<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Gần 200 cán bộ Đoàn tham dự lớp</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
text-align:justify;
font-size:14.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left">
<span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail">
<span style="font-family: Arial; font-size: 10pt;" id="VNContent1__ctl0_NewsDetail">
<strong>Ứng cử viên “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2010:</strong></span></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center">
<font face="Arial" color="#0000FF"><b>
<span style="font-size: 10pt; line-height: 115%">Nguyễn Hữu Tài - Người công
nhân tận tụy và sáng tạo</span></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><span style="line-height: 115%">Vui</span>
vẻ và nhiệt tình, gương mặt anh Nguyễn Hữu Tài dường như không có chút mệt mỏi
sau những chuyến công tác xã hội. Là ủy viên Ban chấp hành chi đoàn xí nghiệp
may Hòa Phú, không những là một đoàn viên tích cực mà còn là công nhân lao động
tiêu biểu của đơn vị. Những đóng góp của anh ghi nhận trong ấy đầy sức trẻ, sự
sáng tạo và niềm đam mê trong công việc.</i></font></p>
<p align="center"><img border="0" src="test4.jpg" width="500" height="375"></p>
<p class="MsoNormal"><font face="Arial"><b><font size="2">
<span style="line-height: 115%">Nỗ lực </span></font></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra tại
Đồng Tháp, gia đình nghèo khó nên anh Nguyễn Hữu Tài phải bỏ học nửa chừng khi
là học sinh cấp II. Năm 2000, anh làm công nhân cho Xí nghiệp may Hòa Phú (thuộc
Công ty cổ phần may Sài Gòn 2). Ngày đến với nghề may cũng là ngày cái duyên
nghề đến với anh và theo anh suốt 10 năm dài. Thu nhập công nhân không đủ sống
nên nhiều người đã bỏ nghề, chuyển nghề thì anh Nguyễn Hữu Tài vẫn bám trụ với
nghề trong 6 năm trực tiếp may sản phẩm. Anh trở thành nhân viên phòng kĩ thuật
của xí nghiệp vào năm 2006 sau nhiều đóng góp nổi bật. Từ một người lao động phổ
thông đến với nghề may và tìm được con đường thành công trong nghề là một sự nỗ
lực rất lớn. </font></p>
<p class="MsoNormal"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt; line-height: 115%">Tận tụy và trách nhiệm</span></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span style="line-height: 115%">Anh</span>
bắt đầu tham gia vào quá trình tổ chức, nghiên cứu và cải tiến kĩ thuật trong
sản xuất nhằm mang lại chất lượng, năng suất cao nhất. Hơn ai hết, những ngày
trực tiếp may mặc, anh hiểu những khó khăn của người công nhân trong quá trình
sản xuất. Anh nói: “Vì đã từng trực tiếp may nên anh biết rõ công đoạn nào phức
tạp, tốn thời gian sản xuất. Do đó, khi có điều kiện nghiên cứu, tôi bắt đầu
triển khai các ý tưởng nhằm giải quyết những khó khăn khi mình gặp phải”. Có thể
ý tưởng mang lại lợi nhuận kinh tế không quá “hoành tráng” nhưng quý là công
việc của anh chị em công nhân được nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Và sáng kiến
“Xoay chân cổ vào lá cổ áo sơ mi bằng rập mica 1 lần” ra đời ngay trong năm đầu
tiên anh công tác tại phòng kĩ thuật. Anh Tài đã mất hơn một tháng để hoàn chỉnh
ý tưởng và mất gần một tuần để biến ý tưởng thành hiện thực. Cho đến hôm nay,
sáng kiến của anh vẫn đang được áp dụng một cách hiệu quả mỗi khi có đơn hàng
may áo sơmi. Trước đó, công nhân may chiếc lá cổ phải trải qua 2 công đoạn: vẽ
lá cổ và chạy đường chỉ, mất khoảng 130 giây/lá cổ. Việc vẽ lá cổ lại đòi hỏi
lao động có tay nghề cao nên sáng kiến của anh giải quyết cả 2 vấn đề, tay nghề
lao động lẫn thời gian. Ngày nay, với chiếc rập mica sẵn có, công nhân chỉ cần
dùng rập và may thành lá cổ một cách dễ dàng, không phải mất thời gian vẽ lá cổ,
việc may lá cổ rút lại còn 80 giây/lá cổ. </font></p>
<p align="center"><img border="0" src="test4.1.jpg" width="375" height="500"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhờ sáng kiến này, trên một dây chuyền may có thể giảm được 3
công nhân. Số lá cổ may được cũng tăng lên, từ 276 cái/ngày lên 450 cái/ngày,
giúp tiết kiện 20 triệu đồng một năm. Rút ngắn thời gian đã quý, cái quý hơn là
giảm độ khó trong công việc. Người công nhân có thể yên tâm xoay lá cổ theo
khuôn sẵn mà không sợ xảy ra sơ suất trong quá trình vẽ hay chạy chỉ. Áp lực của
công việc tử đó mà giảm nhẹ. Đối với công ty, đây còn là một giải pháp cho vấn
đề tay nghề của lao động. Công ty có thể tuyển lao động không cần tay nghề giỏi
mà vẫn có thể tham gia vào công đọan từng được xem là khó khăn này. Vì thế, cơ
hội việc làm cho các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm rộng mở hơn. Anh cho biết, những
công nhân mới không cần mất thời gian dài để đào tạo xoay lá cổ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">May mặc công nghiệp đòi hỏi các sản phẩm phải thật đồng đều
về kiểu dáng sản phẩm. Vì thế, hạn chế các công đọan làm bằng tay là ưu tiên rất
lớn nhằm tạo ra một dây chuyền chất lượng ổn định. Cách đây 2 năm, những chiếc
móc kiểu vẫn còn phải đính bằng tay, nay nhờ sáng kiến “Đính móc kiểu móc áo dài
bằng máy lập trình” của anh Nguyễn Hữu Tài, qui trình này đã được tự động hóa
hoàn toàn. Nhờ việc đính móc áo kiểu bằng máy đã lập trình sẵn nên các chiếc nút
được đính từng mũi chỉ hoàn toàn giống nhau. Tuy chiếc móc áo chỉ là một tiểu
tiết nhưng nếu đính bằng tay lại khá mất thời gian, mỗi công nhân lại đính số
lần chỉ và đường chỉ không thể giống nhau hoàn toàn. Hoàn thiện việc đính nút áo
kiểu bằng máy lập trình, qui trình đính một chiếc nút chỉ mất vỏn vẹn 35 giây/
cái (trước kia là 80 giây/cái). Sáng kiến này của anh được các nhà đặt hàng đánh
giá rất cao. Hiện nay, qui trình trên đã áp dụng cho toàn tổng công ty. “Tài là
người có trách nhiệm, làm việc rất hiệu quả, những ý tưởng của Tài có tính thực
tiễn rất cao.” – Anh Thảo – Bộ phận may mẫu cho biết.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có thể nói, hai sáng kiến tiêu biểu nhất của anh ngoài việc
mang lại lợi nhuận kinh tế cho công ty còn thể hiện sự quan tâm đối với công
nhân. Là UVBCH Chi đoàn, anh luôn mong muốn tạo điều kiện tốt trong sinh hoạt
đoàn thể cũng như công việc chuyên môn cho đoàn viên thanh niên. “Trong công tác
cũng như hoạt động đoàn thể, anh Tài đều hoàn thành rất tốt vai trò của mình.
Đóng góp của anh trong 2 lĩnh vực này đều được xí nghiệp đánh giá cao.” – Chị
Nguyễn Thị Thu Thảo – Bí thư Chi đoàn xí nghiệp may Hòa Phú nhận xét.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Được biết, ngoài 2 sáng kiến trên, anh Nguyễn Hữu Tài còn
nhiều sáng kiến khác tùy theo kiểu dáng sản phẩm của từng đơn hàng. Sự phấn đấu
của anh nhắc nhở các đoàn viên còn đang “ngại khó – ngại chán” khi bước mới bước
vào nghề rằng câu thành ngữ “chân cứng đá mềm” là điều có thật!</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: right"><font face="Arial" size="2"><b>
VIỄN THÔNG</b></font></p>
</body>
</html>