<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>
“Người 1975” ở Trường Sa</b></font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm nay 29-4 là
ngày kỷ niệm 34 năm giải phóng quần đảo Trường Sa. Có không ít cậu
bé sinh năm 1975 nay là những cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại
Trường Sa. Và cũng đã có những chàng trai thuộc thế hệ “Người 1975”
đã nằm xuống trên quần đảo thân thương này...</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="4" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=330735" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">“Người
1975” Đỗ Thế Tuyến và “máy” ấp trứng gà tự chế </font></i></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=330734" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Thắp
hương trước nấm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thi sinh năm 1975, hi sinh ở
Trường Sa Đông năm 2001</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những cậu bé sinh
đúng vào năm 1975 ngày ấy nay đã trở thành những chủ nhân trẻ thông minh, can
trường tuổi 30 của Trường Sa...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ý tưởng tìm những
người sinh năm 1975 hiện đang ở Trường Sa thật không dễ dàng vì quần đảo có hàng
chục điểm đảo, mỗi đoàn ra Trường Sa thường chỉ đi được mươi điểm. Nhưng thật
may tôi được ghép nằm chung với một vị đại tá là cái “kho thông tin” về Trường
Sa. Ông là Nguyễn Đức Vượng, chính ủy đoàn Trường Sa, người đã đặt chân lên toàn
bộ quần đảo rất nhiều lần. Thật thú vị khi trong đội hình cán bộ, sĩ quan trẻ
nơi đây có hàng chục người sinh năm 1975.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở đảo Tốc Tan, cả
đảo trưởng Bùi Văn Quân và chính trị viên Phạm Bá Bằng đều đón sinh nhật lần 34,
cùng mang quân hàm đại úy và là một trong những kíp chỉ huy trẻ ăn ý. Anh em gọi
đùa Quân và Bằng là “sếp trẻ” nhưng thật ra họ là chỉ huy của nhiều sĩ quan trẻ
hơn như Trần Bá Việt - sinh năm 1981, Nguyễn Văn Dương - sinh năm 1984... </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một số đảo chìm
khác cũng có nhiều gương mặt sinh năm 1975 giờ đã là cấp chỉ huy cao nhất trên
đảo: đại úy Nguyễn Đức Khởi - chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn, đại úy Hoàng Minh Sơn -
chỉ huy trưởng đảo Đá Đông, đại úy Lê Thanh Tố - chỉ huy trưởng đảo Đá Nam; các
đại úy Trần Văn Hùng, Hoàng Anh Tuấn - chính trị viên hai đảo Núi Le và Tiên
Nữ...</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Thế hệ chủ
nhân trẻ của Trường Sa</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="200" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" id="table2">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Chúng tôi tới đảo Tiên Nữ,
cực đông xa nhất của Tổ quốc, nơi đầu tiên của đất nước đón bình minh,
đúng hôm giỗ tổ 10-3 âm lịch. Đại úy Hoàng Anh Tuấn ghé tai: “Bọn mình
câu được con cá ngừ to, để dành mãi hôm nay làm liên hoan giỗ tổ Hùng
Vương”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Tuấn bảo: “Việc của mình là
chính trị viên, giáo dục, tuyên truyền mọi mặt cho anh em. Đảo xa thiếu
thốn đủ thứ, những buổi sum họp như thế này quý lắm, khích lệ anh em
thêm vững vàng”. Người tiền nhiệm của Tuấn, chính trị viên Trần Tất
Thắng, cũng sinh năm 1975, đã “có công” khởi xướng phong trào tổ chức
sinh nhật tập thể ngoài đảo xa đều đặn hằng tháng...</font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">34 tuổi, đại úy Đỗ
Thế Tuyến giữ vai trò chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông trong khi chính trị viên
đảo Vũ Quốc Cờ sinh năm 1961. Anh Cờ bảo: “Tuyến trẻ nhưng làm việc chững chạc,
tâm huyết”. Tuyến quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, vợ ở quê, mấy năm mới về một lần.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuyến đã ra Trường
Sa hai lần, đều ở đảo Trường Sa Đông nên có thể coi anh như một “thổ công” trên
đảo, thuộc từng bụi cây, hốc đá. Chả thế mà khi đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng
ra làm việc, anh vanh vách đề xuất chỗ này bố trí thêm công sự, chỗ kia trồng
thêm cây, chỗ nọ kè thêm đá... rành rẽ như một “kiến trúc sư”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Và điều làm mọi
người ấn tượng nhất là biệt danh “kỹ sư nông nghiệp” mà anh em yêu mến đặt cho.
Ra Trường Sa Đông hai lần, Tuyến trăn trở vì đảo có nhiều cây, nuôi được nhiều
chó, lợn nhưng anh em vẫn thèm một tiếng gà cục tác.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"> Thời tiết khắc
nghiệt, gà vịt mang ra nuôi mười thì chết chín, con nào còn sống thì chỉ béo
quay béo tròn, không chịu sinh sản. Tuyến đọc sách mới vỡ ra phải nhân giống để
chúng lớn lên trong nắng gió Trường Sa thì mới ổn! Nhưng ở Trường Sa đào đâu ra
gà mẹ để ấp trứng. Anh mày mò, chế ra “máy” ấp trứng từ thùng gỗ cactông và đèn
dầu. Thành công, anh chuyển sang ấp cả vịt. Đến nay Trường Sa Đông đã rộn rã
tiếng gà...</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table3">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=330678" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Thắp
hương trước nấm mộ liệt sĩ sinh năm 1975 ở Trường Sa Đông</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong danh sách
những liệt sĩ hi sinh còn nằm lại Trường Sa hiện nay có hai liệt sĩ sinh năm
1975 là Vương Viết Mão, quê Diễn Châu (Nghệ An), hi sinh năm 2004 và Nguyễn Văn
Thi, quê Thanh Hóa, hi sinh năm 2001. Thi là nhân viên báo vụ, hi sinh khi dũng
cảm lao ra cứu xuồng và sóng đã cuốn anh đi trong cơn bão. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn Mão mới cưới vợ
được ít lâu thì lên đường làm nhiệm vụ, chưa kịp có con. Anh hi sinh đúng vào
chiều 26 tết, chưa kịp cùng đồng đội mở những thùng quà tết đón mùa xuân ở
Trường Sa Đông. Mộ các anh nằm ngay đầu đảo Trường Sa Đông, hướng ra biển khơi
lộng gió. Nhìn những dòng chữ “sinh năm 1975”..., mắt chúng tôi bất giác nhòe
đi.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường Sa sau 34
năm đất nước thống nhất giờ đã có thế hệ chủ nhân trẻ; Trường Sa của những người
sinh năm 1975, 1976, 1980... Và năm nay lớp tân binh 9X đầu tiên đã ra Trường Sa
cầm súng. Những người trẻ ấy đã đến với Trường Sa với dòng máu ông cha và hào
khí 1975...</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>