<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sống đẹp bắt đầu từ đâu</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Sống đẹp bắt đầu từ đâu?</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều ý kiến, tham
luận tại hội thảo khoa học “SV và những giá trị đạo đức nhân văn trong nếp sống
văn minh đô thị” (khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM và Nhà văn hóa Sinh
viên TP.HCM tổ chức) thẳng thắn nhìn nhận: một bộ phận SV hiện nay có lối sống
hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, coi trọng giá trị vật chất, xem nhẹ đạo đức, tư
cách cá nhân... </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=316184" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Gắn bó
với các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng là một trong những cách để
sống đẹp</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tất cả đều cho rằng
vai trò của SV trong việc góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở TP.HCM là
rất lớn nếu được phát huy tối đa.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Một khảo
sát đáng suy nghĩ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khoa tâm lý giáo
dục ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố đề tài “Đánh giá sự phù hợp trong ứng xử của SV
với nếp sống văn minh đô thị tại TP.HCM hiện nay”. Cuộc khảo sát đã đưa ra 14
tình huống thực tế thường gặp xoay quanh các giá trị “hiếu thảo, trách nhiệm, tự
trọng, khiêm tốn, nhân ái” được thực hiện với gần 900 SV tại TP.HCM. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="200" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" id="table2">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">“Đạo đức tốt” là một trong
năm tốt của cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” mà T.Ư Hội SVVN sẽ phát động
trong sinh viên tại ĐH lần 8 này. Một SV có đạo đức tốt không thể là một
người thờ ơ với các giá trị đạo đức. </font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở giá trị hiếu thảo, các giá trị
về gia đình vẫn được SV coi trọng. Ở giá trị trách nhiệm, nhiều SV vẫn còn vô
cảm với những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống hiện nay (như gặp chuyện cướp
bóc, trấn lột, lấy cắp của công...). Trong khi đó, rất ít SV có thái độ tích cực
bảo vệ môi trường cũng như mạnh dạn dùng thái độ-hành vi cộng đồng để thay đổi
thái độ, hành vi của cá nhân có kiểu ứng xử chưa phù hợp. Đặc biệt, trong tình
huống “khi thấy người chạy xe phía trước quăng một bọc rác xuống đường”, chỉ có
29,6% nhặt rác bỏ vào thùng và nhắc nhở nếu có dịp. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều đại biểu đã
bày tỏ lo ngại trước giá trị quan tâm đến người khác của không ít SV: chưa
nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai trên xe buýt chẳng hạn. Còn “khi đồng
bào bị thiệt hại do lũ lụt, tai nạn hay những thiên tai khác”, chỉ gần một nửa
SV chủ động tham gia đóng góp theo khả năng và vận động người khác tham gia.
</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Nhà trường
phải là môi trường tốt nhất</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">SV Nguyễn Minh
Phụng (khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: “Không thể hình thành
cho SV các cảm xúc - tình cảm tích cực nếu chỉ dừng lại ở khẩu hiệu suông. SV
cần một môi trường thực tế để học hỏi, luyện tập, trải nghiệm và định hình cho
mình một nếp sống nhất định”. Theo Phụng, SV phải biết lắng nghe, nhìn nhận cuộc
sống để điều chỉnh các hành vi cho phù hợp với nếp sống văn minh đô thị, dần dần
mạnh dạn điều chỉnh hành vi của người khác.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thạc sĩ Lê Thị Linh
Trang (Trường Cán bộ TP.HCM) nhận định: “Trường học là nơi thuận lợi để đưa các
khuôn mẫu hành vi và ứng xử của mỗi cá nhân trong việc thể hiện nếp sống lành
mạnh, văn minh. Nhà trường phải trở thành môi trường tốt nhất để bồi dưỡng tri
thức và nhân cách, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống; hình thành,
rèn luyện những giá trị hiện đại. Kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục gia
đình - nhà trường - xã hội thì SV sẽ có sức tự đề kháng trước cái xấu trong xã
hội”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đề cao vai trò tự
giác của SV, anh Nguyễn Hữu Long (CĐ Sư phạm trung ương tại TP.HCM) cho rằng mỗi
SV phải biết thể hiện chính kiến của mình trước những hành vi thiếu tôn trọng
môi trường của người khác. Làm được những điều như vậy bạn sẽ thấy mình trưởng
thành hơn, đáng yêu hơn và cuộc sống chúng ta có ý nghĩa hơn…” - anh Long khẳng
định.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>