<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>DIỄN ĐÀN TRẺ</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>DIỄN ĐÀN TRẺ</b></font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">PHÁT HUY VAI
TRÒ CỦA THANH NIÊN TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC<br>
(Hội thảo do Đoàn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức ngày 20/5/2006)</font></b></p>
<div style="float: left; width: 172px; height: 126px">
<table border="0" width="25%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="DIEN%20DAN%20TRE.JPG" width="161" height="120"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội thảo "Phát huy vai trò của
thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước" đã thật sự đến gần với các bạn
thanh niên bằng "hướng mở" cho Hội thảo là không để các báo cáo viên đọc tham
luận mà "nhường sân" để các bạn phát biểu, chia sẻ suy nghĩ; để các bạn thật sự
khẳng định vai trò của mình, nói về mình một cách xác thực nhất.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh (Hội Tâm
lý Giáo dục TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với các bạn trẻ rất nhiều khái niệm mới mẻ
như: "Mỗi chúng ta phải thật anh hùng mới không sống ích kỷ, chạy theo lợi ích
cá nhân, thiếu trung thực, dựa hơi, thủ thế, leo lên bậc thang xã hội bằng cách
cậy thế cậy quyền…"</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với sinh viên học sinh, một
điều có thể làm ngay là đấu tranh quyết liệt với sự gian dối trong học tập:
phao, chạy điểm, bằng giả, bằng thật học giả. Nếu không thực hiện được với người
khác thì có thể diệt kẻ thù này nơi chính mình. Một mìnhBộ Giáo dục và Đào tạo
không thể làm sạch ngôi đền thiêng liêng này mà không có sự góp sức của mỗi
chúng ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các bạn cũng cần quyết liệt chống
lại lối học "thầy đọc trò chép" của nửa thế kỷ trước. Hãy đòi hỏi và thực hành
sự đối thoại, thảo luận, chất vấn để tìm ra sự thật. Hãy tự mình tìm tòi, tra
cứu tư liệu ngoài lớp học đểbổ sung cho bài giảng. Ở nhiều nước, sau mỗi học kỳ
phiếu đánh giá giảng viên được phát ra cho sinh viên góp ý.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm nay, trong khả năng của mình
và với sự chung sức nếu các bạn chỉ thử làm một "cuộc cách mạng trẻ" trong môi
trường học đường từ góc độ của người học, đất nước cũng sẽ thực hiện được một
bước tiến bộ dài. Từ góc độ cá nhân, chỉ cần bạn ngẩng đầu lên, đi bằng đôi chân
của mình, dám nghe, dám nói và nhìn vào sự thật. Nhưng để tự tin, bạn phải học
thật, trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng thật. Hãy mạnh dạn đòi hỏi nhưng
cũng nên bắt đầu từ chính mình.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh
Hòa thì cho rằng thế hệ thanh niên hôm nay cần rèn luyện các đức tính cơ bản:
Trung thực - thẳng thắn, tự tin - tự lập, độc lập - hợp tác và năng động, dám
chấp nhận thách thức và hy sinh; thì mới đủ tài và đức đóng góp cho sự nghiệp
xây dựng đất nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng chí Nguyễn Đức Lộc -Chủ tịch
Hội Sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hộivà nhân văn cho rằng: "Đã đến
lúc chúng ta phải giáo dục cho giới trẻ trách nhiệm xây dựng đất nước ngay ở
"thì hiện tại". Phải nhìn nhận rằng ngày nay chúng ta đang có những lớp trẻ dám
nghĩ, biết hành động để làm cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng số này
chưa nhiều. Thực tế, không ít các bạn trẻ đang thờ ơ với vận mệnh của đất nước.
Số người này sẽ làm gì khi trọng trách quốc gia dân tộc đặt lên vai họ?"</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại Hội thảo, Phó Giáo sư -Tiến
sĩ Võ Văn Sen đã chia sẻ cùng các bạn Đoàn viên - Sinh viên những kinh nghiệm
quý báu từ chính bản thân mình với những năm học tập ở nước ngoài. Trên thế
giới, tính năng động và tự giác ở thanh niên rất cao, đặc biệt với tầng lớp trí
thức trẻ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo Phó Giáo sư, thanh niên là
phải có "cao vọng", ước mơ và hoài bão phải vươn cao, vươn xa; nhưng hành động
phải thiết thực, bắt tay vào từ những việc đơn giản, nhỏ nhất. Trước tiên là làm
sao cho "bản thân mình" thật sự có ích, đóng góp cho lớp, cho trường, cho môi
trường mình đang sống và học tập.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một điều thú vị là ngay tại Hội
thảo đã nảy ra 2 luồng tư tưởng tưởng như trái ngược nhau nhưng lại rất hỗ trợ
cho nhau. Nhiều người cho rằng "thanh niên là những người chủ tương lai của đất
nước"; nhiều người khác lại cho rằng "thanh niên đang là người chủ của đất nước
ở thì hiện tại". Quan điểm nào cũng đúng và được sự đồng tình của những người
tham dự Hội thảo. Các bạn cho rằng thanh niên ngày nay đã rất vững vàng với
những tố chất cao đẹp, đủ điều kiện và khả năng để làm chủ đất nước, chung tay
xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh hơn. Các bạn khác thì cho rằng thanh niên
ngày nay vẫn còn nhiều khả năng tiềm tàng, chưa thật sự phát huy hết năng lực
của mình; cần phải rèn luyện nhiều hơn nữa thì mới có thể đại diện cho tất cả
thế hệ người Việt Nam "làm chủ nước nhà".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chưa bao giờ một Hội thảo lại cảm
thấy cần thêm thời gian đến thế. Là một Hội thảo khoa học nhưng Ban Tổ Chức đã
tạo điều kiện cho các bạn thanh niên, sinh viên được nói tất cả những gì mình
nghĩ. Bạn Nguyễn Đình Thái (sinh viên khoa Triết) bức xúc: "Nếu được dịp bày tỏ
ý kiến của mình một cách tự do thì thế nào các bạn cũng đòi hỏi Đoàn - Hội, tổ
chức này, tổ chức kia phải đáp ứng yêu cầu của các bạn mà tại sao các bạn không
tự tạo điều kiện phát triển cho mình bằng chính khả năng, bằng chính sức trẻ,
kiến thức các bạn đã học được nơi trường lớp và ngay cả ở xã hội!"</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đất nước đang đặt niềm tin vào
thế hệ trẻ, thanh niên hãy khẳng định vai trò của mình, phát huy hết tiềm năng
sẵn có, để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển bền vững.</font></p>
</body>
</html>