<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bảo vệ môi trường</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bảo vệ môi
trường: Cần thay đổi cách làm</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là điều mà đoàn cán bộ thuộc
Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM thống nhất sau chuyến công tác tại Thụy Sĩ xung
quanh các vấn đề về bảo vệ môi trường. Điều thú vị là những điều này hoàn toàn
không quá xa vời, vượt quá khả năng thực hiện của thành phố (TP). Vấn đề là phải
có quyết tâm.<br>
<br>
<b>Thay đổi nhiên liệu chạy xe buýt<br>
</b><br>
Chống ùn tắc giao thông là bài toán khó đối với TPHCM khi mà diện tích mặt đường
không thể tăng mà số phương tiện giao thông ngày một tăng. Thế nhưng, việc đổi
mới nhiên liệu chạy xe buýt lại không quá khó. Hiện nay trên địa bàn TPHCM đã có
2 chiếc xe buýt có thể dùng khí gas để vận hành. <br>
<br>
Một chiếc của Liên hiệp HTX xe buýt TP và một chiếc còn lại thuộc Công ty Xe
khách Sài Gòn. Chúng là kết quả của một nỗ lực hợp tác giữa ngành vận tải công
cộng TP, các đơn vị sản xuất dầu khí Việt Nam cùng sự hỗ trợ về công nghệ của
Hàn Quốc. Tất cả các bên liên quan đều đang rất nóng lòng muốn đưa 2 chiếc xe
buýt này vào hoạt động. <br>
<br>
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TP cho biết, đơn vị của
ông rất mong được sử dụng chiếc xe buýt này bởi khói thải của xe không những
sạch, giúp bảo vệ môi trường, mà giá thành gas còn rẻ hơn rất nhiều so giá xăng,
dầu - loại nhiên liệu mà xe buýt thành phố đang dùng. <br>
<br>
Các đơn vị sản xuất dầu khí tất nhiên cũng mong điều ấy, vì đưa được khí gas vào
vận hành xe buýt thì đồng nghĩa với việc họ bán được sản phẩm của mình. Tuy
nhiên, hiện nay 2 chiếc xe buýt này vẫn… nằm chơi. Lý do vì không có xe chuyên
chở khí gas, không có trạm bơm gas cho xe nên xe chẳng thể hoạt động được.</font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,200,250)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/02/images281250_U5f.jpg">
<img style="width: 255px" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/02/images281250_U5f.jpg" width="200" border="0" height="196"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Xe
phun khói gây ô nhiễm môi trường.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt,
Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trong
khí thải của các loại phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu, ngoài CO2 thường
có thêm lưu huỳnh, nitơ. <br>
<br>
Những chất này ra ngoài môi trường rất dễ biến thành axit, sẽ ăn mòn sắt, làm
hại cây trồng, gây hại cho sức khỏe con người. <br>
<br>
Đó là chưa kể các phụ gia trong xăng, dầu cũng có những tác hại nhất định cho
môi trường. Trong khi đó, xe sử dụng khí gas chỉ thải ra môi trường CO2 và nước.
Những chất này ít gây ô nhiễm hơn.<br>
<br>
Như vậy, vấn đề là bao giờ xe buýt TP mới có thể chạy bằng khí gas? Ông Dương
Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sở này cũng đang
có kế hoạch đổi mới xe buýt gắn liền với việc chuyển đổi nhiên liệu chạy xe
buýt. <br>
<br>
Sở đã làm việc với ngành dầu khí và hai bên đã thống nhất lộ trình, trong quý
1-2009 sẽ đảm bảo cung cấp khí gas cho 2 xe buýt nêu trên. Nếu mọi thử nghiệm
tốt thì sở sẽ phối hợp với các đơn vị vận tải cùng các đơn vị sản xuất xe buýt
từng bước thay dần xe buýt chạy bằng xăng, dầu bằng xe buýt chạy bằng khí gas.
<br>
<br>
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cho rằng, nếu làm được việc này thì không những môi
trường TP được cải thiện mà ngành giao thông có thể tính toán, định lượng lượng
khí thải ra và tiến hành trao đổi quota mua bán khí phát thải (CDM), sẽ đem về
cho ngành giao thông không ít tiền.<br>
<b><br>
Ngành xây dựng cũng có thể giúp bảo vệ môi trường<br>
<br>
</b>Đây cũng là một thông điệp mà Sở Tài nguyên - Môi trường mang về sau hội
nghị về môi trường ở Thụy Sĩ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, việc xây dựng nhà
và các kiến trúc khác thông thoáng, tận dụng được khí trời, ánh sáng tự nhiên,
giúp làm giảm việc sử dụng nhiên liệu cũng là một cách bảo vệ môi trường. <br>
<br>
Việt Nam - mà cụ thể là TPHCM, vốn rất được thiên nhiên ưu đãi về khí trời và
nắng trời nhưng hầu như nguồn năng lượng tự nhiên này chưa hề được sử dụng hiệu
quả. Tại TPHCM, đã có một thời gian bùng lên phong trào sử dụng máy nước nóng
năng lượng mặt trời, nhưng không hiểu vì lý do gì, phong trào chỉ kéo dài được
trong một thời gian ngắn. <br>
<br>
Hiện chỉ có một vài khách sạn, nhà hàng lớn trong thành phố trung thành với máy
nước nóng năng lượng mặt trời. Hầu hết kiến trúc xây dựng nhà ở, khách sạn ở TP
vẫn là kiến trúc khép kín, nhất là những ngôi nhà “ống” liên kế. <br>
<br>
Trong những ngôi nhà này, người dân thường phải sử dụng đèn và máy lạnh ngay
giữa ban ngày. Cần phải từng bước thay đổi cách xây dựng ấy, nhiều chuyên gia
nước ngoài đã góp ý như vậy. Sử dụng khí trời không những bảo vệ môi trường
chung cho cả cộng đồng mà còn tốt cho sức khỏe của từng cá nhân.<br>
<br>
Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng TP cũng còn nhiều điều chưa hợp lý. Tiến sĩ
Nguyễn Trung Việt cho rằng, nếu thay thế được toàn bộ bóng đèn 1KW bằng loại
bóng đèn siêu tiết kiệm điện năng 0,3KW mà độ chiếu sáng không thay đổi thì TP
cũng sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể, vừa đỡ tốn tiền điện vừa bảo
vệ môi trường. <br>
<br>
Tận dụng rác thải để tái chế và làm các dự án CDM cũng là một cách bảo vệ môi
trường, ông Việt khẳng định. Hiện nay, TPHCM đã có 3 nhà máy xử lý chất thải
đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2009, đầu năm 2010 các dự án
này sẽ bắt đầu hoạt động.<br>
<br>
Sẽ có một chương trình đào tạo mang tầm vóc quốc tế về những kỹ năng quản lý đô
thị thân thiện với môi trường. “Nếu đáp ứng được những điều kiện mà khóa học đưa
ra thì Việt Nam, mà cụ thể là TPHCM, sẽ được tham gia những khóa học này”, ông
Nguyễn Trung Việt nói. <br>
<br>
Tuy nhiên, người quyết định chuyện ấy không phải là Sở Tài nguyên - Môi trường
mà là ở lãnh đạo TP. Chỉ có TP chủ trì, vận động tất cả các ban ngành liên quan
tham gia tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường thì môi trường TP mới có thể
được cải thiện căn cơ và còn thu được tiền nếu trao đổi được lượng khí phát thải
(CDM). <br>
<br>
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, giá khí phát thải trên thị trường thế giới vào
khoảng 10EU/tấn. Mức giá này có thể tăng lên nữa, nhất là từ năm 2010 trở đi,
quốc gia nào tham gia Hiệp ước bảo vệ môi trường không tuân thủ đúng các điều
kiện đã cam kết sẽ bị phạt từ 70-80EU/tấn khí vượt. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>