<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Một thời tuổi trẻ giữa rừng - Kỳ</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Một thời tuổi trẻ giữa rừng - Kỳ 2: Trường học giữa rừng già</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những lớp học dã
chiến giữa bạt ngàn rừng núi. Những buổi học mà đôi khi cả thầy và trò nếu chậm
chân chút thôi đã không thể thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Những bài học
làm cách mạng sơ khai dưới tầm đạn pháo đã trở thành bão lửa tiến công trên
đường phố Sài Gòn.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323318" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Các cán bộ nội thành ngăn
cách bí mật khi học chính trị ở căn cứ miền Đông năm 1973 -Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial"><font size="2">>> Kỳ 1:
</font><font size="2">
<a onclick="return onLinkClick(this)" width="1200" height="800" location="yes" statusbar="yes" menubar="yes" scrollbars="yes" titlebar="yes" toolbar="yes" resizable="yes" href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=566&news_id=8298#content">
Xếp bút nghiên về cứ</a></font></font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Ngăn cách
bí mật</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có một nguyên tắc
phổ biến ở cứ: chỉ những ai sống “muôn năm” trong cứ mới không cần “ngăn cách”,
còn tất cả cán bộ hoạt động công khai trong nội thành khi vào cứ đều phải trùm
đầu, bịt mặt bằng khăn rằn, chỉ chừa hai mắt để không nhận ra nhau. Không gian
của mỗi học viên cũng được chia thành từng ô nhỏ, ngăn bằng những tấm nilông.
Một trong những “thầy giáo chiến khu” - anh Bảy Gắng (Trần Hưng Đoàn, hiện sống
tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể: “Trong nội thành sẽ báo trước thành phần về
học. Người phụ trách lớp chia sẵn các tổ, những người hoạt động cùng nhau được
bố trí khác tổ để không nhận ra giọng nói của nhau khi phát biểu. Đôi lúc lớp
học chỉ có vài ba người chứ không tập trung đông”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ ngăn cách
mặt và tiếng nói, những lãnh đạo hoạt động công khai trong nội thành hay người
dễ bị nhận dạng phải che kín bằng mền hoặc tấm nilông từ đầu đến chân. “Hồi đó,
các lãnh đạo phong trào sinh viên học sinh như Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm khi về
cứ thường không vào sâu, không ở lâu mà xong việc phải trở ra ngay để không bị
nghi ngờ. Những anh này phải được huấn luyện đơn tuyến, lớp chỉ có một thầy một
trò” - chị Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia
Định, hiện sống tại quận 7, TP.HCM) cho biết.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Tám Đăng
(Trương Anh Dũng, hiện sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), một trong những cán bộ
ra vào cứ nhiều lần, nhớ rằng dù việc tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ nhưng thỉnh
thoảng anh em vẫn nhận ra nhau. Người phụ trách lớp đã tính trước khi kết thúc
ai ra trước, ai ra sau, ai đi xe, ai lên đò. Là nói vậy, nhưng có khi ra trễ,
hết xe đành phải lên đò hoặc ngược lại nên gặp nhau. Ngoài ra, áo quần kiểu thị
thành khi về cứ đều xếp cất, mỗi người được phát hai bộ quần áo bà ba đen. Thế
nhưng vẫn có trường hợp nhận ra nhau vì cái... quần tắm trên dây phơi do cùng đi
tắm biển Vũng Tàu trước khi vào cứ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lại có trường hợp
không vì lộ tiếng nhưng lộ... bàn chân khi các nàng ngồi võng thõng chân. Trong
cứ mỗi học viên được chia một khu vực, một chiếc võng cũng là chỗ ngủ và đều có
vách ngăn nhưng không che kín sát đất nên có khi nhận ra nhau từ đôi dép. Vì vậy
khi vào cứ, tất cả giày dép đi trong Sài Gòn phải bỏ lại bên ngoài, mọi người
đều dùng loại dép giống nhau đi lại trong cứ. “Nhưng không được đi dép râu vì
như vậy lúc trở ra nội thành, các vết lằn của quai dép trên chân có thể bị nhận
diện”, chị Tư Khoa (Đặng Thị Hiền, hiện sống tại quận 1, TP.HCM) nói.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323319" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Nơi học
tập và làm việc của cán bộ phong trào trong căn cứ - Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Học ở
rừng, đánh trên phố</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày đó, tùy tình
hình và đối tượng học viên, cấp trên sẽ quyết định điều ai trước, ai sau về cứ
học tập, thời gian học có thể dăm ba ngày, vài tuần hay cả tháng... Anh Bảy Gắng
cho biết: “Học lý thuyết là chủ yếu. Tất cả được thảo luận, nhớ tại chỗ hoặc nhớ
đề cương để về vận dụng lại. Trước khi ra khỏi cứ, tất cả tài liệu phải đốt hết,
không ai được phép mang theo”. Có khi học viên còn được thực hành sử dụng súng,
nhưng quan trọng nhất là cách cất giấu súng. Bài học phổ biến là khoét ruột cuốn
từ điển sao cho có thể nhét vừa khẩu súng vào đó, khi cần thiết sẽ ngang nhiên
mang súng theo mà không sợ bị nghi ngờ. Chị Tư Tín (Trần Thị Ngọc Hảo, hiện sống
tại quận Gò Vấp, TP.HCM) nhớ lại: “Học cái chung, khi về hoạt động tùy đối tượng
mà mỗi cán bộ có những vận dụng phù hợp. Truyền đạt cho thành phần trí thức như
sinh viên học sinh phải khác với công nhân, nông dân”.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="200" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" id="table3">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Hồi đó, theo “thầy giáo
chiến khu” Bảy Gắng, cánh sinh viên học sinh hoạt động nội thành về cứ
bởi nhiều lý do: báo cáo tình hình hoạt động, học nghị quyết, huấn luyện
công tác hoặc “điều lắng” khi đã bị lộ… Khi về cứ học tập, hầu như tất
cả cán bộ hoạt động công khai trong phong trào đấu tranh của sinh viên
học sinh Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ đều được huấn
luyện những bài học cơ bản. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Đó là những bài học về lý
tưởng, đường lối cách mạng VN ở miền Nam, phương pháp làm cách mạng, năm
bước công tác vận động thanh niên, và bài cuối cùng về đạo đức, khí tiết
của người cộng sản. </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vận dụng những điều
đã học là cách đo lường tốt nhất việc tiếp thu từ các lớp học giữa rừng. Theo
lời kể của chị Tư Liêm, khi đó hay có các hoạt động biểu dương lực lượng. Có lần
việc biểu dương lực lượng dự định thực hiện bằng một tai nạn giả, một người đóng
vai bị tai nạn, các lực lượng sẽ tạo thành đám đông hiếu kỳ đến xem. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng kế hoạch bất
thành vì ngay khi tai nạn xảy ra, nhân vật đóng vai bị cảnh sát đưa về đồn, “con
mồi” không còn lấy gì biểu dương lực lượng? Lập tức, chị kéo đám đông đến đồn
cảnh sát, khóc bù lu bù loa nhận “con mồi” là anh, má nghe anh bị tai nạn khóc
quá trời biểu em lên coi anh ra sao. Đám đông cũng hùa theo la ó đòi thả người
dữ quá nên cảnh sát cuối cùng đành phải thả. Chỉ đợi có vậy, chị la lên: “Thôi
xong rồi giải tán đi”. Vậy là vừa được biểu dương lực lượng, vừa cứu được người
của mình.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trốn gia đình làm
cách mạng, cuối cùng Tư Khoa cũng không thoát khỏi vòng tù tội khi cơ sở bị bể.
Nhưng chính những lúc tưởng như gian khó nhất, chị nhớ lại và áp dụng mềm mại bí
quyết “nhất lý, nhì lì, tam suy, tứ tử” đã được dạy từ lớp học giữa rừng. Chị
nhai và nuốt tài liệu duy nhất (nhất lý) liên quan thân phận của mình nên dù ra
tay tra tấn, đối phương vẫn không có chứng cứ buộc tội nếu chị không khai báo
(nhì lì). </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tư Khoa biến câu
chuyện của mình thành tâm điểm của báo chí quốc tế với cuộc họp báo ngay trên
băng ca (tam suy) trong thân hình tiều tụy cùng chiếc còng số tám trên tay được
sản xuất tại Mỹ. Tám tháng di chuyển từ nhà lao vô bệnh viện rồi lại về nhà lao,
chị làm phá sản những kịch bản của đối phương và trở về trong tư thế của một
người chiến thắng. Chị Tư Liêm lý giải: “Qua huấn luyện, cán bộ sẽ học thêm được
nhiều điều nhưng cái chính vẫn tùy hoàn cảnh cụ thể. Từ những điều học trong cứ,
cần sự nhanh trí, sáng tạo của mỗi người để xử lý thêm chứ tình huống làm sao
giống nhau hết được”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>
___________________________</strong></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Ai cũng phải
“ngăn cách bí mật” nhưng không ít mối “tình rừng” đã đơm hoa kết trái bên cánh
võng đong đưa. Trong đó có không ít những cuộc “tình rừng” câm lặng, hẹn ngày
giải phóng.</em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Kỳ tới: <strong>
Chuyện tình bên cánh võng</strong></em></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>