<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tháng Thanh niên 2009</title>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 6.0pt" align="left"><b>
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Tháng Thanh niên 2009: </span>
</b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 6.0pt" align="center"><b>
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial; color: #0000FF">An sinh xã hội
với ổn định và phát triển ở nước ta</span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 6.0pt"><b>
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial; color: black">Chủ đề Tháng
Thanh niên năm 2009 được Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định là “Tuổi trẻ hành
động vì an sinh xã hội”. An sinh xã hội là khái niệm cơ bản, quan trọng trong
quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này,
chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Trang (Học
viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), bài đăng trên tạp chí Tuyên
giáo tháng 7/2008).</span></b></p>
<div style="float: right; width: 138px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="an%20sinh.bmp" width="220" height="166"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Kỹ
sư tình nguyện hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phát triển nhanh và bền vững đang
là xu thế của xã hội hiện đại. Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X,
nhiều bài học kinh nghiệm lớn và cũng là tư tưởng chỉ đạo về phát triển kinh tế
- xã hội của Đảng ta đã được đề cập đến, trong đó có bài học về phát triển nhanh
và bền vững.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tổng kết thực tiễn hơn 20 năm Đổi
mới đã cho thấy: phát triển nhanh phải đi đôi với nâng cao tính bền vững, hai
mặt đó có tác động lẫn nhau, được thể hiện cả ở tầm vĩ mô và vi mô, ở cả tầm dài
hạn và ngắn hạn. “Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm ổn định chính trị -
xã hội, coi đây là tiền đề, điều kiện để phát triển nhanh và bền vững”(1).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để phát triển nhanh và bền vững
cần phải chú trọng nhận thức và giải quyết đúng đắn tính quy luật về sự hài hòa
trong phát triển kinh tế - xã hội, An sinh xã hội (ASXH) có tác động to lớn vào
việc thực hiện phát triển hài hòa đó. Như vậy, để đảm bảo phát triển nhanh và
bền vững ở nước ta phải chú trọng giải quyết hài hòa trong phát triển các lĩnh
vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường; hài hòa các mối quan hệ, các cấp độ
trong phát triển, giữa phát triển kinh tế với ổn định chính trị, giữa tăng
trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển nhanh và bền vững
phải hướng vào mục tiêu phục vụ cuộc sống con người, vì sự phát triển toàn diện
của con người. Điều đó đòi hỏi giải quyết một hệ thống các chính sách hướng vào
mục tiêu phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống, chất lượng sống và trình độ phát
triển con người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ thể của phát triển là con
người, động lực của phát triển và mục tiêu cao nhất của phát triển xã hội cũng
là con người. Để cho mỗi cá nhân và cộng đồng người trong xã hội phát huy được
tiềm năng và vai trò trong phát triển nhanh và bền vững, tất yếu phải có những
đảm bảo xã hội cho con người có cuộc sống ngày càng tốt hơn cả về vật chất lẫn
tinh thần. Những đảm bảo xã hội đó chính là đảm bảo về ASXH. Các chế độ nhà nước
và các mô hình phát triển dù có nhiều điểm khác nhau, kể cả ý thức hệ và thể chế
chính trị đi nữa cũng đều phải quan tâm giải quyết các vấn đề này.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với nước ta, trong quá trình
đổi mới, hệ thống ASXH là một bộ phận, một công cụ quan trọng của mô hình phát
triển trong tiến trình đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng,
dân chủ và văn minh”. Giải quyết các vấn đề ASXH vừa là điều kiện, vừa là mục
đích, vừa tạo ra động lực lại vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế, chính trị,
văn hóa và xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững ở nước ta. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tư tưởng về ASXH và hệ thống
chính sách ASXH được thể hiện khá đậm nét trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ X, nhất là trong “Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh
tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010)”. Đây là điểm mới, là sự cụ thể hóa và phát
triển sâu sắc hơn nhận thức lý luận về chính sách xã hội, về giải quyết các vấn
đề xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở nước ta. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hệ thống chính sách ASXH ở nước
ta được biết đến bao gồm hai tiểu hệ thống: bảo hiểm xã hội và hỗ trợ xã hội.
Nếu bảo hiểm xã hội là hình thức ASXH tự nguyện dựa trên nguyên tắc có đóng, có
hưởng, kể cả bắt buộc hay tự nguyện, bao gồm các loại bảo hiểm về y tế, nghề
nghiệp, thai sản, tuổi già, giáo dục… thì hỗ trợ xã hội lại là hình thức ASXH
dựa trên nguyên tắc không đóng vẫn được hưởng, bao gồm các hình thức trợ cấp xã
hội, trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội, ưu đãi xã hội… </font>
</p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="an%20sinh1.jpg" width="400" height="300"></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">ASXH có chức năng quan trọng là
chia sẻ rủi ro, nhằm bù đắp những thiệt thòi không mong muốn và hướng tới ổn
định, công bằng xã hội. Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay ở nước ta, có sự hoạt
động kết hợp, đan xen giữa bảo hiểm xã hội và hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, hoạt
động này còn có sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực chính thức
và không chính thức về số lượng người tham gia bảo hiểm và được hưởng bảo hiểm,
các nguồn hỗ trợ với những cách thức và mức độ khác nhau về 3 cấp độ trong an
sinh xã hội (lưới an toàn, phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực)… Đối tượng tham
gia tiếp cận và hưởng lợi còn khá hạn hẹp, mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân cư được
tiếp cận và hưởng lợi từ hệ thống ASXH hiện nay. Năm 2004, ước tính chỉ có 15%
số dân được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội. Trong khi
đó, còn khoảng 40% dân số dễ bị tổn thương theo nghĩa đang nằm ở mức gần sát
(trên hay dưới) ngưỡng nghèo chưa được hưởng lợi từ bảo hiểm xã hội hoặc hỗ trợ
xã hội. Trong báo cáo của UNDP (ngày 22/8/2007) về việc vận hành hệ thống ASXH ở
Việt Nam cho thấy: “Phát triển kinh tế kéo theo việc nâng cao ASXH đã không nâng
cao việc hỗ trợ mọi người lên một mức như nhau. Những người sống ở đô thị có cơ
hội hưởng nhiều chính sách ASXH hơn người sống ở nông thôn. Tỷ lệ nhận trợ giúp
giáo dục của nhóm giàu nhất là 35% và nghèo nhất là 15%”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách hỗ trợ xã hội hiện nay mới
mang tính giải pháp tình thế, ứng phó nhiều hơn là chương trình được hoạch định
cụ thể, cấp độ nâng cao năng lực còn ít được chú ý. Xét từ góc độ quản lý rủi ro
và bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương, thì hệ thống ASXH cần hướng tới 2 nội
dung: mở rộng tầm nhìn bao phủ và tăng cường tính hiệu quả tiếp cận các nhóm mục
tiêu. Xác định chính xác hơn các nhóm dễ bị tổn thương và ưu tiên hưởng lợi từ
hệ thống, xây dựng chính sách thống nhất, phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành.
Vì vậy, cần phải làm sao để các cấp độ của ASXH được thực hiện đúng, đủ, phù hợp
với hiệu quả tốt. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc xây dựng và thực thi hệ
thống chính sách xã hội nói chung và chính sách ASXH nói riêng ở nước ta còn
chưa đồng bộ theo các nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc
đối xử công bằng, nguyên tắc định mức đảm bảo, nguyên tắc cộng đồng, nguyên tắc
nhà nước thống nhất quản lý, nguyên tắc pháp chế… Việc thực hiện các nguyên tắc
về chính sách ASXH còn bất cập. Chẳng hạn, để thực hiện nguyên tắc toàn diện thì
chính sách ASXH không được loại trừ bất kỳ đối tượng xã hội nào nằm trong diện
cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, hiện nay, việc tập hợp nghiên cứu để đưa các đối
tượng được hưởng chính sách xã hội vào danh mục nhà nước chưa đầy đủ. Vẫn còn
tình trạng có những đối tượng chính sách thuộc diện ưu đãi bị bỏ quên, làm ảnh
hưởng cả về mặt vật chất và tinh thần của gia đình họ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">ASXH có hai trình độ: an sinh cơ
bản và an sinh phát triển. Thực hiện phát triển nhanh và bền vững cần phải củng
cố an sinh cơ bản đi đôi với việc kiến tạo an sinh phát triển. Làm tốt được vấn
đề này không chỉ đảm bảo “độ an toàn” trong phát triển xã hội mà còn góp phần
xây dựng và thực hiện “hệ thống ASXH đa dạng”(2), cũng như thực hiện nhiệm vụ
thứ 6 trong 8 nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra là “phát
triển hệ thống ASXH” (3). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">ASXH đang là đòi hỏi bức xúc
trong cuộc sống của người dân và trong thực tiễn phát triển xã hội. Nó đòi
hỏi phải tiếp tục làm sáng rõ các quan điểm nghiên cứu, lý thuyết phương pháp và
kỹ thuật nghiên cứu phải được định hình nhằm đủ sức cung cấp những luận cứ khoa
học cho việc xây dựng chính sách và chiến lược phát triển hệ thống ASXH ở nước
ta trong giai đoạn hiện nay và trong những thập kỷ tới.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">TS NGUYỄN THỊ MỸ TRANG<br>
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh</font></b></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2"><br>
(1), (2), (3) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc<br>
lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2007, tr.179, 102, 102</font></b></p>
</body>
</html>