<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hạnh - ước mơ nhỏ từ quán lá ven</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font size="2" color="#008000" face="Arial">Hạnh - ước mơ
nhỏ từ quán lá ven sông...</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Hanh%20uoc%20mo%20nho%20tu%20quan%20la%20ven%20song.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font size="2" color="#0000FF" face="Arial">Hạnh với công việc
của mình hằng đêm: bán vé trò chơi thiếu nhi tại công viên cho các em
nhỏ </font></i></td>
</tr>
</table>
<font size="2" face="Arial">Những người thương yêu nhất lần lượt ra đi, như dòng sông Thạch
Hãn mỗi ngày trôi qua bến đò An Dạ. Chỉ còn trơ lại quán lá ven sông có hai đứa
con nhỏ ngày ngày chờ đợi, chờ mãi, chờ mãi... Người con gái út lúc ấy chỉ mới
chín tuổi đến nay đã là cô SV vẫn cứ mơ ước về một phép mầu...</font><p class="pBody">
<font face="Arial">
<strong><font size="2">1.</font></strong><font size="2"> Đầu năm nay, trong dịp
giao lưu HSSV vượt khó của tỉnh Quảng Trị, có một nữ SV được mời lên giao lưu.
Đó là một nữ sinh có gương mặt rất duyên nhưng là một nét duyên toát lên vẻ
cương nghị hiếm thấy với đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng. Nhân ngày xuân, cô xin
tặng tất cả những người có mặt bài hát Mừng tuổi mẹ của Trần Long Ẩn và cất
giọng hát - rất dịu dàng, sâu lắng... </font></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Nhưng bài hát ấy đã không được hát trọn vì nửa
chừng cô giàn giụa nước mắt, rồi khóc nức nở: “Em không còn mẹ để được mong như
thế...”. Trong hội trường nhiều người ứa nước mắt khóc theo. Cô nữ sinh ấy là
Nguyễn Thị Hạnh, SV Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial"><strong><font size="2">2.</font></strong><font size="2"> Mười
ba năm trước những người qua lại bến đò An Dạ (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong,
Quảng Trị) để lên Đông Hà vẫn dừng chân ở quán lá ven sông, uống bát nước chè,
ăn cái kẹo lạc trong lúc chờ đò ngang. Có ba mẹ con sống nhờ vào quán nước bến
đò ấy. Thỉnh thoảng người mẹ lại đi buôn một chuyến hàng xa, hai đứa con nhỏ lại
lui cui mỗi chiều dắt nhau chạy ra sát bờ sông đợi mẹ. Mỗi chuyến mẹ đi vài ngày
nhưng chưa bao giờ quá một tuần. </font></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Một lần nọ, mẹ đi hơn mười ngày. Trước khi về,
mẹ nhắn người báo tin cho hai đứa con nhỏ rằng chiều mai mẹ về. Hai anh em, đứa
anh lớn 11 tuổi, đứa em gái nhỏ 9 tuổi từ buổi trưa đã dắt nhau chạy lon ton ra
đầu bến đò ngồi ngóng mẹ, ngóng đến tận mặt trời lặn nhưng người mẹ của hai em
đã không bao giờ trở về. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Chuyến xe đò chở mẹ các em từ Đắc Lắc về gần đến
Quảng Trị đã rơi xuống cầu Phong Nhi. Ba đã bỏ đi từ trước rồi, chỉ còn hai anh
em côi cút với quán lá ven sông chiều chiều ngồi chảy nước mắt vì nhớ mẹ ngoài
bến đò. Chỗ dựa của hai đứa nhỏ chỉ còn bà ngoại. Nhưng bà cũng chỉ sống cùng
hai cháu thêm vài năm rồi ra đi. Lúc này đứa em gái đã học lên lớp 8. Cái quán
nước côi cút bên bến đò với hai đứa trẻ nuôi nhau, khổ sở trăm bề mà vẫn bền chí
học hành...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="250" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="center"><font color="#030303"></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="center" border="0" id="table8">
<tr>
<td>
<img border="0" src="Hanh%20uoc%20mo%20nho%20tu%20quan%20la%20ven%20song2.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
</table>
</font> </P>
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">Hỏi về một ước mơ, giọng
Hạnh trầm hẳn, nhẹ như hơi thở: “Giá mà có một phép mầu để em lại có
được mái nhà ngày xưa với đầy đủ cha mẹ anh em”...</font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">...Nhìn lại chặng đường
Hạnh đã đi qua, từ buổi chiều ra đầu sông đón mẹ nhưng mẹ không trở về
và anh em thơ dại trở nên côi cút cho đến hôm nay là một SV giỏi, chúng
tôi nghĩ mãi về một phép mầu không mang tên mơ ước mà một phép mầu khác
đã có trong Hạnh: nghị lực.</font></td>
</tr>
</table>
<font size="2" face="Arial">Hạnh là cô em gái trong câu chuyện trên.</font><p class="pBody">
<font face="Arial">
<strong><font size="2">3.</font></strong><font size="2"> Năm Hạnh học xong THCS,
anh Hùng của Hạnh vào lớp 10, đi học tận Trường THPT Đông Hà. Một mình cô bé với
quán nhỏ vừa nuôi anh vừa nuôi mình đi học. Thương em quá, Hùng học đến lớp 11
thì bỏ ngang xin đi làm phụ xe. </font></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Gian khó vậy nhưng Hạnh vẫn thi đậu vào lớp 10
trường tỉnh. Buổi sáng Hạnh vẫn cặm cụi với quán hàng nho nhỏ ven sông, chiều
lại lặn lội từ An Dạ, qua đò ngang mỗi ngày rồi đạp xe gần chục cây số đến
trường...</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Nhưng số phận oái oăm xem ra vẫn chưa buông tha
hai anh em nhỏ ấy khi anh trai trong một chuyến đi phụ xe bị tai nạn, nằm viện
dài ngày. Chưa hết tai họa này đã thêm gian nan khác: bến đò với quán lá của hai
anh em mưu sinh qua ngày khi ấy người ta dời sang bến mới. Bến cũ không còn
khách, quán cũng đành đóng cửa, đóng luôn nguồn sống của hai anh em...</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Những ngày khốn khó ấy, thú thật là tôi cũng
không hiểu cô học trò nhỏ nhoi ấy có thể gượng đi với ước mơ của mình khi quán
không còn mà Hạnh vừa chăm anh nằm viện, vừa đi học lớp 11. Hạnh nhớ lại: “Em đi
nhiều quán hàng ở Đông Hà xin phụ giúp, rửa bát, chạy bàn... làm gì cũng được.
Nhưng đi rã chân suốt cả tuần không ai chịu nhận cô học nhỏ trò gầy nhom...”.
</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Cho đến ngày Hạnh đến quán cà phê của chị Phượng
và cũng không ngờ sau bao nhiêu đau khổ vây khốn cuộc đời hai anh em, rồi cũng
có một ngày em gặp được người tốt như vợ chồng chị Phượng. Nhà chị Phượng cũng
không xa Trường trung học Đông Hà, nơi Hạnh theo học. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Buổi sáng Hạnh phụ chị bán cà phê, chiều đi học
và thu xếp chăm sóc người anh trai bị tai nạn. Có những lúc tưởng sẽ ngã lòng,
nhưng rồi chị Phượng lại động viên: “Ráng lên em, tự tin đến lớp”. Cả nhà chị
Phượng thương, coi Hạnh như một thành viên trong gia đình đến nay đã hơn bốn
năm. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial"><strong><font size="2">4.</font></strong><font size="2"> Từ
những san sẻ yêu thương ấy, Hạnh thi đậu vào khoa sư phạm nhạc - họa của Trường
CĐ Sư phạm Quảng Trị. Lớp của Hạnh là một mô hình đào tạo mới của trường: lớp
văn hóa quần chúng - âm nhạc. Nhiều bạn cứ lo chuyên ngành này không biết sau
này có xin được việc, Hạnh rủ rỉ với các bạn: chỉ sợ mình không đủ khả năng, còn
cuộc đời sẽ luôn có chỗ cho mình nếu mình nỗ lực. Các môn học thanh nhạc,
kịch...</font></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Hạnh luôn đạt điểm cao nhất lớp. Sau này ra
trường - Hạnh tâm sự - mong sẽ về công tác tại một nhà văn hóa hay dạy nhạc cho
các em học sinh. Còn bây giờ, công việc mỗi ngày của Hạnh sau giờ học là phụ bán
cà phê với chị Phượng; đêm đêm lại lên nhà văn hóa tỉnh với các trò chơi thiếu
nhi như đi tàu hỏa, đu quay... Hạnh bán vé trò chơi ở đó và thật thú vị khi cô
nữ sinh ấy đã tìm thấy niềm vui thật sự khi được chơi với trẻ con... Có mơ ước
thơ trẻ ngày nào của Hạnh trong niềm vui ấy? </font></p>
<p align="right"><b><i><font size="2" face="Arial">Theo Tuổi Trẻ</font></i></b></p>
</body>
</html>