<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nữ tổ trưởng dân phố 20 tuổi</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="left"><font face="Arial" size="2">
<a id="PageContent_Category_dtlNewsCategory_List__ctl0_news_title_link" href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=700&news_id=8314#content">
<span style="text-decoration: none; font-weight: 700"><font color="#000000">Ứng
cử viên Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009</font></span></a><span style="font-weight: 700">:</span></font></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Nữ tổ trưởng dân phố 20 tuổi</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một cô gái nhỏ nhắn
nhưng đã điều hành khá suôn sẻ những công việc tại một tổ dân phố vốn được xem
là một trong những địa bàn phức tạp nhất Q.8 (TP.HCM). </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323923" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Cô tổ
trưởng tuổi 20 bên các bạn nhỏ trong khu phố </font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong cái khu mà
người ta gọi “ra ngõ gặp... kim tiêm” này, những đứa trẻ lớn lên phần nhiều chịu
cảnh thất học, sớm lam lũ với công việc mưu sinh hằng ngày. Những tưởng Nguyễn
Thị Kim Phụng (sinh năm 1989) cũng sẽ bị cuốn theo vòng xoáy ấy, nhưng cô đã tự
định hướng cho mình một lối đi riêng khác hẳn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ nhỏ Kim Phụng đã
nghĩ mình phải học để thay đổi cuộc sống gia đình. Ngồi nhẩm tính lại những nghề
mưu sinh đã trải qua trong thời đi học, Phụng cười: “Thật tình không nhớ hết”.
Lúc cấp II, hằng ngày sau mỗi giờ học Phụng ra chợ Bình Tây phụ bán hàng cho các
chủ sạp. Đi học buổi sáng thì bán buổi chiều và ngược lại. Tối về đến nhà mệt rã
rời nhưng cô vẫn gắng ăn vội chén cơm lấy sức lao vào học bài. Lớn thêm chút
nữa, Phụng chuyển sang nghề phục vụ tiệc cưới, rồi buôn bán vỉa hè và đủ các
nghề linh tinh khác. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Nhiều lúc mệt quá
tôi cứ nghĩ chắc mình phải bỏ học, nhưng nhìn lại gia cảnh khó khăn tôi dặn lòng
phải gắng vượt qua”, Kim Phụng chia sẻ. Ba Phụng, một cựu chiến binh từng tham
gia chiến trường Campuchia, luôn là tấm gương cho Phụng. “Ba đã hết tuổi lao
động nhưng “máu” trong người vẫn sôi sục. Địa phương có hoạt động gì ông đều
nhiệt tình tham gia và vận động bà con cùng góp sức”, Phụng nói về ba với vẻ tự
hào.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tốt nghiệp phổ
thông, vì chuyện nhà Phụng đành tạm gác giấc mơ vào đại học nhưng vẫn nhủ lòng:
sẽ trở lại với việc học...</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Góp sức
nhỏ trong xóm nhỏ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài tích cực với
sinh hoạt Đoàn tại trường hồi còn đi học, về địa phương Phụng vẫn nhiệt tình như
thế. Hình ảnh vượt khó với lối sống gần gũi đã giúp Phụng như một người chị của
những bạn nhỏ và nhiều bạn trẻ. Thấy em nào đã đến tuổi nhưng chưa có điều kiện
đi học, cô đến từng nhà mời gọi vào lớp học tình thương. Nhiều em nhỏ sớm ham
chơi, tập tành đánh bạc được Phụng tìm đến với tình cảm một người chị để giúp
tránh vướng vào những thói xấu của môi trường xung quanh.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tháng 10-2008, Kim
Phụng được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 37 thuộc khu phố 3, P.10. “Lúc đó tôi
mới 19 tuổi, cứ lo sợ mình trẻ quá làm không được việc. Nhưng khi “nhảy vào” mới
biết, nếu mình nhiệt tình và trung thực thì bà con sẽ hết lòng ủng hộ”, Phụng
thổ lộ. Nhiều lúc đi vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng
chống HIV, nghe những câu hỏi “vặn” kiểu như: “Cô đã trải qua hay làm thử chưa
mà biết rõ vậy” cũng là... “chuyện nhỏ” với Phụng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Mình phải dí dỏm
giải thích, tạo không khí vui vẻ thì chuyện dù nhạy cảm đến đâu bà con cũng lắng
nghe. Tỏ vẻ ta đây tưởng oai thật ra chẳng ai nghe là hỏng việc…”, cô gái 20
tuổi nói về cách thức tiếp cận người dân của mình.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi nhận quyết định
giữ chức phó bí thư Đoàn phường 10 đầu năm 2009, Phụng hiểu những đóng góp của
mình bấy lâu nay đã được ghi nhận. Và đây cũng là cơ hội để Phụng có thể dấn
thân hơn với công tác xã hội. “Sắp tới nếu có điều kiện tôi sẽ thi vào Trường
đại học Luật. Một là thực hiện lời hứa với bản thân, thêm nữa tôi muốn được
trang bị kiến thức tốt hơn để giúp cộng đồng”, Kim Phụng tâm sự với ánh mắt chứa
chan hi vọng.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>