<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kênh</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Kênh, rạch
TPHCM Ở đâu cũng có… rác</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hai tuần liên tiếp, từ 10 đến
16-2-2009, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã đi khảo sát tình trạng vứt rác
trên hệ thống kênh, rạch thành phố. PV Báo SGGP đã cùng đi với đoàn và những gì
chúng tôi thấy thật kinh khủng.</font></p>
<div align="left">
<table width="1" align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,188,250)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/02/images281248_U5i.jpg">
<img style="width: 240px" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/02/images281248_U5i.jpg" width="200" border="0" height="179"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Rác
tại rạch nhánh 1 - đường Cộng Hòa</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại rạch nhánh 1 đường Cộng Hòa,
đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất, rác không những đầy kênh mà còn bốc mùi hôi thối
nồng nặc. Theo đại diện chính quyền địa phương đi theo đoàn, hàng năm đoạn kênh
này đều được nạo vét 2 lần. <br>
<br>
Một lần theo chỉ đạo của chính quyền quận và một lần do phường sở tại. Chính
quyền địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở người dân không được vứt rác bừa bãi
nhưng rác vẫn đầy kênh.<br>
<br>
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là người dân sinh sống ven kênh hầu hết
là dân nhập cư, họ đến sinh sống một thời gian ngắn rồi đi nên chính quyền địa
phương không quản lý được. <br>
<br>
Và cũng vì chỉ sinh sống một thời gian ngắn nên nhiều người không hề có ý thức
giữ gìn vệ sinh môi trường. “Cần có biện pháp cứng rắn hơn đối với những người
xả rác bừa bãi”, những người dân sinh sống ở đây đã đề nghị với đoàn công tác
như vậy. <br>
<br>
Tại kênh Hy Vọng và kênh Tân Trụ cách đó không xa, tình trạng cũng tương tự. Dọc
2 bên kênh và trong lòng kênh có rất nhiều rác bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đã có
một thành viên trong đoàn nhức đầu và mệt khi phải hít liên tục mùi hôi. Lý do
của tình trạng này cũng là người dân sống dọc hai bên bờ kênh vứt rác thải sinh
hoạt bừa bãi xuống kênh.<br>
<br>
Riêng ở đoạn đầu kênh Hy Vọng, do có nước thải từ nhà máy sản xuất dầu ăn thải
ra, có lớp dầu nổi váng lên mặt nước, nhiều loại rác nhẹ không thể chìm xuống,
lâu ngày tạo thành một lớp bùn tạm thời trên mặt nước. Một số cây cỏ hoang đã
mọc trên lớp bùn này. Chính quyền địa phương ở đây cũng thường xuyên nạo vét
kênh 2 lần/năm nhưng kết quả là… môi trường vẫn bị ô nhiễm. Nguyên nhân chính
của tình trạng này không gì khác hơn, đó là hành động vứt rác bừa bãi của người
dân sinh sống tại đây.<br>
<br>
Trong suốt chuyến đi với đoàn, chúng tôi được Sở Tài nguyên - Môi trường cho
biết: trung bình hàng năm thành phố phải bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để vớt rác trên
các kênh, rạch. Hiện thành phố đang có xu hướng giảm dần số tiền này. Nhìn rác
chất đầy trong các kênh, rạch, chúng tôi không khỏi băn khoăn. <br>
<br>
Về lâu dài, đây là hành động hoàn toàn hợp lý bởi ngân sách thành phố không thể
chi ra để giải quyết hậu quả cho những hành vi thiếu ý thức bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, để việc cắt giảm khoản tiền này không ảnh hưởng đến vệ sinh môi
trường thành phố thì phải có các giải pháp nghiêm khắc để hạn chế tình trạng vứt
rác bừa bãi. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>