<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Mặt trái của cà phê</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b><span class="text16b" id="lbHeadline0">Mặt trái của cà phê</span></b></font></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080"><span class="indexstorytext">Bên cạnh những tác dụng có lợi,
các nhà khoa học khuyến cáo không nên lạm dụng cà phê vì nó có những tác dụng
phụ và việc sử dụng liều cao có thể gây hại cho sức khỏe.</span>
</font></i> </p>
<table id="table2" cellSpacing="3" cellPadding="0" width="234" align="left" border="0">
<tr>
<td vAlign="top" align="left">
<p align="justify">
<img border="0" src="mat%20trai%20cua%20cafe.JPG" width="220" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td vAlign="top" align="left">
<p align="justify">
<span id="AvatarDesc" style="font-style: italic; font-family: Arial">
<font size="2">Cà phê kết hợp thuốc lá sẽ hại tim</font></span></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext" id="lbBody0">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Đã tìm thấy dấu vết chất gây ung thư trong cà phê</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ gây mất ngủ và tăng huyết áp, nếu uống quá nhiều,
cà phê còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Chất độc acrylamide đã được tìm thấy
trong hơn 20 loại cà phê được thử nghiệm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các nhà khoa học Đức cho biết, acrylamide, thành phần có thể
gây ung thư ở súc vật, đã được tìm thấy trong tất cả 24 loại cà phê bột và 7
loại cà phê hơi (espresso) được thử nghiệm. Hàm lượng chất này trong cà phê pha
thấp hơn nhiều so với trong cà phê bột.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ tịch Hiệp hội cà phê Đức Winfried Tigges cho rằng,
acrylamide không có mặt ở cà phê chưa chế biến, nó chỉ hình thành trong quá
trình rang. Ông cho biết, các nhà sản xuất cà phê đang nghiên cứu tìm cách tạo
nên cà phê không chứa chất này.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một số nghiên cứu ban đầu đã cho thấy, acrylamide (được tìm
thấy trong khoai tây rán, cà phê, nước và thực phẩm chứa hydrat cacbon như bánh
mì nướng hoặc rán) có thể gây ung thư ở động vật.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Cà phê gây rối loạn chuyển hóa đường</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nghiên cứu mới đây của Mỹ và Hà Lan cho thấy, cà phê làm giảm
độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, một hoóc môn có tác dụng điều hòa nồng độ
đường trong máu. Việc sử dụng quá nhiều cà phê cũng làm tăng lượng hoóc môn gây
stress và khiến huyết áp tăng nhẹ. Ngoài ra, lượng acid béo tự do trong máu của
nhóm này cũng cao hơn bình thường.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Cà phê có thể gây tắc mạch máu và tăng huyết áp</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Người bị cao huyết áp không nên uống cà phê. Ly cà phê trong
ngày sẽ khiến mạch máu bị nghẽn ít nhất 2 giờ, làm tăng huyết áp. Còn ly thứ 2
và thứ 3 tạm thời làm nghẽn động mạch. Đó là kết quả nghiên cứu mới của các nhà
khoa học tại bệnh viện Henry Dunant (Hy Lạp). Những bệnh nhân cao huyết áp nên
chuyển sang uống loại cà phê không có caffeine, hoặc tốt nhất là không nên uống
nữa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Cà phê gây xơ vữa động mạch</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc uống thường xuyên cà phê có thể làm quá trình viêm nhiễm
trong cơ thể diễn ra nhanh hơn, dẫn đến một số căn bệnh nghiêm trọng. Các nhà
khoa học thuộc Đại học Harokopian tại Athens (Hy Lạp) đã cho biết như vậy sau
khi nghiên cứu trên hơn 3.000 người khỏe mạnh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở những ai uống hơn 1 tách cà phê/ngày, những thành tố gây
viêm nhiễm trong máu tăng cao hơn, trong nhiều trường hợp làm hại các tế bào
khỏe mạnh và gây bệnh kinh niên như chứng xơ vữa động mạch. Nguy cơ này bằng
nhau đối với mọi đối tượng bất kể giới tính, độ tuổi cũng như thói quen hút
thuốc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Cà phê kết hợp thuốc lá gây hại cho tim mạch</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nghiên cứu ở Hy Lạp cho thấy, tác động kết hợp của cà phê và
thuốc lá làm tăng khả năng xơ cứng động mạch. Điều này có nghĩa thuốc lá và cà
phê có thể tương tác lẫn nhau, tác động xấu đến động mạch.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#00CC00"><strong>Cà phê tác hại tới thần kinh</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc lạm dụng cà phê sẽ làm hại
thần kinh, gây cảm giác bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, căng thẳng, thậm chí còn dẫn
đến nôn mửa và rối loạn dạ dày. Do nhiều thực phẩm chứa caffeine nên các bác sĩ
đã khuyến cáo người tiêu dùng đọc kỹ thành phần của tất cả các loại thức ăn trên
nhãn mác trước khi sử dụng để điều chỉnh lượng caffeine hằng ngày cho phù hợp.</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody1">
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2"><em>Theo Sức Khỏe & Đời Sống</em></font></b></p>
</span>
<p> </p>
</body>
</html>