<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Mùa hè xanh 2008</title>
<style>
<!--
table.MsoNormalTable
{mso-style-parent:"";
font-size:11.0pt;
font-family:"Calibri","sans-serif";
}
-->
</style>
</head>
<body>
<p><font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt; color: black">Mùa hè xanh
2008 </span></b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt; color: #0000FF">Đem luật đến với công nhân!</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Chiến dịch Mùa hè xanh năm nay, các
chiến sĩ tình nguyện của Trường Đại học Luật TPHCM xác định đối tượng mà họ cần
tư vấn pháp luật là công nhân. Vào những đêm cuối tuần tại các khu công nghiệp -
khu chế xuất, hàng trăm công nhân “học” pháp luật trong không khí khá hào hứng…<br>
<b><br>
</b></span><b><font color="#008000"><span style="font-size: 10pt">“Học” pháp
luật kiểu mới</span></font></b></font></p>
<table class="MsoNormalTable" border="0" cellspacing="0" cellpadding="0" align="right" width="1" style="width: .75pt">
<tr>
<td style="padding: 2.25pt">
<p class="MsoNormal">
<img border="0" src="dem%20luat.bmp" width="250" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td style="padding: 2.25pt">
<p class="MsoNormal" align="center"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: #808080; font-style: italic">Luật
sư Trịnh Đức Duy đang trao đổi với các bạn công nhân về Luật Lao động</span></font></td>
</tr>
</table>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Theo kế hoạch, vào lúc 18g30 ngày
19-7, buổi sinh hoạt pháp luật giữa các chiến sĩ Chiến dịch Mùa hè xanh và người
lao động sẽ diễn ra tại khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (phường Tân
Thuận Đông, quận 7). Nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi thì vào lúc 18g45, số
sinh viên tình nguyện còn nhiều hơn công nhân! Không nóng vội, không bực mình,
các “áo xanh tình nguyện” vẫn lẳng lặng làm công việc của mình. </span></font>
</p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Thạc sĩ Tất Dũng, giảng viên, Phó
Giám đốc Trung tâm ứng dụng và phổ biến pháp luật (CLAP, thuộc Trường Đại học
Luật TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Qua khảo sát thì phần đông công nhân trong khu
chế xuất, khu công nghiệp là người từ các tỉnh, thành khác đến, do thiếu hiểu
biết pháp luật nên thời gian qua đã có những hành vi chưa đúng quy định. Do vậy,
CLAP phối hợp với Ban Chỉ huy chiến dịch Mùa hè xanh để thành lập đội chuyên
tuyên truyền pháp luật. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Ngoài các sinh viên tham gia, chúng
tôi còn vận động gần 10 giảng viên của Trường đại học Luật và cả luật sư của
Đoàn luật sư TPHCM. Do đặc thù công việc của các bạn công nhân nên chúng tôi chỉ
tổ chức tuyên truyền pháp luật vào các đêm cuối tuần tại khu lưu trú hay tại nhà
máy. Giờ này các bạn vẫn còn một số sinh hoạt riêng tư, cá nhân nhưng chỉ khoảng
30 phút nữa là đông thôi!”. Đúng như lời Tất Dũng nhận định, khi gần hết phiên
tòa giả định thì công nhân đã tập trung khá đông và không còn ghế trống. <br>
<br>
Cách thức tuyên truyền pháp luật được chọn hướng “mở”: phiên tòa giả định và
kịch tình huống. Các nội dung mà CLAP chọn để cùng trao đổi với người lao động
cũng rất thực tế. Phiên tòa giả định hôm ấy xoay quanh hành vi cố ý gây thương
tích. Bị cáo là một cô gái bị người yêu hất hủi từ khi mang thai, sau khi tìm
đến nhà và bị bạn trai trở mặt nhục mạ, hành hung đã trả thù bằng cách tạt axit
“tên sở khanh”. Các công nhân (nhất là bạn nữ) đều thương cô gái bất hạnh và
mong muốn Hội đồng xét xử tuyên án treo, nhưng “luật pháp như sơn” và hành vi cố
ý gây thương tích vẫn phải trả giá!<br>
<br>
Kịch tình huống – nét mới trong đợt tuyên truyền pháp luật của Chiến dịch Mùa hè
xanh 2008 – với nội dung xoay quanh Luật Hôn nhân gia đình và Luật Lao động, đã
tạo không khí vui tươi và thu hút rất đông người lao động trẻ. Không vui và
không thu hút sao được, khi “diễn viên” chính của vở kịch ngắn chính là những
nam nữ công nhân - những người mà “khán giả” đã quá quen mặt trong khu lưu trú.
</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Nói chung, các bạn công nhân đều sợ
đình công, khi quyền lợi vật chất và thỏa ước lao động bị tranh chấp thì họ nghĩ
đến tổ chức công đoàn. Nhưng khi biết công ty chưa có tổ chức công đoàn thì họ
thường suy nghĩ khác. Chính vì vậy, anh Đại Cường, công nhân Khu chế xuất Tân
Thuận – tham gia vai một công nhân bị xúi giục đình công – đã không ngần ngại
tuyên bố và cũng là câu kết thúc luôn vở kịch ngắn: “Ủa, công ty chưa có công
đoàn à? Đình công hả, chơi luôn!”.<br>
<b><br>
</span><font color="#008000"><span style="font-size: 10pt">Mong “biết” pháp
luật!<br>
</span></font><span style="font-size: 10pt; color: black"><br>
</span></b><span style="font-size: 10pt; color: black">Cứ sau mỗi vở kịch tình
huống thì các công nhân lại được các luật sư trẻ của Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
trực tiếp tư vấn. Những hành vi, tình huống mà các công nhân thực hiện trong vở
kịch đều được các luật sư phân tích, mổ xẻ “ra tấm, ra miếng”, sát thực tế, đúng
pháp luật. Cụ thể, như tình huống đình công như trong kịch thì hành vi của người
lao động là đúng nhưng chưa đúng lắm và không hợp pháp! </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Luật sư Trịnh Đức Duy phân tích:
“Nếu công ty chưa có tổ chức công đoàn thì các bạn phải cử người đại diện hợp
pháp gặp gỡ và trình bày lý do đình công với lãnh đạo công ty, lãnh đạo quận,
huyện và cơ quan lao động. Chứ không phải không có công đoàn thì chúng ta tự tổ
chức đình công!”. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Nhiều vấn đề đơn giản, nhưng nếu mọi
người xử lý theo cảm tính thì không đúng với pháp luật. Như, trong vở kịch ngắn
về “sống chung”, các chàng trai “quất ngựa truy phong” tìm người con gái khác
trong lúc bạn gái của mình đang có thai. Chị công nhân tên Hương – đóng vai
người bạn gái đang mang thai – vì mặc cảm không có giấy đăng ký kết hôn nên chỉ
cầu xin bạn trai mình ở lại mà không dám thưa kiện đòi quyền trợ cấp nuôi dưỡng
đứa con chung của 2 người. <br>
<br>
Trời về đêm, hàng trăm công nhân vẫn chờ đến lượt mình để được luật sư tư vấn.
Chị Ngọc Tiên, 23 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang, đang công tác tại Công ty Daiwa
Plastic kiên nhẫn ngồi ở hàng ghế cuối chờ đến lượt mình, tâm sự: “Đây là đợt
sinh hoạt rất bổ ích. Tụi tôi làm việc tối ngày nên đâu có thời gian tìm hiểu
pháp luật. Phải chi tháng nào cũng có một buổi sinh hoạt như thế này để giải đáp
các thắc mắc về pháp luật cho chúng tôi!”. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Yêu cầu này được giải tỏa ngay khi
Thạc sĩ Tất Dũng công bố: “Các anh chị giữ lại phiếu ghi số thứ tự. Trước là làm
kỷ niệm cho buổi sinh hoạt hôm nay và vì mặt sau là địa chỉ trung tâm của chúng
tôi. Khi nào cần, các anh chị hãy đến trung tâm gặp chúng tôi để được tư vấn
pháp luật miễn phí!”. </span></font></p>
<div align="center">
<table class="MsoNormalTable" border="1" cellspacing="0" cellpadding="0" width="81%" style="width: 81.0%; border-collapse: collapse; border: medium none; background: #DFF4FF">
<tr>
<td style="border: 1.0pt inset gray; padding: 3.75pt">
<p class="MsoNormal"><font face="Arial">
<span style="font-size: 10pt; color: black">Các bạn có thể “gỡ rối
luật pháp” tại Trung tâm Ứng dụng và Phổ biến pháp luật Trường đại
học Luật TPHCM<br>
Số 2 Nguyễn Tất Thành, quận 4. Điện thoại: 9434764<br>
Email: clap@hcmulaw.edu.vn; Website:
<a href="http://www.hcmulaw.edu.vn">www.hcmulaw.edu.vn</a></span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" align="right"><font face="Arial">
<span style="font-style: italic; font-size: 10pt; font-weight: 700">Theo SGGPO</span></font></p>
</body>
</html>