<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trẻ thấy xả rác là xấu mà người</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Trẻ thấy xả rác là xấu mà người lớn cứ xả!</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=313711" hyperlink border="1" width="200" height="150" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bà Phạm
Phương Thảo </font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Tôi rất vui trước thái độ quan
tâm của các em đối với những vấn đề xã hội. Các em không chỉ phản ánh sâu sắc
bức xúc mà còn nêu cả giải pháp...”. Đó là tâm sự của bà Phạm Phương Thảo, chủ
tịch HĐND TP.HCM, về
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=797&news_id=7946#content">diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em về thực hiện nếp sống
văn minh đô thị”. </a> </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Phạm Phương Thảo
nói: “HĐND là nơi lắng nghe tiếng nói của người dân, trong đó có cả 1,8 triệu
trẻ em thành phố. Quyền trẻ em quy định rõ các em có quyền được thông tin, được
cất lên tiếng nói của mình. Chúng tôi thực hiện diễn đàn này với mong muốn các
em nhỏ được vào công sở, tham gia các hoạt động của HĐND. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ đó, các em hòa
nhập thêm vào xã hội người lớn và tham gia bày tỏ chính kiến, nguyện vọng của
mình trước những vấn đề xã hội lớn như văn minh đô thị. Đúng là có thời gian các
em còn ít được người lớn lắng nghe. Tham gia diễn đàn này, các em rất sôi nổi,
nhiều em còn viết thư riêng dài đến mấy trang cho HĐND. Nhiều nước trên thế giới
đã tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện những quyền này rất tốt”.</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Và HĐND
TP.HCM đã lắng nghe được gì từ các em?</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Chủ tịch HĐND
TP.HCM PhAm Phương Thảo: Tôi rất vui và bất ngờ trước những ý kiến nhiệt tình,
chân thật, kể cả mạnh mẽ của các em. Các em đã nhận thức rõ vai trò của mình
trong xã hội và phát đi rõ ràng thông điệp của mình. Dù nhiều em còn ở lứa tuổi
thiếu nhi nhưng đã quan sát tinh tế, suy nghĩ sâu sắc trước vấn đề văn minh đô
thị tưởng chừng chỉ của người lớn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có em nhìn thấy
từng cái nhếch nhác trong hẻm nhỏ ngoại thành. Có em phản ánh chính xác vấn đề ô
nhiễm môi trường với phát triển bền vững. Nhưng đáng quan tâm hơn là nhiều em
còn nêu được giải pháp trong xây dựng văn hóa ứng xử giữa con người với con
người, giữa con người với thiên nhiên... </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=313712" hyperlink border="1" width="200" height="150" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Ông
Nguyễn Văn Ngai (</i><em>đứng</em><i>), phó giám đốc Sở Giáo dục và đào
tạo TP.HCM, nói từ ý kiến các em, ngành giáo dục sẽ hết sức chú trọng về
tính gương mẫu của người thầy</i></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Những ý kiến không ngại đụng
chạm của các em nhỏ đã làm người lớn phải giật mình và tự nhìn lại mình? </font>
</b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đúng vậy. Sự
trong veo nhưng không kém phần tinh tế và sâu sắc của các em đã khiến người lớn
phải suy nghĩ lại mình. Tại sao các em có thể thấy những cái chảo chiên bánh sôi
xèo xèo trên hè phố có thể gây nguy hiểm cho người đi đường mà chúng ta lại làm
ngơ? Các em có thể thấy xả rác bừa bãi ra đường là rất xấu mà người lớn cứ xả
rác? </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có em đã rưng rưng
khóc khi nói về những câu chuyện, hành vi không đúng của người lớn đối với văn
minh đô thị. Chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều khi lắng nghe ý kiến, nguyện
vọng của các em. Chúng ta có quá dễ dãi với mình? Chúng ta đã làm gương tốt cho
các em hay chưa?</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Theo bà,
những hình ảnh xấu nào của người lớn đối với các em là đáng lo trong xã hội hiện
nay?</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Có nhiều vấn đề
đang phải quan tâm. Trong đó có sự ích kỷ của người lớn như kẹt xe thì cố lấn
trái đường để được đi trước, xếp hàng mua vé thì cố chen lên, đi xe buýt thì còn
tình trạng chưa nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ... Sự ích kỷ của người
lớn hôm nay có thể dẫn đến sự ích kỷ của trẻ em mai sau và nảy sinh nhiều vấn đề
liên quan đến văn minh đô thị. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chúng ta cần phải
tuyên truyền tính khiêm nhường, lòng vị tha, chia sẻ cho trẻ em thông qua người
lớn trong xã hội. Tôi nhớ mãi ngày xưa ông bà mình giáo dục con cái rất hay: ăn
cá thì phải ăn từ đuôi lên, gắp thức ăn thì phải lựa món dở trước để nhường
miếng ngon cho người khác. Nhiều người lúc nào cũng nghĩ mình đứng trên người
khác là khó sống lắm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên cũng phải
nói người lớn tác động xấu đến trẻ em thì trẻ em cũng có thể thay đổi hành vi
của người lớn. Đó là một trong những mục đích của diễn đàn này. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="200" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">"Sự ích kỷ của người lớn hôm
nay có thể dẫn đến sự ích kỷ của trẻ em mai sau."</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Một câu hỏi riêng tư, bà và
các con trong gia đình có tác động và chia sẻ với nhau thế nào? </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tôi luôn về ăn
cơm với gia đình dù nhiều công việc bận rộn. Nhà không có người giúp việc. Cha
mẹ nấu cơm. Con cái lau rửa. Và các thành viên trong gia đình đều cố gắng dành
thời gian cho nhau. Tôi thường xuyên lắng nghe các con và trao đổi với các con
sống chấp hành pháp luật, quan tâm đời sống xã hội, sống tiết kiệm và giúp đỡ
người nghèo, tham gia hiến máu...</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Theo bà,
gia đình, học đường và xã hội có mức độ tác động đến trẻ em thế nào trong vấn đề
thực hiện nếp sống văn minh đô thị?</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tất cả đều có tác
động lớn đến trẻ em. Nhưng gia đình là tế bào của xã hội và là cơ sở đầu tiên để
thực hiện nếp sống văn minh đô thị nên rất quan trọng. TP.HCM có trên 1 triệu
gia đình. Đúng là một bộ phận gia đình còn có nhiều vấn đề về nếp sống văn minh
đô thị. Nhưng nhìn chung gia đình VN vẫn giữ được rường cột văn hóa truyền thống
rất tốt như kính trên nhường dưới, hiếu hòa, đùm bọc nhau. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc xây dựng văn
hóa gia đình là rất quan trọng trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Chúng
ta cần phải tuyên truyền và tạo thêm nhiều điều kiện để xây dựng văn hóa gia
đình tốt hơn. Chẳng hạn như mở thêm các trung tâm tư vấn gia đình...</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Bà nhận
xét gì về việc người dân cả thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm
(Khánh Hòa) cùng xắn tay áo ra dọn vệ sinh xóm làng đầu năm? Việc làm này liệu
có thể nhân rộng và có tác động gì đến trẻ em? </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đây là một việc
làm rất tốt, vì nó khơi gợi được ý thức trách nhiệm của từng người dân đối với
cộng đồng, chứ không chỉ là chuyện của Nhà nước hay cơ quan nào. Thực tế thời
gian qua không ít người dân vẫn chưa ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị
dù chỉ là việc nhỏ như không xả rác ra chung cư, khu phố. Theo tôi, việc làm của
người dân thôn Quảng Đức rất đáng được khuyến khích nhân rộng. Tết này, thành
phố cho mười công nhân vệ sinh đi du lịch Singapore cũng vì muốn họ học hỏi thêm
sự văn minh của quốc gia này. Điều đó gián tiếp góp phần giáo dục trẻ em về việc
cùng chung tay thực hiện nếp sống văn minh đô thị hôm nay cũng như tương lai.</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Biểu dương
việc tốt là rất cần, còn xử lý hành vi xấu thì thế nào? Trình bày trong diễn
đàn, nhiều em nhỏ rất bức xúc trước các hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị
của người lớn nhưng không bị xử lý. </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Chúng tôi cũng
rất trăn trở trước vấn đề này. Chúng ta đã nói nhiều, treo apphich, phát tờ rơi,
phát loa công cộng kêu gọi thực hiện nếp sống văn minh đô thị nhưng chưa đạt
được kết quả như mong muốn. Chính vì vậy mà nhiều trẻ em bức xúc là người lớn
nói nhưng không làm. Phải có những biện pháp xử lý, xử phạt nhiều hơn, nghiêm
minh hơn. Đôi khi phạt tiền một, hai trăm ngàn không sợ thì có thể xem xét bổ
sung các hình thức xử lý khác như bắt học thuộc lại Luật giao thông, Luật môi
trường, thậm chí đi lao động tại nơi công cộng để khắc phục hành vi của mình.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, bên cạnh
các biện pháp kiên quyết này vẫn phải thực hiện biện pháp giáo dục, tuyên truyền
kiên nhẫn kiểu mưa dầm thấm đất. Điều đó không chỉ cần thiết cho người lớn mà
còn tác động tốt đến cả trẻ em.</font></p>
<p class="pQuestion" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">* Như mong
mỏi của các em nhỏ, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai gần thành phố sẽ
sạch đẹp, văn minh hơn?</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">- Với tất cả nỗ lực
và các biện pháp đang thực hiện, chúng ta tin rằng thành phố sẽ đạt được các
tiêu chuẩn về nếp sống văn minh đô thị. Nhưng chắc chắn nó không thể đến nhanh
được, mà phải kiên trì và cần nhiều thời gian nữa. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="96%" id="table4">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pQuestion" align="justify"><b>
<font color="#030303" face="Arial" size="2">* Nhiều bạn nhỏ bức xúc một
số tài xế, nhân viên soát vé xe buýt văng tục, nói năng cọc cằn với
khách... Các bạn nhỏ muốn xe buýt không còn mang theo hình ảnh xấu đó.
HĐND TP chia sẻ gì với mong mỏi này? </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">- Hiện người đi xe buýt
khoảng 5%, phần lớn hành khách là học sinh, người lao động... Hiện TP có
trên 3.000 xe buýt, song văn hóa và chất lượng phục vụ của xe buýt nhìn
chung chưa làm hài lòng đại bộ phận người sử dụng phương tiện này.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Qua phản ánh chất lượng, văn
hóa phục vụ kém của xe buýt, Sở Giao thông vận tải TP hứa sẽ họp các chủ
xe buýt nâng chất lượng, văn hóa ứng xử của tài xế, người soát vé. Tuy
nhiên, về quản lý phải khắc phục tình trạng trùng lắp luồng tuyến. Trên
thực tế hiện nay có tuyến đường có đến 17 tuyến xe buýt và người dân
phản ảnh bức xúc xe buýt nối đuôi nhau gây phiền hà. HĐND TP sẽ có cuộc
họp chuyên đề giải pháp giao thông TP, trong đó có vấn đề vận tải hành
khách công cộng mà việc chấn chỉnh văn hóa phục vụ, chất lượng xe buýt
là trọng tâm.</font></td>
</tr>
</table>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TTO</b></i></font></p>
</body>
</html>