<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
“Chán như con gián”, có thật không?!</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=304075" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" width="200" border="1" height="150" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Tham
gia hoạt động xã hội là một trong những cách thoát khỏi cuộc sống tẻ
nhạt</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày trĩu nặng, mưa lâm thâm, một
blogger mở đầu ngày mới của mình bằng một lời than thở trên blast “chán như con
gián, buồn như con chuồn chuồn”. Ngay sau đó, “hội chứng chán” nhanh chóng lan
sang các blog khác. Và chỉ một chốc hàng loạt blog cùng chưng chung blast: chán
như con gián! </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">1.001 lý do chán</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Blog Codon1visao
than: “Đời buồn như con chuồn chuồn! Suốt ngày loanh quanh chỉ có ăn rồi lại
ngủ, rồi lại ăn... chả làm được cái tích sự gì”! Câu blast này dường như đánh
trúng tâm lý của hàng loạt blogger khác, thế là hàng chục blogger gửi bài hưởng
ứng. Một blogger cho biết “ngày nào cũng chán, chán cả một đời trai trẻ (!)”.
Blogger vicoidonan cũng... hùa theo: “Nói ra tự nhiên làm người khác... cũng
chán theo nè! Chán!”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ nhân của những
blog này chủ yếu là giới teen và SV. Trong entry của mình, blogger
manhtrangcuoirung than thở cụ thể nỗi chán của mình: “Ba mẹ mình cứ đi suốt
ngày, tối mịt mới về, bắt mình ở nhà với một lũ gấu bông, hết giỡn rồi lại hôn,
rồi lại lên mạng, đọc sách”. Một vài bài có vẻ như của người lớn tuổi thì chia
sẻ, động viên; nhưng có rất nhiều bài lại mang tâm trạng lâm ly của những người
“đồng cảnh ngộ” theo kiểu của blogger heoquay1210: “Cậu cũng giống tôi, nhưng
cậu sướng hơn còn được chơi với gấu bông, còn tôi thì suốt ngày chỉ có học với
học”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Chán” nhất có lẽ
là tâm sự của blog tên lackylac: “Chơi nhiều cũng chán, thoải mái quá cũng chán,
học lại càng chán hơn!”. Và lackylac gút lại nghe mà... “oải”: “Cuộc sống này
sao thấy cái gì cũng chán, chả có cái gì là thú vị cả!”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội chứng chán
không chỉ xuất hiện dày đặc ở các blog tuổi học trò mà còn ở nhiều blog có chủ
nhân là SV. Chủ nhân của blog huongtoimattroi là một SV tại Huế tâm sự khá... kỳ
lạ: “Học ĐH là quãng thời gian chán nhất trong đời, suốt ngày hết giắt cuốn vở
sau mông lên giảng đường rồi về phòng đánh bài rồi lại ngủ!”. Còn theo một SV
khác thì “môi trường ĐH ở Huế quá trầm lắng, thời tiết lại mưa suốt nên chả lúc
nào thấy vui”!</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Chờ đợi chia sẻ và... “lây nhiễm”</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều bậc phụ huynh
tỏ ra lo lắng trước việc con mình “thở dài” ngày càng nhiều. Một bà mẹ cho biết
lần nào đọc blog của con bà cũng nặng trĩu lòng vì những than phiền, chán chường
trong đó. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều người cho
rằng sở dĩ một số bạn tuổi teen than phiền là do thiếu sân chơi; còn đối với SV
thì môi trường ĐH chưa sinh động, học tập không lôi cuốn, thời gian rỗi quá
nhiều ...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyên gia tâm lý
Trần Thị Tú Anh, giảng viên khoa tâm lý giáo dục, phụ trách trung tâm tham vấn
tâm lý ĐH Sư phạm Huế, thì... cười xòa khi nói về “hội chứng chán” của giới trẻ:
“Việc than thở trên blog hay “thở dài” ngoài cuộc sống của giới trẻ chẳng qua
chỉ là một cách để mong muốn tìm sự chia sẻ. Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng bộc lộ suy
nghĩ của mình trên blog sẽ giúp nhẹ vơi nỗi lòng, đó là một việc hoàn toàn bình
thường. Tuy nhiên “tâm lý chán” đó chẳng qua chỉ xảy ra ở một thời điểm, lúc họ
gặp một chuyện gì đó bực bội. Và nếu các bạn muốn nói ra thì lập tức đưa lên
blog và vô tình lan sang nhiều người khác, điều đó có thể hiểu là xuất phát từ
tâm lý bầy đàn”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyên gia tâm lý
Tú Anh khuyên các bạn trẻ nên tạo cảm giác bận rộn bằng cách tham gia nhiều hoạt
động xã hội, giao lưu kết bạn, tạo hứng thú riêng cho bản thân; đồng thời nếu
cần thiết thì nên đến các trung tâm tâm lý để được tham vấn, sẽ giúp thoát khỏi
cảnh “buồn như con chuồn chuồn”!</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>