<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<div style="background-color: rgb(255, 255, 255); padding-top: 5px; padding-right: 5px; padding-bottom: 5px; padding-left: 5px; margin-top: 0px; margin-right: 0px; margin-bottom: 0px; margin-left: 0px; font-family: Arial, Verdana, sans-serif; font-size: 12px; ">
<div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="color: rgb(0, 0, 255); "><b>Côn Đảo - Quá khứ và Hiện tại</b></span></span><b><o:p><span style="font-size: small; "><span style="color: rgb(0, 0, 255); "> </span></span></o:p></b></div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Côn Đảo trong suy nghĩ của tôi là một nơi khốc liệt, với đầy rẫy những nhà tù và nghĩa trang khô khốc. Hôm nay, đứng trước mảnh đất thiêng liêng này, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là một Côn Đảo hiền hòa và thơ mộng, một bên là biển với những hòn đảo lớn nhỏ xung quanh, một bên là núi đá sừng sững hùng vĩ, những bãi cát trắng hiền hòa trải mình suốt dọc chiều dài bãi biển, nơi đây quả thật có thể xem là một thiêng đường du lịch. Côn Đảo - vùng đất của quá khứ và hiện tại, của cái đẹp thiên nhiên dịu dàng và nhân chứng đanh thép của tội ác.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; "><img width="500" height="306" alt="" src="test.jpg" /></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Thị trấn Côn Đảo là một thị trấn xinh đẹp, với khoảng 5.000 người dân sinh sống, một mặt thị trấn nhìn về biển, ba mặt vây quanh là núi, với khí hậu trong lành mát mẻ, khắp đảo trồng rất nhiều cây bàng cổ thụ thân xù xì nhưng lá vẫn xanh mướt, thị trấn còn rất nhiều nhà xây theo kiểu Pháp cổ điển, đây cũng chính là nơi thực dân Pháp thiết lập hệ thống nhà tù tàn bạo nhất để giam những chiến sĩ cách mạng. Thị trấn nhỏ này đã chứng kiến bao thăng trầm, biến cố địa ngục trần gian trong suốt 113 năm (1862 – 1975). Đáng nói nhất là chuồng cọp Pháp và “chuồng cọp kiểu Mỹ”. Chuồng cọp Pháp với những song sắt kiên cố, bên trên là cai ngục đi lại kiểm soát, hành hạ người tù bằng cách trời nóng thì ném vôi bột làm người tù bị phỏng, lở loét, đau đớn, ngộp thở trời lạnh thì đổ nước bẩn xuống người tù, chúng còn dùng cây tầm vông vót nhọn chọc xuống người tù khi cần đàn áp. Đối diện với khu chuồng cọp là dãy phòng tắm nắng, nơi để hành hạ phơi mưa, phơi nắng người tù và tra tấn dã man như thời trung cổ. Đến “chuồng cọp kiểu Mỹ”, nhiều hình thức tra tấn ma mãnh, tinh vi hơn; phòng giam nhỏ hẹp không có bệ nằm, sàn luôn ẩm ướt, chúng tra tấn bằng cách dập những cánh cửa sắt nặng nề vào khung bao cửa cũng bằng sắt tạo thành những tiếng vang đinh tai nhức óc, tưởng chừng như nghe tiếng bom trong những khối hình hộp kín bưng. Những ngày đấu tranh chống ly khai, tuyệt thực chúng cùm chân người tù không cho ra ngoài, không cho đi đổ phân, không cho tắm rửa, mùi xú uế nồng nặc, nếu muốn tắm rửa thì phải chịu đòn roi trong suốt lúc tắm, nước được múc lên bằng cái gàu thủng, có lúc người tù phải tắm bằng chính máu của mình dưới cơn mưa đòn roi...</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Thế nhưng bên ngoài song sắt và mùi hôi thối của nhà tù là phong cảnh thanh bình, những bãi cỏ xanh mướt trải dài, người tù thường công kênh nhau nhìn qua song sắt lỗ thông gió mà khát khao tự do, đó là đòn tâm lý tinh vi độc ác, hiện đại của đế quốc Mỹ nhằm làm tiêu tan ý chí đấu tranh, khát khao sự sống của những người yêu nước…</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Tôi luôn tự hỏi điều gì đã khiến người tù có thể vượt qua những kiểu tra tấn dã man của kẻ thù, để tiếp tục đấu tranh cho cách mạng? Khi đến đây tôi mới hiểu đòn roi, xiềng xích không thể thắng nổi ý chí con người, không thể thắng nổi chân lý. Sự lạc quan, tình yêu đối với Tổ quốc, tình yêu đồng đội, đồng chí, tin yêu vào cuộc sống của người cách mạng là vốn quý nhất giúp họ vượt qua mọi thử thách. Đến thăm bảo tàng Côn Đảo thật không khỏi xúc động khi nhìn những bức ảnh chân dung người tù vẽ tặng nhau, gương mặt người nữ tù hiền hòa, đôi mắt trong sáng, bức tranh vẽ biển Côn Đảo thơ mộng, cây đàn violon, đàn nhị, đàn ghita… trong gian khổ ngục tù, người cách mạng vẫn lạc quan. Nơi đó, cái đẹp, sự trong sáng vẫn tồn tại trong mỗi con người.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Chợt nhớ đến câu chuyện của cố nhạc sỹ người Pháp Camile Saint Saim, ông đến Côn Đảo theo lời mời của chúa đảo Louis Jacquet, cảnh đẹp nơi đây đã giữ chân ông nghỉ tại công quán gần một tháng, nhưng hằng đêm ông không thể ngủ vì tiếng xe cọc cạch chở thức ăn cho người tù, và tiếng bước chân với xiềng xích kéo lê trên đường, tiếng rên rỉ của người tù. Một hôm ông đi dạo tới bót đầu đường, nghe vọng ra tiếng đàn nhị dạo đầu một cách rụt rè, kỳ lạ, bỗng có tiếng cửa sắt thình lình, tiếng đàn nhị im bặt... Khi trở về Pháp ông viết thư cho chúa đảo bày tỏ nỗi niềm của mình: “Phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời, tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người nơi đây… nhưng cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách, tâm hồn trong sáng và phong phú của họ … cái gì đã khiến chúng ta gây nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này … là một người yêu nhạc, tôi tin rằng ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó không cần đến Pháp luật”.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Đến nghĩa trang Hàng Dương với những ngôi mộ nằm không hàng lối. Đứng bên ngôi mộ chôn tập thể mười bốn chiến sỹ cách mạng và hàng loạt những ngôi mộ vô danh, tôi không ngăn nổi dòng nước mắt.</span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>“Nghĩa trang Hàng Dương chôn vùi bao số phận</i></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i><i>Hết lớp này đến lớp khác dập lên trên</i></i></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên</i></span><i><o:p></o:p></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>Không bia mộ và không tên tuổi”…</i></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; ">Bước ra khỏi nhà tù, nghĩa trang lòng tôi vẫn còn nặng trĩu, Côn Đảo dù xinh đẹp, hiền hòa nhưng vẫn man mác buồn; những góc tường rêu phong, những cánh cửa nhà tù lạnh lùng, những ngôi nhà cổ kiểu Pháp, những cây bàng, cổ thụ xù xì... tất cả đứng lặng lẽ như một nhân chứng của thời gian. Côn Đảo như một vết thương của Tổ quốc, dù sau chiến tranh, trải qua ba mươi lăm năm Côn Đảo đi lên cùng đất nước, nhưng vết sẹo vẫn còn đó mãi với thời gian, vẫn làm ta nhói đau khi nghĩ về đất nước, nghĩ về những đồng chí cách mạng đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc mãi trường tồn. </span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>“Nước chúng ta</i></span> </p>
<span style="font-size: small; ">
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><i><o:p></o:p></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><i>Nước của những ngươi chưa bao giờ khuất</i></p>
</span>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><i><o:p></o:p></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất</i></span><i><o:p></o:p></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><i>Những buổi ngày xưa vọng nói về”</i></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><strong>NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM</strong></span></p>
</div>
</div> </html>