<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Người viết tự điển lớp tôi</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font color="#FF0000" face="Arial" size="2"><span class="Detail-Title">Người viết tự
điển lớp tôi</span></font></b></p>
<span class="Detail-Lead" id="eLead" style="margin-top: 20px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Để dễ dàng cho việc học Anh văn, một học sinh lớp 12 đã âm
thầm tự biên soạn quyển từ điển suốt hơn một năm và quyển sách này sẽ được Nhà
Xuất bản Giáo dục xuất bản trong thời gian sắp tới.
</font> </p>
<div style="float: left; width: 183px; height: 156px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nguoi%20viet%20tu%20dien%20lop%20toi.JPG" width="170" height="150"></td>
</tr>
</table>
</div>
</span><span class="Detail-Body">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày cuối cùng của năm học, anh chàng Đào Duy Thức (lớp
12D3, trường Lê Hồng Phong-Q.5, TP.HCM) đã làm cả lớp xôn xao khi tuyên bố tặng
lại cho nhà trường quyển từ điển
<font color="#000080"> <b><i>AFFIXES AND COMBINING FORMS</i></b></font> do
chính hắn soạn thảo. Đó là ba bìa sơmi dày cộm chứa những tư liệu biên soạn hoàn
toàn bằng Anh ngữ, xếp theo thứ tự alphabet, ghi chú rõ ràng định nghĩa, xuất xứ
và cả ví dụ của từng tiếp tố. Cô Vũ Mỹ Lan- trưởng bộ môn Anh văn của trường-
cho biết: “Quyển từ điển này được soạn thảo khá chi tiết và rất có ích cho việc
học tập, giảng dạy của thầy cô, học sinh lớp chuyên”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#008080"><b>Ý tưởng từ một trò chơi điện tử</b></font>
</font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hè năm lớp 11, khi đang chơi trò Globetroter, Thức cần dò tìm
một từ tiếng Anh, thế là hắn truy cập vào ngay phần từ điển của chương trình.
Chính cách sắp xếp từ vựng theo tiếp tố đã làm hắn rất thích vì dễ tra cứu. Từ
đó, hắn mới nảy sinh ý tưởng tự biên soạn một quyển từ điển như thế để phục vụ
cho việc học tập của chính mình. Vậy là ngày đêm, hắn ngồi bên máy vi tính và
chồng sách dày cộm: Oxford dictionary, Oxford advanced learner, New world
dictionary... tra cứu, dò tìm. Thấy đã hè rồi mà hắn cứ dậy sớm, thức khuya học
bài, ba mẹ hắn rất thắc mắc. Những khi ấy, hắn bảo: “Con đang học Anh văn”.
</font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#008080"><b>"Tớ phục hắn"</b></font>
</font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là câu nói của bạn bè khi nhắc về hắn. Trong năm “dầu sôi
lửa bỏng” thế này, không biết Thức đào đâu ra thời gian cho “công trình” của
mình. Nếu dịp hè, mỗi ngày, hắn dành ít nhất 4 giờ đồng hồ để “ngâm cứu” thì vào
năm học, lợi dụng “hôm nào có tiết Anh văn, thay vì học Anh văn, tớ lại lôi cái
này ra làm!”. May mà tinh thần khoa học vẫn không ảnh hưởng nhiều đến học tập,
cuối năm, hắn vẫn cứ học sinh giỏi như thường.
</font> </p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài ra, hắn thường làm thầy cô, bạn bè phải ngạc nhiên
trước kiến thức sâu rộng của hắn về văn học, lịch sử, khoa học vũ trụ... Có lần,
trong giờ Văn, khi đang học bài Các vị La Hán chùa Tây Phương, cô bất ngờ hỏi cả
lớp về nguồn gốc, xuất xứ của đạo Phật. Như mọi khi, hắn xung phong, trả lời ro
ro. Bạn bè nhìn nhau thầm nghĩ: “Không biết hắn lấy đâu ra những kiến thức đó”.
</font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hắn tâm sự: “Khi lên Đại học, tớ sẽ còn làm tiếp phiên bản
thứ ba nữa. Lần này, tớ sẽ biên soạn cả phần so sánh các tiếp tố đồng nghĩa, gần
nghĩa, trái nghĩa, có cả cách sử dụng...”. Nhưng đó chỉ là dự định, hiện tại,
hắn đang ra sức học để tìm một chỗ trong trường Đại học Ngoại thương hoặc Đại
học Bách khoa. Hắn vốn là kẻ ít nói nhưng khi trông hắn cười, nhìn ánh mắt rực
sáng bạn sẽ có cảm giác: đây là một con người hiền hòa, đầy nhiệt huyết và luôn
kiên trì với ước mơ. </font> </p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Mực Tím</b></i></font></p>
</span>
</body>
</html>