<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trường Sa nơi đầu sóng</title>
</head>
<body>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><span id="tab_ctl41_lbltitlenews">
Trường Sa nơi đầu sóng (kỳ 1)</span>
<!--<table align="right" cellpadding="0" cellspacing="0" border="0" style="MARGIN-LEFT : 5px">
<tr>
<td>
<img id="tab_ctl41_imgNewsIntro" src="Images/News/51659/51659.jpg" style="width:160px;border-width:0px;" />
</td>
</tr>
</table>
<font class="NewsDetail_NewsInit"></font>-->
</font></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table style="-moz-background-clip: -moz-initial; -moz-background-origin: -moz-initial; -moz-background-inline-policy: -moz-initial; width: 200px; border-collapse: collapse; margin-right: 6px; margin-top: 6px; margin-bottom: 6px; background-image: none; background-repeat: repeat; background-attachment: scroll; background-position: 0% 0%" align="left" id="table1">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://admin.qdnd.vn/portal/images/Share/080209dungs45-1-4.jpg" widht="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><em>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Tàu Trường Sa 20 ra khơi.</font></em></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Trong nắng gió Trường Sa càng nổi bật hơn hình ảnh
đảo nổi, đảo chìm và có cả “hòn đảo” lênh đênh trên biển. Ở nơi đó có những con
người rắn rỏi, nghị lực đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió. </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>I - “Người hùng” cứu hộ trên biển</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Trời về đêm, khi vừa ra khỏi cửa vịnh Cam Ranh,
những con sóng ào ạt vỗ, tàu Trường Sa 20 xé sóng hướng về quần đảo của Trường
Sa. Kể từ khi hạ thủy, Trường Sa 20 đã thực hiện hàng chục hành trình như vậy,
để trở thành một trong những cầu nối đất liền với đảo xa.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>Cầu nối giữa đất liền và hải đảo</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">3 giờ sáng, tiếng chuông báo hiệu bỗng vang lên. Tất
cả thuyền viên trên tàu ngay lập tức vào vị trí của mình. Xa xa lờ mờ hình ảnh
ngọn hải đăng bên cạnh đảo chìm. Tàu đã đến điểm đảo đầu tiên. Dù đã rất quen
với những hành trình trên biển, nhưng khi đến với mỗi điểm đảo của Trường Sa,
mọi thành viên trong thủy thủ đoàn đều phấn chấn hơn. “Mỗi chuyến đi là niềm
vinh dự, là mang niềm vui đến cho mọi người, bởi vì anh em ở Trường Sa đã ngóng
tin đất liền từ khi tàu rời cảng”-Thiếu tá, Thuyền trưởng Vũ Văn Vui tâm sự. Đã
có thâm niên 18 năm đi biển, theo Thuyền trưởng Vui, những chuyến đi vào dịp
cuối năm và vào tháng 7, tháng 8 là để lại nhiều kỷ niệm và cũng là hành trình
khó khăn, thường xuyên gặp thời tiết xấu nhất trong năm. Có mặt trong chuyến đi
vào những ngày cuối tháng 12-2008, tôi đã phần nào cảm nhận được vất vả của
người đi biển. Gió đông bắc thổi mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8, biển động
mạnh. Thân tàu lắc ngang 10-15 độ. Đối với những người lần đầu tiên ra biển như
nhóm phóng viên trong đoàn thì không bị say sóng đã là may mắn lắm rồi. Trong
khi đó những thủy thủ của tàu Trường Sa 20 không ngại phải đối mặt trực diện với
những ngọn sóng cao hơn 10m. Trong hành trình lần này, chúng tôi đã chứng kiến
những lần tàu sử dụng xuồng nhỏ vào đảo đón người trong lúc biển đang động mạnh.
Gió biển có những lúc như đẩy lùi chiếc xuồng nhỏ, những đợt sóng cao như muốn
nuốt chửng thân xuồng. Vậy mà chỉ trong 3 tiếng buổi sáng, hàng chục chuyến
xuồng đã qua lại để đón cán bộ chiến sĩ ở đảo về đất liền. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Nói về những lần đi xuồng vào đảo, Trung úy Trần Văn
Thắng, một trong những người dày dạn kinh nghiệm lái xuồng của tàu Trường Sa 20,
vẫn còn nhớ rõ nhiều tình huống nguy hiểm mà anh đối diện. “<span style>Đó là
những lần xuồng sắp lật do bị nhiều đợt sóng gối nhau đánh ngang thân, hay là
lần tàu mắc vào bãi cạn, lúc đó phải nhanh chóng quay mũi xuồng. Để cứu xuồng có
khi phải thả bớt hàng xuống biển tránh bãi cạn</span>”. Còn đối với Thuyền
trưởng Vũ Văn Vui, lần thoát hiểm anh vẫn còn nhớ như in đó là khi xuồng bị hỏng
trên đường rời đảo về tàu. “<span style>Chân vịt của xuồng bị tung ra, chúng tôi
phải neo lại trên bãi cạn rồi lặn xuống mò chân vịt. Xuồng bị kẹt cứng mà không
có cách nào để liên lạc với tàu hay đảo, chỉ còn cách nhấp nháy đèn. May mắn là
đã tìm thấy chân vịt, lúc xuồng về đến tàu cũng đã nửa đêm”</span>, Thuyền
trưởng Vui nhớ lại. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Chuyến đi lần này, tàu Trường Sa 20 đến nhiều đảo,
điểm đảo, nhưng ấn tượng hơn cả là vào đảo An Bang, vốn được xem là nơi sóng gió
nhất của Trường Sa. Đảo An Bang không có bãi san hô trải dài như nhiều đảo khác.
Bãi cạn của đảo dốc như hình cây nấm, vì thế tàu rất khó thả neo. Sóng ở An
Bang, vỗ vào bờ liên tục, từ mọi hướng, do không có bãi cạn nên những đợt sóng
cứ gối đầu nhau cập bờ mà không chịu vật cản nào lại càng dữ dội hơn. “<span style>Đi
xuồng vào đảo An Bang, nếu không cảnh giác, sóng có thể đánh vào từ bất kỳ hướng
nào, xuồng có thể bị lật. Đã có lần sóng đánh cho xuồng lao thẳng lên bãi cát,
rất may là không có ai bị nguy hiểm</span>”, Chuẩn úy Hoàng Văn Tùng, người
thường xuyên có mặt trên những chuyến xuồng vào An Bang chia sẻ. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Ở An Bang còn có một đội xung kích, họ là những
người lao mình ra ngọn sóng để nắm dây xuồng, khi đã nắm được dây, sức của hàng
chục người vừa kéo, vừa giữ cho xuồng không bị đánh bật đi. “<span style>Chính
vì vậy mà muốn vào An Bang phải lựa theo thời tiết, khi thời tiết thuận, thì dù
ở đâu cũng phải tức tốc vào An Bang trước”,</span> thuyền trưởng Vũ Văn Vui
khẳng định. Và thời tiết thật đã chiều lòng người, những chuyến xuống vào, ra
đảo An Bang trong hành trình này đều xuôi chèo, mát mái. Hành trình đến với
Trường Sa của con tàu mang tên chính quần đảo đầy ắp những kỷ niệm. Vượt qua
sóng gió biển khơi, những người anh em, những người đồng chí của đất liền và đảo
xa gặp lại nhau. Đó là niềm hạnh phúc, là quà tặng lớn nhất mà thủy thủ đoàn
nhận được sau bao ngày trên biển.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><strong>Cứu dân trong bão tố</strong> </font></p>
<table style="-moz-background-clip: -moz-initial; -moz-background-origin: -moz-initial; -moz-background-inline-policy: -moz-initial; width: 200px; border-collapse: collapse; margin-left: 6px; margin-top: 6px; margin-bottom: 6px; background-image: none; background-repeat: repeat; background-attachment: scroll; background-position: 0% 0%" align="right" id="table2">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://admin.qdnd.vn/portal/images/Share/080209dungs45-1-5.jpg" widht="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><em>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Kíp lái tàu đang chuẩn bị
buông neo khi tàu tới đảo</font></em></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Tàu Trường Sa 20, thuộc hải đội 411, Vùng D Hải quân
còn được biết đến như một “<span style>người hùng</span>” với nhiều chuyến cứu
hộ trong dông bão. Chia sẻ về những chuyến đi đặc biệt đó, Đại úy Nguyễn Văn
Tuấn, Chính trị viên tàu Trường Sa 20 nhớ lại: “<span style>Tôi đã được tham gia
những chuyến cứu hộ đặc biệt từ khi về tàu, đặc biệt bởi mức độ ác liệt của cơn
bão, hoàn cảnh sống sót của ngư dân mắc nạn và cũng bởi những mất mát thương
tâm”</span>. Rất nhiều thuyền viên trên tàu còn nhớ rõ lần đi cứu hộ khi cơn bão
Chan Chu vào Biển Đông. Đó là vào tháng 5-2006, tàu đang ở đảo Sinh Tồn Đông thì
nhận được lệnh khẩn cấp lên phía bắc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Tàu chỉ kịp
qua đảo Song Tử Tây đón một tổ quân y, nhận thêm vật dụng thuốc men và lên đường
ngay trong ngày. Khi lên đến phía bắc, thủy thủ đoàn đã phát hiện 5 tàu đánh cá
của ngư dân bị mắc nạn, tổng số thuyền viên có 65 người. Trong đó, có nhiều
người từ những chiếc tàu đã bị sóng đánh tan, một người đã chết, 13 người bị
thương nặng. Tất cả các tàu đều đã cạn kiệt nước uống, lương thực và hỏng nặng.
“<span style>Cảnh tượng mà tôi còn nhớ rõ đó là khi nhìn thấy một nhóm người bám
trên một chiếc phao chênh vênh giữa biển, họ là những ngư dân thoát được sau khi
tàu bị bão đánh chìm. Một người trong số họ đã chết. Một người đã vào nanh cá
mập. Những người còn bám được trên phao đã xác định không còn khả năng sống sót.
Đến khi được tàu Trường Sa 20 đón lên, nhiều người trong số nạn nhân vẫn chưa ổn
định được tâm lý, có người còn không nhớ được tên họ, thân nhân, gia đình</span>”.
Giọng của Đại úy Nguyễn Anh Tuấn vẫn còn xúc động khi nghĩ về cảnh tượng đó.
Ngay sau đó, tàu đã cung cấp nước uống, lương thực cho ngư dân, giúp sửa chữa và
cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh cá bị hỏng, lai dắt, kéo những tàu không
còn sử dụng được về cảng Cổ Lũy, Quảng Ngãi. “<span style>Lúc đến cầu cảng, rất
đông thân nhân của những người đi biển đã chờ từ trước, ai cũng nước mắt sụt
sùi. Người khóc vì đau buồn, không tìm thấy người thân, người vui mừng quá cũng
khóc. Chúng tôi thì được bà con cảm ơn, bắt tay mãi không thô</span>i”, Đại úy
Nguyễn Anh Tuấn bùi ngùi khi nhớ lại một kỷ niệm khó quên.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Những chuyến cứu hộ trên biển có thể coi là hành
trình đầy hiểm nguy và gian khó bậc nhất mà tàu Trường Sa 20 đã trải qua. Đã có
lúc tàu phải chống chọi với bão cấp 11, gió cấp 12, hay phải chạy trên biển khi
mà cơn bão đang ở ngay phía sau. Đại úy Nguyễn Quang Huy, Phó thuyền trưởng 1
tàu Trường Sa 20 kể về một lần chạy bão cấp 12: “Tháng 7-2007, tàu đang ở đảo
Sinh Tồn sau 110 ngày trên biển thì nhận lệnh chạy tránh bão. Cơn bão đi theo
hướng tây nam với tốc độ rất nhanh. Tàu không thể quay đầu được mà chỉ nhằm
hướng nam thẳng tiến, trong khi bão ở ngay phía sau. Con tàu chao đảo đến mức
chỉ nhìn thấy mặt biển mà không thấy trời. Chạy trên biển mất một ngày tàu mới
đến đảo Tốc Tan và tránh bão ở đó”. Trong nguy hiểm cận kề nhưng những thuyền
viên của tàu luôn xác định: “sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh”, nên không kể
thời gian, quan trọng nhất là cứu người, hơn nữa, làm công tác cứu hộ còn là
“tình cảm của con người với con người”, như Thuyền trưởng Vũ Văn Vui vẫn nói.
</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Sau những hành trình dài trên biển, tàu lại cập
cảng. Những người lính từ đảo xa được gặp lại gia đình, bạn bè, còn những thủy
thủ của tàu Trường Sa 20 lại tiếp tục chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo.
Trong số các thuyền viên của tàu, cũng có người một vài năm mới về với gia đình
một lần, có người đang nghỉ phép, khi có lệnh là lên đường ngay. Với họ, câu nói
“<span style>tàu là nhà, biển cả là quê hương</span>” càng khắc sâu hơn cùng với
những hành trình không ngừng nghỉ.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<b><i><font face="Arial" size="2">Theo QĐND</font></i></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b><font face="Arial" size="2">* Kỳ
sau: Hoài bão tuổi trẻ</font></b></p>
</body>
</html>