<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giấc mơ về chiếc áo dài</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font size="2" color="#800080" face="Arial">Giấc mơ về chiếc áo dài</font></b></p>
<div style="float: right; width: 213px; height: 210px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="giac%20mo%20ao%20dai.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font size="2" color="#008080" face="Arial">Chiếc phản ngả
lưng đồng thời là góc học tập của mấy chị em cô học trò Lê Thị Duyên</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pHead"><font size="2" face="Arial">17 năm trước, có đôi vợ chồng trẻ bồng con đi
bệnh viện nhưng đành gạt nước mắt quay về vì lấy đâu số tiền cả chục triệu đồng
chữa chạy. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Hôm nay, cháu bé ngày ấy giờ đã là cô nữ sinh
lớp 11 nhưng đến trường không với tà áo dài mơ ước...</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Đó là nỗi day dứt khôn nguôi của hai vợ chồng
chỉ vì nghèo mà con gái phải mang tật lưng gù. Nhưng nếu thời gian có quay lại
chắc mọi chuyện cũng vậy vì đến giờ cái ăn còn lo từng bữa thì lấy gì dám nghĩ
đến chuyện chữa bệnh cho con. Đứa con lớn lên như những đứa trẻ khác. </font>
</p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Chỉ đến khi đi học, vài người bạn xúm nhau chọc
ghẹo cái lưng của mình, cô bé ngờ ngợ hình như mình có một hình dạng không bình
thường như bạn bè. Nhưng hình như biết “phận con nhà nghèo” cô bé không khóc,
cũng chẳng khi nào hỏi cha mẹ “vì sao con lại như vậy”. Cô bé âm thầm một mình
với bàn học, tập vở, quanh quẩn chơi cùng hai cậu em trai bên sân nhà. </font>
</p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Có lẽ điều an ủi lớn nhất cho cha mẹ là con gái
học rất giỏi. Suốt những năm tiểu học và THCS, chưa bao giờ cô biết đến vị trí
hạng nhì trong lớp. Kim Thoa, cô bạn học cùng Duyên từ những ngày mẫu giáo, thán
phục: “Không chỉ học giỏi nhất lớp suốt chín năm đâu, Duyên lúc nào cũng nhất
trường đó”.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="250" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="left" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table1">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">Thuộc chương trình “Vì
ngày mai phát triển” lần thứ 193 của báo Tuổi Trẻ, 250 suất học bổng
“Giúp bạn vượt khó” (1 triệu đồng/suất và quà tặng) dành cho SVHS 10
tỉnh thành khu vực miền Trung: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng,
Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình
Thuận. </font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">Dự kiến chương trình văn
nghệ, giao lưu với các gương mặt SVHS vượt khó và lễ trao học bổng sẽ
được tổ chức trong hai ngày 16, 17-6 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).</font></td>
</tr>
</table>
<font size="2" face="Arial">Vào lớp 10, cô nữ sinh có chiều cao khiêm tốn nhất lớp vẫn ở vị
trí đầu bảng trong ánh mắt tròn xoe của bạn bè. “Nhưng tổng kết năm lớp 11 này
mình chỉ đứng hạng ba thôi dù đã cố gắng...”, Duyên không giấu giếm. Điều ít
người biết là Duyên đang học trong lớp chọn của trường và để vào được lớp đó,
các học sinh phải đạt học sinh giỏi năm lớp 10. Trong 45 bạn lớp 11A1 Trường
THPT Phan Đình Phùng của Duyên có 23 bạn xếp loại giỏi và Duyên thứ ba trong số
ấy.</font><p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Cô Đoàn Thị Sang, giáo viên chủ nhiệm
lớp, nói về cô học trò nhỏ của mình: “Chủ nhiệm lớp hai năm liền nên tôi biết để
có được kết quả đó Duyên đã cố gắng rất nhiều”. Giải khuyến khích cuộc thi học
sinh giỏi văn cấp tỉnh năm lớp 9, giấy khen Sở Giáo dục - đào tạo Phú Yên được
gia đình trang trọng treo trong nhà như một hạnh phúc của gia đình...</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Trong căn nhà cấp bốn mái ngói khá đơn sơ ở vùng
1, thôn Long Hải Nam, thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu (Phú Yên) ấy, chiếc phản
ngả lưng được tận dụng luôn làm góc học tập của mấy chị em. Duyên bảo mình thích
nhất môn văn, nhưng chúng tôi biết kết quả các môn khác thì môn yếu nhất điểm
trung bình cũng 7,8. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Bí quyết học giỏi 11 năm liền? Duyên cười hiền
vì nghĩ có bí quyết gì đâu! Ngoài thời gian giúp mẹ việc nhà, lúc rảnh Duyên lại
ngồi vào bàn học và vẫn giữ nếp học đó từ những ngày còn bé đến giờ. Điều gì khó
quá chưa hiểu được, Duyên tìm đến thầy cô hay trao đổi cùng bạn bè để tìm cho ra
đáp án. “Bí quyết” đơn giản ấy có lẽ đã giúp học muộn lắm là đến 22g, mùa thi
cũng chỉ đến 23g chứ chưa bao giờ thức trắng đêm. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Thích làm cô giáo nhưng... nên Duyên chỉ dám
mong làm nhân viên đánh máy văn phòng để có thể tự lo cho mình. Mơ đấy rồi Duyên
lại chợt buồn khi nghĩ đến cảnh nhà. Anh hai đã phải bỏ học giữa chừng theo mấy
người bạn vô Sài Gòn học sửa xe máy hơn năm rồi. Cha mẹ quanh năm làm mướn, lúc
hái dừa, lúc làm phụ hồ. Hôm nào nước xuống thì ra biển nhặt con qui (thức ăn
nuôi tôm hùm) bán, nước lớn lại phải ở không. Có khi cả ngày cha mẹ phơi nắng
ngoài biển cũng chỉ được 20.000 đồng, lo cái ăn đã khó nói gì cho con học cao
hơn.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Chẳng thế mà nhiều khi hoàn thành bài vở rồi cô
bé vẫn ngồi yên bên bàn học hay bày ra việc gì đó làm chứ ngồi một mình sợ lại
nghĩ quẩn. “Thôi thì cứ học hết mình, học như một niềm vui tuổi học trò và hạnh
phúc của cha mẹ”, Duyên cười. Nụ cười của cô nữ sinh chưa từng được mặc áo dài
như bạn bè sao mà hiền quá! </font></p>
<p align="right"><font size="2" face="Arial"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>