<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>KỶ NIỆM 81 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">KỶ NIỆM 81 NĂM
NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ( 21/06/1925 - 21/06/2006 )</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">TỰ DO BÁO CHÍ
CỦA AI, VÌ AI ?</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Năm 1919 tại
Pari, nhà yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị quốc tế Vécxay bản
Yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam. Một trong những yêu sách và cũng là khát
vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam lúc đó là được có tự do báo chí. Dưới chế
độ thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí. Báo chí
yêu nước, báo chí tiến bộ đều bị cấm đoán. Rất nhiều người viết báo, in báo,
phát hành những báo nói trên bị kẻ thống trị bắt giữ, giam cầm, tra tấn và thậm
chí bị xử bắn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Cách mạng
Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, lập nên
Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với mục tiêu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Nguyễn Ái Quốc lúc này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định chế độ mới bảo đảm tự
do báo chí. Nước Việt Nam là một nước dân chủ. Nền báo chí tự do là một trong
những nền tảng của một xã hội dân chủ. Chỉ một tháng sau, thực dân Pháp quay trở
lại gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kéo dài 9 năm. Tiếp sau thực dân
Pháp, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, dựng lên ở miền Nam
Việt Nam một chế độ tay sai độc tài, tàn ác.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Ở những vùng
do quân xâm lược chiếm đóng, nhân dân Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.
Nhiều tòa soạn báo bị đập phá, bị đóng cửa, rất nhiều nhà báo yêu nước tiến bộ
bị Mỹ - ngụy cầm tù, giết hại. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
giành thắng lợi vĩ đại. Miền Nam Việt Nam hoàn toàn được giải phóng. Hiến pháp
của nước Việt Nam thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội đã ghi rõ: "Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo các quy định
của pháp luật". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Nền báo chí
Việt Nam đã và đang phát triển rực rỡ chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Đây
là kết quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Gần 12.000 nhà báo, 600 cơ quan báo
chí làm việc tại hơn 550 tòa soạn báo, tạp chí bao gồm báo viết, báo hình, báo
nói. Hơn 50 báo điện tử, hơn 2.500 trang web thông tin đang hoạt động. Nội dung
và hình thức báo chí phong phú, đa dạng, hay và đẹp ngang tầm với trình độ báo
chí quốc tế, đáp ứng nhu cầu được thông tin về mọi lĩnh vực của mọi tầng lớp
nhân dân, mọi dân tộc, mọi vùng trên đất nước Việt Nam. Nhiều xóm nông thôn,
nhiều điểm bưu điện - văn hóa xã ở vùng sâu, vùng xa cũng đã truy cập được
Internet. Nhiều hộ gia đình ở làng quê cũng nối mạng Internet để giới thiệu sản
phẩm, giao dịch kinh doanh, cập nhật thông tin giá cả, tìm kiếm thị trường.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Báo chí Việt
Nam không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Báo chí, nhà báo hoạt động
trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không một tổ chức, cá nhân
nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Báo chí và nhà báo Việt
Nam tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, sống
và cùng với nhịp thở với nhân dân, phát hiện biểu dương những gương người tốt
việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến và có quyền tố cáo, đấu tranh chống
các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác, chống các
hành vi tham những, sa đọa của cán bộ viên chức của Đảng và của Nhà nước, dù
người đó ở cương vị nào, ở cấp nào. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Công dân Việt
Nam được thông tin qua báo chí, qua mạng Internet về mọi mặt của tình hình đất
nước và thế giới; được phát biểu ý kiến trên báo chí mọi vấn đề, kể cả ý kiến
xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
được phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức
Đảng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và thành viên các tổ chức đó;
được xem truyền hình trực tiếp các buổi đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên
Chính phủ của mình trên truyền hình, được nhận xét, khen chê các bài trả lời
chất vấn của các bộ trưởng. Báo chí Việt Nam không những là cơ quan ngôn luận
các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội mà còn là diễn đàn thật
sự của nhân dân. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Chúng ta không
phủ nhận một số hạn chế, yếu kém của báo chí Việt Nam, nhưng chúng ta khẳng định
một cách mạnh mẽ rằng một nền báo chí Việt Nam tự do dưới chế độ xã hội chủ
nghĩa đã và đang phát triển tự do nhất, sôi động nhất, ngoạn mục nhất kể từ ngày
tờ báo Việt Nam đầu tiên ra đời. Báo chí đã và đang được hưởng những điều kiện
thuận lợi nhất để phát triển và phát huy chức năng của mình, đáp ứng nhu cầu
thông tin ngày càng cao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu
hóa. Nhiều người nước ngoài, trong đó có nhiều nhà báo, đến Việt Nam, thấy tận
mắt quang cảnh hành nghề tấp nập của làng báo Việt Nam, đã nhận xét: "Báo chí
Việt Nam thật sự cởi mở, tự do". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Đấy là sự thật
về tự do báo chí ở Việt Nam. Nhưng trên thế giới có không ít người thù ghét và
chống đối nhân dân Việt Nam, luôn luôn rêu rao: "Ở Việt Nam không có tự do báo
chí" (!). Hằng năm, đến hẹn lại lên, họ thúc Quốc hội nước họ ra nghị quyết,
tuyên bố và báo cáo về cái gọi là "không có tự do báo chí ở Việt Nam"; họ dùng
hàng chục đài phát thanh, đài truyền hình từ nước ngoài chõ vào Việt Nam vu cáo
Việt Nam "khóa mồm các nhà báo", "cầm tù các nhà báo", "không cho ra báo tư
nhân". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Nước nào cũng
có luật pháp của mình, phù hợp với điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn
hóa… của dân tộc mình. Luật Báo chí của Việt Nam ghi rõ: để quyền tự do ngôn
luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí không được kích động nhân dân
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân; không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây
hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội
ác; không được tiết lộ bí mật Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối
ngoại và những bí mật khác; không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống
nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Không thể vịn
vào lý do "không có báo chí tư nhân" mà kết tội "Việt Nam không có tự do báo
chí". Con người và xã hội có nhu cầu của mình, không có cái gì được tạo ra chỉ
cốt tồn tại một cách tự thân. Ở nước nào không có báo chí của Nhà nước hoặc báo
chí của Nhà nước không đủ thỏa mãn nhu cầu của người dân thì ở đấy báo chí tư
nhân ra đời. Việt Nam có chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và luật pháp riêng
của mình phù hợp với lịch sử, truyền thống, với bản sắc dân tộc Việt Nam và trào
lưu tiến bộ của thế giới. Luật Báo chí của Việt Nam ghi rõ: các tổ chức nhân
dân, các tổ chức xã hội có quyền có báo chí của mình, bên cạnh các cơ quan báo
chí của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam có hơn 200 Hội quần chúng hoạt động
hợp pháp ở Trung ương và 300 Hội quần chúng hoạt động hợp pháp ở các tỉnh, thành
phố là những tổ chức nhân dân, đại diện lợi ích và tiếng nói của mọi tầng lớp
nhân dân, mọi tôn giáo, dân tộc. Những tổ chức đó đều có quyền có báo chí của
mình. Hội Nhà báo Việt Nam là một trong những tổ chức xã hội có mạng lưới rộng
khắp cả nước với hơn 10.000 nhà báo hội viên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Những người
thù ghét và chống đối nhân dân Việt Nam cứ nhai đi nhai lại một luận điệu cũ
rích "Việt Nam không có tự do báo chí" cốt nhằm mục đích can thiệp vào công việc
nội bộ của nước Việt Nam, xuyên tạc đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước
Việt Nam, kích động gây mất ổn định chính trị - xã hội, hòng cản trở công cuộc
đổi mới và xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đấy là sự vi phạm trắng
trợn tự do của chính nhân dân Việt Nam cần phải bị lên án và ngăn chặn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Một số người ở
Mỹ hay lên mặt dạy bảo các nước khác về "tự do báo chí". Vậy "tự do báo chí" ở
Mỹ là như thế nào? Cần nói ngay đến một thực tế là báo chí Mỹ nằm trong tay
những tập đoàn kinh tế khổng lồ và bị chính quyền cùng những nhà tỷ phú lớn
khống chế. Nhà sử học Mỹ Howard Zinn viết trên báo Pháp Le Monde cho rằng, ở
nước Mỹ, có 1% số dân nắm gần một nửa của cải của đất nước. Thể chế của chính
quyền và nền báo chí Mỹ phục vụ những người giàu nhất và có quyền lực cao nhất ở
Mỹ. Nhà báo, giáo sư Mỹ Uyliam F.Vu, giảng dạy tại Đại học tổng hợp Stanford
viết: "Một nền báo chí mà đã trở thành con tin của các tỷ phú, thì không còn là
một nền báo chí tự do". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Chúng ta hiểu
rằng, ở Mỹ có báo chí tiến bộ, nhiều nhà báo Mỹ có tài năng và lương tâm nghề
nghiệp. Chúng ta trân trọng những bài báo hay mà nhiều nhà báo Mỹ đã viết và
những điều tốt đẹp mà nhiều nhà báo Mỹ đã làm để chống lại chiến tranh xâm lược
của Mỹ ở Việt Nam và góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc
gia, hai dân tộc Việt Nam và Mỹ. Họ chính là những người đã thực hiện được ý
tưởng của nhà báo Mỹ nổi tiếng J. Pulitzer cách đây hơn một trăm năm khi ông
viết năm 1892: "Một nền báo chí có năng lực, không vụ lợi và có tinh thần hướng
về công chúng với những hiểu biết có được từ đào tạo để biết lẽ phải, thì sẽ gìn
giữ được sự tốt đẹp của công chúng mà thiếu nó thì chỉ là điều giả dối và là trò
hề". Hơn một thế kỷ sau tuyên bố của J. Pulitzer, nhà báo danh tiếng Ben
Bardikian viết trong cuốn sách Độc quyền thông tin đại chúng: "Phần lớn những gì
mà những người Mỹ đọc trong các tờ báo của họ và nhìn màn hình đều là sản phẩm
của một nhóm những công ty khổng lồ". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Theo báo cáo
điều tra của trường Đại học Sônôma, vấn đề tự do báo chí ở Mỹ đang bị khủng
hoảng. Khi nổ ra cuộc chiến tranh Irắc, các phóng viên Mỹ đã phải ký thỏa thuận
với Bộ Quốc phòng Mỹ viết bài, đưa tin theo sự điều khiển của Lầu Năm góc. Các
phóng viên hầu hết ở phía sau chiến tuyến, viết bài, viết tin dựa vào các tin và
tài liệu do quân đội Mỹ cung cấp. Chính quyền Mỹ dùng mọi cách ngăn cấm báo chí
đưa tin kịp thời và đúng sự thật về chiến tranh Irắc. Dư luận thế giới cho rằng,
trong chiến tranh Irắc, nhiều hãng tin và tờ báo lớn của Mỹ, vì giả dối và chậm
trễ, đã thua kém báo chí các nước khác, nhất là kênh truyền hình Al-Jazeera của
Quatar.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Peter Arnett,
phóng viên kỳ cựu, nổi tiếng của Hãng Truyền hình NBC bị sa thải theo lệnh của
chính quyền Mỹ vì đã viết rằng chiến tranh của Mỹ ở Irắc đã thất bại. Ông nói:
"Tôi bị sa thải vì đã nói lên sự thật". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Những thông
tin do các cơ quan truyền thông quốc tế phát đi từ Irắc đều bị Mỹ kiểm duyệt và
chịu sự trừng phạt nếu không viết theo ý Mỹ. Tổ chức phóng viên không biên giới
(RSF) buộc tội "quân đội Mỹ ở Irắc thường xuyên cản trở hoạt động của nhà báo
làm nhiệm vụ ở ở Irắc. Mỹ tiến công vào quyền tự do báo chí đến mức báo động".
Bom đạn liên quân ở Irắc đã tàn phá các cơ quan truyền thông của Irắc, chi nhánh
truyền hình Arập Abu Dhabi ở Bátđa, nã pháo vào xe truyền hình này hoạt động ở
Irắc. Một cuốn sách mới xuất bản"Danh sách đen do 15 phóng viên Mỹ là đồng tác
giả đã tố cáo: "Tự do báo chí ở Mỹ đang bị đe dọa". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Chúng ta tự
hào về nền tự do báo chí chân chính của Việt Nam ta, tự do báo chí của nhân dân
và vì nhân dân.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>(Theo Hồng Hà, Lẽ phải của chúng ta, NXB Chính trị quốc
gia, 2004)</b></i></font></p>
</body>
</html>