<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>HOA ĐỜI THƯỜNG</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">HOA ĐỜI THƯỜNG</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">BÁC SĨ LÊ THÀNH
KHÁNH VÂN</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">LUÔN PHẤN ĐẤU
VÌ NIỀM VUI CỦA BỆNH NHÂN</font></b><font face="Arial" size="2">
</font></p>
<div style="float: left; width: 170px; height: 158px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="HOA%20DOI%20THUONG.JPG" width="156" height="152"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi tôi tới khu Khám Đa khoa bệnh
viện Chợ Rẫy đã là giữa trưa. Bác sĩ Lê Thành Khánh Vân đang chuẩn bị cho một ca
mổ quan trọng thay van tim cho một bệnh nhân nữ, 38 tuổi. Trò chuyện với
anh, tôi thật ấn tượng bởi vẻ từ tốn, thận trọng của một người bác sĩ trẻ đã
tham gia trên 1000 ca phẫu thuật tim, và những thành tích đáng nể trong chuyên
môn và cả trong các hoạt động Đoàn thể. Năm 1991, tốt nghiệp phổ thông trung
học, thấy bà con quê mình (Đồng Tháp) vẫn còn khốn khổ với nhiều căn bệnh hiểm
nghèo, cậu học trò Lê Thành Khánh Vân quyết tâm thi Trường Đại học Y Dược Thành
phố Hồ Chí Minh. Sau 6 năm học - năm 1996, Khánh Vân vào công tác tại bệnh viện
Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian đầu công tác tại bệnh viện, anh làm ở
Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch. Đến năm 2000, bệnh viện mở rộng chức năng nên anh
chuyển sang làm việc tại Khoa Phẩu thuật tim hở. Với kiến thức được học ở trường
Đại học, cộng với việc học trực tiếp thông qua các ca mổ của các Đoàn Y Khoa
quốc tế, không bao lâu anh đã thành thạo công việc của một bác sĩ mổ. Năm 2003,
nước Úc có hai suất học bổng Rowan-Nicks, anh đã may mắn được nhận một trong hai
suất học bổng đó. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Qua sáu tháng
học tập tại Úc về kỹ thuật mổ tim mới trong phẩu thuật tim hở để điều trị các
bệnh tim bẩm sinh, anh đem về áp dụng an toàn và hiệu quả ở Khoa mình. Với kỹ t
huật này cho phép mổ mạch vành mà không ngưng tim, mổ được nhiều trường hợp bệnh
nặng, bệnh nhân lớn tuổi mà xưa nay bệnh viện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cho
đến nay, sau 5 năm bắt đầu cầm dao mổ, anh đã tham gia thành công hơn 1000 ca
phẩu thuật tim, giúp 1000 người vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và thoát khỏi bàn
tay thần chết. Bệnh nhân vào viện để được mổ tim ngày càng đông, có ngày anh
phải tham gia ba ca mổ. Những ca khó thì cùng thực hiện các bác sĩ đàn anh đi
trước, ca dễ thì anh đứng mổ chính. Khi hỏi về những kỷ niệm trong công việc
cũng như cảm nghĩ khi cầm dao mổ, anh cho biết: "Những lúc cùng anh em mổ các ca
khó như bệnh lý động mạch chủ, phải mổ kéo dài 12 tiếng, phải thức đến tận đêm
nhưng toàn bộ kíp mổ quyết tâm hoàn thành thật tốt. Còn về cảm giác lúc mổ, có
lẽ chỉ là sự tập trung cao độ cho một ca mổ an toàn, đương nhiên mỗi khi mổ xong
thì mình mới thấy thật hạnh phúc!". Luôn bận rộn với công việc nhưng bác sĩ
Khánh Vân vẫn sắp xếp thời gian "nâng cao y đức, chuyên sâu y thuật". Đến nay,
anh sắp kết thúc chương trình Chuyên khoa 2 ở Đại học Y Dược. Anh nói: "Bệnh
viện hiện nay luôn không ngừng đầu tư máy móc thiết bị phục vụ việc điều trị,
chú trọng đến việc điều trị những trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo. Vì vậy mình
cũng cần phải không ngừng học tập chuyên môn để đáp ứng được đòi hỏi của công
việc". Ngoài công việc chuyên môn, anh còn là Bí thư Chi đoàn Ngoại 1 với 70
đoàn viên. Hàng tháng anh vẫn sắp xếp thời gian họp Ban chấp hành Chi đoàn mở
rộng để kịp thời triển khai các hoạt động đến đoàn viên Chi đoàn. Trong Tháng
Thanh niên 2006, Chi đoàn Ngoại 1 của anh cùng với Đoàn Cơ sở Bệnh viện thực
hiện việc cấm hút thuốc, nhặt tàn thuốc trong bệnh viện để giữ sức khỏe cho bệnh
nhân và đặc biệt là tham gia hiến máu nhân đạo. Bác sĩ Khánh Vân còn là một
chiến sĩ Mùa hè xanh tham gia nhiệt tình các mùa chiến dịch từ năm 2001 đến
2005, riêng năm 2005 anh tham gia tại mặt trận quốc tế - tỉnh Chăm-pa-sắc, nước
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với công việc chính là khám chữa bệnh và phát
thuốc cho đồng bào nghèo. Nói về kỷ niệm những ngày tình nguyện, anh kể: "Đồng
bào ở đây nghèo lắm, vì mải lo cho cuộc sống sinh nhai hàng ngày nên họ không
thể chăm lo đến sức khỏe và không có điều kiện khám chữa bệnh. Đến với đồng bào,
tôi tự thấy trách nhiệm lớn lao của một người thầy thuốc, tất cả vì sức khỏe của
dân, đặc biệt là những người dân nghèo".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Với những nỗ
lực trong công tác chuyên môn cũng như trong hoạt động Đoàn, Lê Thành Khánh Vân
đã được nhận giấy khen của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2002, bằng khen
của Trung ương Đoàn năm 2004, bằng khen của Tỉnh Đoàn Chăm-pa-sắc năm 2005.
Tháng 3 vừa qua, anh đã được Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương danh
hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo". Trong tương lai, với cái tâm của người thầy
thuốc và bàn tay của mình, bác sĩ Khánh Vân sẽ còn thực hiện thành công nhiều ca
mổ như thế để mang lại một cuộc sống thật bình an cho những người thiếu may mắn.
Anh và bao nhiêu người bệnh vẫn hằng mong ước như vậy!</font></p>
</body>
</html>