cao, Quốc thấy hai chị nằm trơ trọi giữa cánh đồng mênh
mông. Về Sài Gòn, Quốc bị đem vứt vô bệnh viện. Nhờ một
người đạp xích lô tốt bụng, anh nối được liên lạc với gia
đình. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gần 40 năm trôi qua, Bé Đào ngày ấy bây giờ
đã là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, trong nhà ông thờ một
người con gái mặc áo trắng học trò. Nhiều năm qua, Quốc thay
chị Vân chăm sóc song thân chị đang tuổi xế chiều. Nhiều lần
anh tìm trở lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho hai
người con gái đã dành cho mình sự sống.
</font> </p>
<table style="width: 266px; border-collapse: separate; height: 193px" borderColor="#ecf2fe" height="193" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="266" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<font color="#000000">
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table8">
<tr>
<td>
<img border="0" src="bo%20me%20liet%20si%20thu%20van.JPG" width="119" height="160"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center">
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bố mẹ liệt sĩ Thu Vân</font></td>
</tr>
</table>
</font><font size="2" face="Arial" color="#0000FF">Những trận đòn trong tù và cú sốc mất con khiến bà
Quế, mẹ Thu Vân, lúc trở về có dấu hiệu bệnh tâm
thần. Ông Lộc giờ tóc bạc trắng, bệnh tật triền
miên. Hồi trước, do làm cách mạng phải vào tù ra
khám nên vợ chồng ông không dám có thêm con, giờ chỉ
có hai vợ chồng đêm ngày bên nhau. Ông bảo giá như
Thu Vân còn sống thì nhà ông giờ đã con đàn cháu
đống. Nhưng rồi ông nghĩ sâu xa hơn: “Mình đã chọn
sự hi sinh, con gái mình cũng tìm đến sự hi sinh, đã
hi sinh thì đâu ai nghĩ đến riêng mình”. </font></P>
</td>
</tr>
</table>
<b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Mãi mãi thanh xuân </font></b></P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nữ liệt sĩ Trần Bội Cơ còn một người em gái
tên Trần Bội Anh hiện đang sống tại Q.5, TP.HCM. Theo lời bà
Anh, bố mẹ bà gốc người Phúc Kiến (Trung Quốc), nhưng chị em
bà sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, sau đó được gửi lên Sài
Gòn ăn học. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vào ngày 4-5 hằng năm, các trường của người
Hoa ở Sài Gòn lúc bấy giờ bị đóng cửa vì trước đó đã từng có
bạo động của học sinh vào ngày này. Bội Cơ và các bạn học
quyết tâm đấu tranh đòi bãi bỏ qui định ấy. Ngày 6-5-1950,
trong lúc đang diễn thuyết trước đám đông học sinh, Bội Cơ
bị cảnh sát ập vào lôi về bót tra tấn dã man. Chị hi sinh
ngày 12-5-1950 khi mới 18 tuổi. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bội Cơ bị sát hại lúc cô em gái Bội Anh đã
về Vĩnh Long. Biết tình hình Sài Gòn bất ổn nên bố của chị,
ông Trần Thủy Nam, tức tốc lên Sài Gòn định đón con gái về
nhưng không kịp. Tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nam đã
ngất xỉu khi thấy thân xác không toàn vẹn của Bội Cơ.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lo sợ xảy ra một “sự kiện trò Ơn” thứ hai,
chính quyền cho phép ông Nam làm đám tang nhưng phải chôn
ngay và không được tụ tập đông người. Ông Nam mua nguyên cây
vải quấn xác Bội Cơ, nhưng những giọt máu tươi của người con
gái vẫn nhỏ xuống trên suốt dọc đường về nơi yên nghỉ. Mặc
cho cảnh sát ngăn cản, nhiều người vẫn cứ đi theo tiễn biệt
người con gái kiên trung.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sau cái chết của chị, có hơn 300 lá thư từ
khắp nơi gửi về, nhiều người tìm đến nhà chia sẻ. Ngày
2-9-1950, Trần Bội Cơ được Nhà nước VN dân chủ cộng hòa truy
tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng 2, và đến năm
2000 được truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân. Sau ngày 30-4-1975, mộ chị được di dời từ Q.11 về
nghĩa trang Lạc Cảnh, sau đó về yên nghỉ tại Nghĩa trang
liệt sĩ TP.HCM. Bà Trần Bội Anh, 73 tuổi, nói: “Nhà chỉ có
chị Cơ là trẻ mãi”. </font> </p>
<p class="pInterTitle"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Thêm vững tin bước tới</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đến tận bây giờ bà Huỳnh Ngọc Thu - cựu nữ
sinh Trường Gia Long (nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai,
TP.HCM) - vẫn còn nhớ như in hình ảnh “anh Ba học sinh” Đỗ
Ngọc Thạnh - một thanh niên đậm người, da ngăm, nói năng
khiêm tốn, hằng ngày lọc cọc đạp xe đến các điểm hẹn tổ chức
phong trào đấu tranh của SVHS. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Còn với bà Huỳnh Ngọc Thanh (chị bà Thu),
anh Thạnh là một lãnh đạo phong trào đáng nể: “Anh hướng dẫn
tôi phương pháp vận động quần chúng đấu tranh”. Trong cuộc
biểu tình ngày 9-1-1950 dẫn đến sự kiện “đám tang trò Ơn”,
mặc dù đã bị lộ nhưng anh Thạnh vẫn chạy như con thoi trực
tiếp chỉ đạo đấu tranh. Để kéo bà Thanh ra khỏi những cuốn
tiểu thuyết lãng mạn, anh Thạnh còn cho mượn những cuốn sách
“tiến bộ” như Chùm nho phẫn nộ, Thép đã tôi thế đấy, Người
mẹ…</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Theo lời bà Đỗ Thị Kim Oanh, anh trai Đỗ
Ngọc Thạnh của bà ngày trước là đứa con “cứng đầu” nhất
trong gia đình. Ông Đỗ Như Khương, bố anh Thạnh, khi đó là
một quan chức cao cấp ngành địa chính, từng cảnh cáo “đứa
nào làm chính trị tao từ luôn”. Và ông đã làm như thế khi
biết con trai thoát ly theo cách mạng. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 1947, Đỗ Ngọc Thạnh vào Đảng ở tuổi
17, sau đó được giao phụ trách Hội HS VN Nam bộ, rồi bí thư
Đảng đoàn đầu tiên của khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 11-1951,
một tên phản động chỉ điểm và mật thám Pháp đã bắt anh Thạnh
tại góc đường Frère Louis-Arras (nay là góc Nguyễn Trãi -
Cống Quỳnh). </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đối phương tra tấn anh dã man nhưng không
khai thác được gì nên đem thủ tiêu, ném xác xuống cầu Kinh
(Thanh Đa). Đến năm 2000, Đỗ Ngọc Thạnh được truy phong danh
hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhớ về “anh Ba” Đỗ Ngọc Thạnh, bà Huỳnh
Ngọc Thanh nói trong xúc động: “Những lúc bị tra tấn khốc
liệt, tôi lại nghĩ tới tấm gương hi sinh anh dũng của anh Ba
để tự động viên mình thêm vững tin bước tới”.
</font> </p>
</body>
</html>