<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: left;"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"> <span style="font-family: Arial; font-size: 10pt;" id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"> <strong>Ứng cử viên “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2010:</strong></span></span></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: center;"><font face="Arial" color="#0000ff"><b><span style="font-size: 10pt;">Chuyện về cô giáo trẻ Lưu Kim Ngân</span></b><span style="font-size: 10pt;"> </span></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt;">Với tinh thần sống có trách nhiệm, đem nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu thương của mình dành cho các mầm xanh tương lai đất nước, cô được nhiều học sinh kính trọng và được đồng nghiệp yêu mến. Cô chính là Lưu Kim Ngân – giáo viên trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3.</span></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt;">Những bài giảng của tình yêu thương</span></b></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><font size="2">Là</font><font size="2"> người gắn bó với nghề giáo gần sáu năm. Cô nhớ lại: “Lần đầu tiên đứng trên bục giảng tôi có nhiều tâm trạng lắm, vui có, hồi hộp, lo lắng cũng có nhưng cuối cùng tôi nhận ra nghề giáo rất thích hợp với mình”. Cái nghề “gõ đầu trẻ” cũng lắm vui buồn. Cô là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nên được Sở Giáo dục và Đào tạo phân công về trường tiểu học Nguyễn Thiện Thuật công tác. Đây là một trong rất ít những trường có lớp giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Lúc bấy giờ là một giáo viên trẻ mới ra trường nên việc được giao làm chủ nhiệm lớp 4, lớp có một số em khuyết tật hòa nhập đối với Ngân đó là một thử thách lớn. Áp lực từ công việc, cuộc sống khiến cô giáo trẻ cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên nhờ sự ủng hộ động viên từ gia đình, đồng nghiệp cô đã tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình. Đặc biệt, cô nhận ra, nhiệt huyết tuổi trẻ không cho phép cô bỏ cuộc trước mọi khó khăn, tình yêu thương trẻ đã giúp cô yêu nghề hơn. Đó mới là điều đáng trân trọng ở cô giáo trẻ có dáng người nhỏ nhắn này. Rồi mọi thử thách của nghề giáo đã giúp cô vững vàng hơn trong suy nghĩ và hành động.</font></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal"><img height="375" width="500" border="0" alt="" src="test%204.jpg" /></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt;">Trong lớp học có nhiều em khỏe mạnh bình thường nhưng cũng có một số em mắc phải bệnh Down, chậm phát triển trí tuệ, bệnh tự kỷ… tâm lý của các em rất phức tạp. Đôi lúc cô đã khóc khi chứng kiến các hành vi không kiềm chế được của các em nhỏ bị bệnh. Có khi đang học, các em lại phá lên cười, khi thì khóc, khi thì chạy lòng vòng trong lớp. Dạy các em thì đa số các em không nắm bắt được kiến thức, có khi nắm bắt được thì lần sau hỏi lại các em không nhớ. Khó khăn là vậy nhưng cô vẫn kiên nhẫn hướng dẫn các em, cô cho rằng phải biết chấp nhận và chỉ dạy các em từ từ, không được nôn nóng. Trước tình hình lớp học như thế cô lại trăn trở tìm những phương pháp mới để giáo dục các em hiệu quả hơn. Cô tìm cách tiếp cận từng hoàn cảnh gia đình các em, sắp xếp những học sinh giỏi, ngoan ngồi gần các em khuyết tật để các em dễ hòa nhập với nhau hơn, kèm các bạn trong học tập. Mỗi đối tượng học sinh đôi lúc phải có cách giáo dục khác nhau vì thế đòi hỏi giáo viên phải có cái tâm và yêu nghề mới có thể làm được. Cô cho rằng đối với học sinh khuyết tật, giáo dục kỹ năng sống là cần thiết nhất, cần dạy các em cách diễn đạt vấn đề các em muốn nói, hay cách các em sống tự lập, tích cực hơn.</span></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt;">Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, cô không khỏi xúc động kể về một cô học trò khuyết tật và lá thư cảm ơn của gia đình cô bé đó. Lúc trước em này được gia đình cho học ở trường chuyên nhưng do em bị khuyết tật, bị bạn bè khác kỳ thị nên dần dần em tự cô lập mình hay cáu gắt, không nói chuyện với ai cả. Khi chuyển qua trường Nguyễn Thiện Thuật, qua tìm hiểu, biết được hoàn cảnh như thế, cô Ngân đã sắp xếp các em bình thường ngồi gần và chia sẻ với em đó. Sự tận tình của cô giáo và quan tâm của bạn bè dần dần cô bé hòa nhập được với các bạn khác. Và Ngân đã bật khóc khi đọc bức thư cảm ơn của gia đình cô bé gửi lúc bé thi chuyển cấp. Có lẽ cô khóc vì xúc động, vì quá hạnh phúc với những tình cảm mà phụ huynh và học sinh dành cho mình. </span></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt;">Cô giáo trẻ năng động</span></b></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: justify;"><font face="Arial"><font size="2">Dù</font><font size="2"> điều kiện cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn nhưng Ngân luôn cố gắng tìm tòi nhiều phương pháp mới để truyền tải kiến thức đến các học sinh. Năm học 2009 – 2010, cô đạt giải nhì “Giáo viên dạy giáo án điện tử” cấp quận và đã áp dụng phương pháp này vào giảng dạy, cô muốn học sinh tiếp thu kiến thức bài học và năng động hơn qua các hình ảnh minh họa trên giáo án điện tử. Luôn nỗ lực hết mình trong sự nghiệp trồng người nên nhiều năm qua Ngân là giáo viên giỏi cấp quận, đạt giải thưởng Võ Trường Toản cấp quận năm 2009. Là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền nhưng Ngân vẫn khiêm tốn học hỏi nhiều hơn nữa, đổi mới phương pháp giảng dạy mới phù hợp với các đối tượng học sinh. Không những tích cực trong công tác chuyên môn mà Ngân còn nhiệt tình với công tác Đoàn – Đội của trường với vai trò là Bí thư chi đoàn giáo viên trường. Nhiều năm qua chi đoàn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào Đoàn – Đội của quận. Đồng thời, năm qua cô được công nhận là công đoàn viên xuất sắc cấp quận, thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác, điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Cô Hoàng Thị Như Liên - Phó Hiệu trưởng trường Nguyễn Thiện Thuật nhận xét: “Cô Ngân là một giáo viên có tâm và tinh</font></font> <font face="Arial"><span style="font-size: 10pt;">thần trách nhiệm cao được nhiều sự tín nhiệm của phụ huynh. Cô không ngại khó, ngại khổ, hàng ngày phải vượt hàng chục cây số từ huyện Nhà Bè vào thành phố để giảng dạy, có lẽ tình yêu thương học sinh đã làm cho cô quyết định không chuyển về trường gần nhà… Nhiệt huyết và tinh thần ấy rất đáng trân trọng”. Vậy là mọi nỗ lực, lòng yêu nghề của cô giáo trẻ đã được bù đắp xứng đáng bằng sự kính trọng của học sinh, sự tin tưởng của phụ huynh, sự quý mến của đồng nghiệp. </span></font></p>
<p align="center" class="MsoNormal" style="text-align: right;"><font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt;">LINH ĐAN</span></b></font></p>
</meta>
</div> </html>