<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thể hiện hay đánh mất mình</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Thể hiện hay đánh mất mình ?</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.nld.com.vn/img/4480/12-the-hien.jpg" border="1"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Các
bạn trẻ đang học lớp kỹ năng sống tại Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thể hiện mình không đúng lúc,
thiếu chừng mực, không chỉ chứng tỏ kỹ năng giao tiếp ứng xử của cá nhân còn non
kém, mà còn bộc lộ sự mất thăng bằng, thiếu kiểm soát của cá nhân </font></p>
</span>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thể hiện là một nhu cầu không thể
thiếu trong cuộc sống của con người, nó cũng tự nhiên như hơi thở, như những
hành vi đã thành thói quen. Theo Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội,
2001), thể hiện là “làm cho thấy rõ nội dung trừu tượng nào đó bằng hình thức cụ
thể”. Thể hiện mình là sự biểu đạt cái tôi cá nhân thông qua hành động, cử chỉ,
lời nói, trang phục, thái độ... cho tới những đề án, đề xuất, thành tựu, công
trình. Đó chính là sự hiện thực hóa, vật chất hóa những tri thức tình cảm, năng
lực của cá nhân, nhằm nhận được sự thừa nhận của cộng đồng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Tự biến
mình thành người khác </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự thể hiện mình một cách không
hợp lý bắt nguồn từ sự tự tôn và tự ti. Đây là hai mặt song hành vì tự ti, không
tự tin về bản thân, lo sợ cộng đồng không thừa nhận mình nên cá nhân phải tự
tôn, tự đánh bóng bản thân. Điều này khiến cho cá nhân hết rơi từ thái cực này
sang thái cực khác, dẫn tới mất cân bằng và thiếu kiểm soát, dẫn đến những sự
thể hiện mình một cách lố lăng, thể hiện mình một cách không ai chấp nhận được.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phần lớn những cách thể hiện mình
thái quá không ảnh hưởng đến ai. Chẳng hạn như phô trương về bản thân trong các
cuộc họp, các cuộc vui chơi sinh hoạt hằng ngày, chỉ khiến người ta bực mình.
Nhưng cũng có những cách thể hiện mình bắt đầu cho thấy sự nguy hiểm, chẳng hạn
như các bạn trẻ thấy các bạn nói tục thì mình cũng nói tục theo, thậm chí nói
tục nhiều hơn để chứng tỏ mình cái gì cũng biết. Hay có những bạn học sinh thấy
sách báo nói đến chuyện yêu đương đồng giới, bản thân dù không hề thích cũng tỏ
ra không chịu kém cạnh và “sành điệu” như ai. Khi dấn thân vào việc thể hiện
mình như vậy, thì cá nhân đã tự dấn sâu vào những con đường không phải của mình
và dần đánh mất mình. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự thể hiện mình thái quá dần dần
trở nên vô giới hạn, thậm chí có những bạn trẻ ăn chơi, bỏ nhà đi lang thang,
phá phách ở nhà hàng tụ điểm lắc, cũng chỉ vì muốn chứng tỏ mình từng trải, gia
đình giàu có, hay để thể hiện sự sòng phẳng với đám bạn đã rủ rê mình. Những
hành vi như vậy dần tạo ra một mảng đời phức tạp mà thực chất là từ chỗ băng
hoại cá nhân đã dẫn tới sự băng hoại của cộng đồng. Kết cục của sự thể hiện mình
một cách thái quá và bồng bột có khi đem lại kết quả là cá nhân đã tự biến mình
thành người khác, thậm chí tự hủy hoại mình. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Thể hiện
mình trong bối cảnh nào? </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một bộ quần áo chỉ thực sự đẹp
khi nó được chưng diện trước người khác chứ không phải trong phòng kín. Bởi vậy,
cá nhân không thể có cách biểu hiện gì khác ngoài sự biểu hiện trước cộng đồng.
Khi biểu hiện trước cộng đồng, cá nhân cần hiểu bối cảnh cụ thể. Có những hành
vi, cử chỉ, những trang phục, những hành động hợp với bối cảnh này nhưng lại
không phù hợp với bối cảnh khác, có thể phát huy được những giá trị trong không
gian văn hóa này nhưng lại vô vị trong một không gian văn hóa khác. Vì vậy, sự
biểu hiện cá nhân phải được đặt trong bối cảnh: bao giờ? ở đâu? với ai? </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với cộng đồng, việc thừa nhận
những sự khẳng định của các cá nhân phải được số đông chấp nhận và nó cần phải
được duy trì thường xuyên. Từ một em bé học mẫu giáo cũng phải có quyền thể hiện
những năng lực, nguyện vọng của mình. Những học sinh, không chỉ là đối tượng để
giáo dục và tiếp thu lời dạy bảo mà còn là những cá nhân rất cần được thể hiện
mình. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự thể hiện của mỗi người cần
diễn ra một cách chủ động, có bối cảnh để thể hiện, không phải là những hành vi
tự phát rồi hứng chịu búa rìu của dư luận xã hội. Sự thể hiện của các cá nhân
bộc lộ không chỉ trong vui chơi giải trí, quan trọng hơn là trong học tập, suy
nghĩ và làm việc. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Quá trình hình thành nên một cá
nhân không có điểm xuất phát và không có điểm kết thúc, nó là câu chuyện của một
đời người. Bởi vậy, cũng không nên vì một hành động, hành vi mà quy kết điều
này, điều nọ cho một cá nhân. Đồng thời, cá nhân cũng không nên cho rằng mình
chỉ cần thể hiện qua một vài hành động, cử chỉ, hay trang phục, phát ngôn là “đã
quá đủ”. Sự khẳng định của mỗi người cũng không có điểm kết thúc. Nhưng, trước
hết, nếu muốn được cộng đồng thừa nhận thì sự thể hiện bao giờ cũng phải có một
ý nghĩa nào đó, đặc biệt là ý nghĩa đối với cộng đồng mà cá nhân đó đang tồn
tại. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLĐO</i></b></font></p>
</body>
</html>