<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trường Sa nơi đầu sóng</title>
</head>
<body>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center">
<font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
<span id="tab_ctl41_lbltitlenews">Trường Sa nơi đầu sóng (tiếp theo và hết)</span></b></font></p>
<b>
<p class="MsoNormal" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<table style="width: 120px; border-collapse: collapse; margin-right: 9px; margin-bottom: 3px; background-image: none; background-repeat: repeat; background-attachment: scroll; background-position: 0% 0%" align="left" id="table4">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://admin.qdnd.vn/portal/images/Share/070209Huongh29.jpg" widht="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td align="center">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><em>Cô giáo trẻ ân cần bên
những học trò nhỏ</em></font></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font size="2" face="Arial">II- Hoài
bão tuổi trẻ</font></b><font size="2" face="Arial"> </font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Đảo Trường Sa quanh năm lúc nào cũng xanh tươi đầy
sức sống, màu xanh của cây cỏ và màu xanh của tuổi trẻ. Đến đảo Trường Sa, tôi
đã gặp những người trẻ tuổi. Họ có nhiều ước mơ, hoài bão và mong muốn xây dựng
hòn đảo tươi đẹp hơn, nơi họ đã chọn quê hương, là tổ ấm của mình.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>Cô giáo trẻ ở đảo xa</b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Thị trấn Trường Sa có một lớp học nhỏ, nơi dạy dỗ
những cháu bé tuổi đến trường, từ mầm non, mẫu giáo lớn cho đến lớp 4. Từng ấy
lớp nhưng chỉ có hơn 10 học sinh và cũng chỉ có một cô giáo với bấy nhiêu cấp
học. Cô giáo Bùi Thị Nhung, mới 27 tuổi nhưng đã từng dạy học ở nhiều nơi, từ
miền núi cho đến hải đảo trước khi ra với Trường Sa. “Trước khi đến Trường Sa
tôi không hình dung được đảo lại đẹp như thế, sống ở đây có cảm giác bình yên,
khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành”, đó là cảm nhận đầu tiên của cô giáo Nhung
khi đặt chân đến đảo. “Tôi đã đăng ký đi ra đảo ngay khi biết thông tin thị trấn
đang thiếu giáo viên. Những đứa trẻ dù ở đâu cũng cần được học hành đầy đủ,
chúng như những mầm cây đang ươm chồi”, cô giáo Nhung nhớ về quyết định lớn
trong cuộc đời mình. Không chỉ ra đảo một mình, gia đình nhỏ của cô giáo hiện
đang sinh sống ở Trường Sa. Chồng cô, anh Đặng Thanh Chương là một nhân viên của
thị trấn, còn cháu gái nhỏ khi mới ra đảo chỉ chưa đầy 2 tuổi, nay đã trở thành
một trong những học trò của cô. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng cô giáo Bùi Thị Nhung
đã đi nhiều nơi. Cô đã từng là giáo viên cắm bản, dạy học cho con em đồng bào
dân tộc Rắc Lây. Cô cũng từng là giáo viên Trường trung học Suối Cát, thuộc đảo
Cam Bình (Cam Ranh, Khánh Hòa). Chính vì thế, khi ra Trường Sa, không mất nhiều
thời gian để cô quen với cuộc sống mới, bên gia đình, bên những đứa trẻ hiếu
động và hàng xóm mới, giờ như đã trở thành người thân của cô.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Nói về những học trò của mình, cô giáo Nhung hiểu rõ
khả năng, học lực và tính cách từng đứa. Lớp học của cô giống như một gia đình,
mà ở đó hình ảnh cô giáo gần gũi như mẹ hiền. “Nhiều cháu đã sớm thể hiện khả
năng tiếp thu rất nhanh. Như cháu Nguyễn Xuân An, học lớp 4, khi tôi đưa ra một
bài toán mới, cháu đã tư duy ra cách giải, còn tìm thêm nhiều cách giải khác
ngắn gọn hơn”, cô giáo Nhung chia sẻ. Một mình đảm nhận 4 lớp tiểu học, cộng
thêm một lớp mầm non, cô giáo Nhung luôn phải tìm cách sắp xếp thời gian để bảo
đảm học trò của mình theo kịp chương trình học. “Tôi đã từng dạy lớp ghép nhưng
chưa bao giờ ghép nhiều lớp như vậy. Vì thế, tôi hướng dẫn các cháu tự giác học
trên lớp và phương pháp tự học ở nhà. Mỗi buổi học phải sắp xếp thời gian biểu
xen kẽ, một bên giảng bài, một bên làm bài tập, đến cuối buổi lại giao cụ thể
những việc các cháu sẽ làm ở nhà”, đó là những phương pháp dạy học rất riêng của
cô giáo Trường Sa.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Đến với những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, hành
trang lớn nhất mà cô giáo Bùi Thị Nhung mang theo chính là lòng yêu nghề. Dù ở
cách xa đất liền hàng trăm hải lý, nhưng không lúc nào cô quên sứ mệnh trồng
người của mình. Để trau dồi thêm nghề nghiệp, cô đã nhờ người thân, bạn bè tìm
mua những cuốn sách viết về phương pháp sư phạm mới nhất. Mỗi khi có tàu ra đảo,
sách lại chuyển đến tay cô giáo Nhung. Một thoáng băn khoăn, cô tâm sự: “Với
điều kiện ở đảo, nếu không có ý thức trau dồi nghề nghiệp thì dần dần có thể bị
mai một. Tôi có cảm giác học trò của mình ít tính cạnh tranh hơn những đứa trẻ ở
đất liền, nhiều lúc bị điểm thấp các cháu cũng không thấy buồn. Tôi thường hướng
các cháu đến với những ước mơ. Lớn lên con muốn làm nghề gì, làm bác sĩ hay làm
cô giáo…? Tự trả lời câu hỏi đó rồi các cháu sẽ có thêm động lực để vươn lên”.
Mong muốn lớn nhất của cô giáo Bùi Thị Nhung là các cháu sẽ có thêm điều kiện
học hành. Năm nay đã có thêm 2 cháu chuyển vào đất liền để theo học lớp 5, trên
đảo chỉ mới dạy hết lớp 4. Cô giáo Nhung đang nghĩ đến ngày sẽ có một trường học
khang trang trên đảo Trường Sa. Nhìn những đứa trẻ khuôn mặt khôi ngô, ánh mắt
trong veo đang nắn nót từng nét chữ đầu đời, với người giàu tâm huyết như cô
giáo Nhung đó là niềm vui vô bờ, là niềm tin về thế hệ tương lai của đất nước
đang sống nơi tuyến đầu Tổ quốc.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>Những cán bộ xã tuổi đôi mươi</b></font></p>
<table style="width: 120px; border-collapse: collapse; margin-left: 9px; margin-top: 5px; margin-bottom: 5px; background-image: none; background-repeat: repeat; background-attachment: scroll; background-position: 0% 0%" align="right" id="table5">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://admin.qdnd.vn/portal/images/Share/070209Huongh28.jpg" widht="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><em>Võ Viết Hiền, học sinh
lớp 2 của lớp học Trường Sa háo hức với bài học mới</em></font></td>
</tr>
</table>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </P>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Trụ sở của UBND thị trấn Trường Sa rộn rã tiếng cười
nói, những cán bộ chủ chốt của thị trấn đều đang hăng say với công việc. Ngoại
trừ Chủ tịch UBND thị trấn Vi Đức Thanh đã đứng tuổi, còn các Phó chủ tịch, Chủ
tịch mặt trận và nhân viên văn phòng đều đang tuổi đôi mươi. Một điều ngạc nhiên
nho nhỏ khi chúng tôi bắt tay làm quen với hai Phó chủ tịch UBND thị trấn sinh
năm 1980, còn hai người trẻ nhất, một giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
một là nhân viên văn phòng năm nay mới chỉ 24 tuổi. Nói về những cộng sự trẻ
tuổi của mình, ông Vi Đức Thanh vừa khen ngợi, vừa tự hào: “Họ là những cánh tay
đắc lực của tôi trong công việc, tuổi trẻ nhưng đã gánh vác hầu hết công việc
của thị trấn”. Bốn chàng trai trẻ mà chúng tôi vẫn hay gọi đùa là “bốn chàng
lính ngự lâm” ở Trường Sa đều trưởng thành từ phong trào thanh niên tình nguyện
của tỉnh Khánh Hòa. Mang trong mình tinh thần xung kích của những thanh niên
tình nguyện, họ đã đăng ký ra đảo để cùng với những người dân Trường Sa xây dựng
cuộc sống mới. Hai Phó chủ tịch UBND thị trấn, anh Nguyễn Quốc Thiện và Biện Văn
Quảng đã có gia đình, nhưng khác với các hộ dân trên đảo, hai anh một mình ra
nhận công tác. Khi rời đất liền, vợ anh Nguyễn Quốc Thiện còn chưa sinh cháu đầu
lòng, đến nay cháu bé đã được 2 tháng tuổi mà anh vẫn chưa biết mặt con. Hai anh
đã xem những hộ dân của thị trấn như gia đình mình. Trường Sa đã là nhà của các
anh. Nhắc đến những đứa trẻ ở thị trấn, anh Thiện cười bảo: “Chúng nghịch ngợm
và hiếu động lắm. Nhìn chúng tôi như thấy được hình ảnh con trai mình”.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Công việc của UBND thị trấn đảo cũng khác với ở đất
liền, từ việc nhỏ đến việc lớn đều đến tay các anh, nào là tổ chức tăng gia sản
xuất, dọn vệ sinh, tìm cách làm ăn, ổn định đời sống cho bà con. Trong mọi công
việc các anh đều cùng nhau giải quyết, lúc khó khăn cùng nhau bàn bạc, cho nên
dù khối lượng công việc nhiều nhưng đều được thực hiện trôi chảy. Vốn là đội
trưởng đội thanh niên tình nguyện của tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Quốc Thiện được
phân công phụ trách mảng văn xã, còn anh Biện Văn Quảng lại là “tay hòm chìa
khóa”, phụ trách về tài chính-nhân sự. Mặc dù là Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc,
nhưng anh Lê Minh Cảnh vẫn mang dáng dấp của một thủ lĩnh đoàn thanh niên. Anh
cũng là người phát động và tổ chức nhiều phong trào thanh niên sôi nổi của thị
trấn. Lòng nhiệt tình, năng nổ của các anh đã để lại cho người dân Trường Sa
hình ảnh đẹp về những người cán bộ trẻ tận tình. Chị Lương Thị Tình, một cư dân
của thị trấn nói về các anh: “Tôi chưa thấy mấy anh ấy từ chối một việc gì khi
có người nhờ, dù trong hay ngoài giờ hành chính các anh đều làm đến nơi đến
chốn”.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Bốn chàng trai trẻ cùng sống chung một nhà. Sau giờ
làm việc họ là những người anh em trong một gia đình, chia nhau các công việc
nội trợ. “Đã theo phong trào tình nguyện nhiều năm, với chúng tôi, sống xa nhà
dần trở thành quen. Những lần đi giúp bà con ở vùng sâu, vùng xa, sau giờ lao
động mấy anh em lại quây quần nấu nướng cũng giống như bây giờ”, anh Nguyễn Quốc
Thiện bộc bạch. Cho dù không có bàn tay người phụ nữ, ngôi nhà của các anh vẫn
thật ngăn nắp, sạch sẽ. Những người cùng trang lứa cũng dễ đồng cảm với nhau hơn
trong cuộc sống. Có những lúc nhớ nhà, có những chuyện vui buồn riêng tư, các
anh đều chia sẻ với nhau. Mỗi người cũng đang ấp ủ dự định riêng của mình. Anh
Thiện mong đến ngày được đón cả gia đình ra Trường Sa: “Tôi muốn gia đình mình
lập nghiệp trên mảnh đất này, xây dựng cuộc sống mới với Trường Sa”. Còn anh
Quảng lại miên man với dòng suy nghĩ làm sao để khai thác nguồn lợi biển của
đảo, những kế hoạch đầu tư lâu dài có thể mang đến cho đảo nhiều khởi sắc.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Sức trẻ Trường Sa hằng ngày cùng với những người dân
của đảo mang đến cho đảo xa một sức sống mới. Những đứa trẻ trưởng thành từ nơi
đây sẽ tiếp bước để Trường Sa luôn xanh tươi, yên bình giữa sóng gió biển khơi.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b><i>Theo QĐND</i></b></font></p>
</body>
</html>