<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thành Đoàn - Một thời hoa lửa</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle"><font face="Arial" size="2"><b><font color="#FF0000">Thành
Đoàn - </font></b>
<span style="font-weight: bold; color: red; background-color: #FFFFFF">Một thời
hoa lửa</span><b><font color="#FF0000"> (kỳ 1): </font></b></font></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
Những phiên tòa khí phách</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="mot%20thoi%20hoa%20lua1.JPG" width="160" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend"><i><font face="Arial" size="1" color="#0000FF">Bốn án
tử hình: Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn Chính (từ
trái qua, trên xuống) đăng tải trên báo chí Sài Gòn năm 1962</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Thành đoàn không chỉ là tên gọi của cơ quan Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh Sài Gòn - Gia Định trong những năm chống Mỹ, đó còn là biểu
tượng của sự ngoan cường, mưu trí đánh Mỹ ngay trong nội đô Sài Gòn. Hình ảnh
của Thành đoàn anh hùng một thời hoa và lửa, một thời bom đạn và tình yêu nở hoa
như vẫn còn lung linh cho đến tận hôm nay...</font><p class="pInterTitle"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">“Quyết tử quân” giữa Sài Gòn</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 1961, Mỹ đưa thêm 1.000 sĩ
quan đến Sài Gòn âm mưu mở rộng sự can thiệp quân sự vào VN. Mặt trận dân tộc
giải phóng miền Nam VN ra lời hiệu triệu: “Hãy ngăn chặn bàn tay đẫm máu của đế
quốc Mỹ”. Một tiểu đội vũ trang Quyết tử quân được thành lập bí mật giữa lòng đô
thị Sài Gòn đúng vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3-1961. Ông Lê Hồng Tư,
khi đó 26 tuổi, phụ trách cánh vũ trang của ban cán sự SVHS khu Sài Gòn -Gia
Định, lần giở lại ký ức:</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">... Ngày 7-4-1961, hai “học trò”
Trí, Thành chạy xe gắn máy bám theo một chiếc ôtô sang trọng. Đến trước một căn
biệt thự trên đường Trương Minh Ký (nay là đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3), khi
viên sĩ quan Mỹ đứng tần ngần chờ mở cổng thì một tiếng nổ chát chúa vang lên...
Chiều hôm đó, Đài BBC đưa tin đại tá William Thomas, cố vấn Mỹ đặc trách xây
dựng sân bay quân sự, đã tử thương...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">... Ngày 8-7-1961, ba anh Thành,
Trí, Bộ đi hai xe gắn máy bám theo và tống một quả thủ pháo vào chiếc ôtô chở
đại sứ Mỹ Frederick Nolting trên đường Pasteur. Không có tiếng nổ, chỉ có tiếng
la hoảng, cận vệ của đại sứ Mỹ chỉ kịp bắn trúng vè sau xe Trí. Để “xả xui”, ít
ngày sau đó hai anh Thành, Trí đã tung lựu đạn lên một xe quân sự trên đường Lê
Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám)...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sau nhiều phi vụ táo bạo, địch ráo
riết truy lùng Quyết tử quân. Do sơ hở, các chiến sĩ lần lượt bị bắt. Tại tổng
nha cảnh sát, họ đã trải qua những trận tra tấn ác nghiệt của kẻ thù. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ông Lê Hồng Tư cho biết: “Ngán nhất
là bị trói ngược hai tay ra sau rồi treo lên, chỉ một hồi là ngất xỉu”. Họ bí
mật bàn cách đối phó trước tòa án địch: chỉ thừa nhận là SVHS yêu nước đánh Mỹ
xâm lược, còn hai anh Lê Hồng Tư và Lê Quang Vịnh được “dự kiến” sẽ lãnh án tử
hình nên phải “nói càng nhiều càng tốt”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thật ra, anh Vịnh không phải là
Quyết tử quân mà là cán bộ Hội LHTN SVHS giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định bị
bắt khi địch càn vào căn cứ ở Đức Hòa (Long An).</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày 24-5-1962, Mỹ - Diệm đưa hai
anh Vịnh, Tư và 10 chiến sĩ Quyết tử quân ra tòa án quân sự đặc biệt. Phòng xử
án chật ních người, ngoài thầy cô, bè bạn, đồng bào còn có hàng chục nhà báo
đang chĩa máy ảnh về phía họ. “Bị cáo” Tư khéo léo từ chối luật sư bào chữa là
ông Nguyễn Tiến Tranh: “Cám ơn luật sư, tôi biết mình chắc chắn lãnh án tử hình,
cãi cho tôi ông sẽ mất uy tín nghề nghiệp”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Bị cáo Lê Hồng Tư có nhận tội tổ
chức ám sát người Mỹ?<br>
- Tại người Mỹ xâm lược nên chúng tôi phải đấu tranh. <br>
- Liệng lựu đạn mà là đấu tranh chính trị à?</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Chúng tôi đấu tranh chính trị mãi
mà không được gì nên phải tìm vũ khí của lính cộng hòa đánh Mỹ. Vũ khí của chúng
tôi còn ít nên quí lắm, chỉ dành “tặng” sĩ quan Mỹ mà thôi (cả phòng xử án cười
ồ).</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">- Xử án tử hình bị cáo có hối tiếc
gì không?<br>
- Chỉ tiếc là không đủ lựu đạn để giết hết tụi Mỹ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Còn anh Vịnh hùng hồn tố cáo chế độ
mất dân chủ, tay sai của ngoại bang... Phiên tòa kéo dài từ sáng sớm tới tận
khuya. Bốn “bị cáo” là Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành và Huỳnh Văn
Chính bị tuyên án tử hình. Họ đồng loạt hô: “Đả đảo luật pháp phát xít!”. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cảnh sát nhào tới dùng dùi cui đập
túi bụi. Trên đường về lại nơi giam giữ, họ cùng hòa nhịp hát “Giải phóng miền
Nam chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...”.
Niềm vui sướng dâng cao vì đó là lần đầu tiên họ được hát vang bài Giải phóng
miền Nam ngay giữa lòng đô thị Sài Gòn. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#000000"></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="center" border="0" id="table8">
<tr>
<td>
<img border="0" src="mot%20thoi%20hoa%20lua2.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td><font face="Arial" size="1" color="#0000FF"><em>Từ trái qua
phải:</em><i> Trương Văn Khuê, Nguyễn Duy Thông, Lê Văn Nuôi
(dấu X), Nguyễn Xuân Thượng và Lương Đình Mai là những SV đã cắt
tay lấy máu viết khẩu hiệu "Tự do hay là chết" trong phiên tòa
ngày 18-3-1972 tại tòa án quân sự Bạch Đằng.</i></font></td>
</tr>
</table>
</font>
<p class="pBody"><font color="#000000" face="Arial" size="2">Tin Sáng,
một tờ báo “thân” với phong trào SVHS, ngày đó có đoạn viết: “Tất cả
những người tham dự phiên tòa đã vô cùng xúc động trước hào khí bừng
bừng của anh chị em SVHS được chế độ này gọi là can phạm... Có chứng
kiến tận mắt cái hào khí ấy mới thấy rằng niềm tin bạo quyền dù có tàn
ác đến đâu rồi cũng bị dân tộc này xô đổ, đế quốc dù có thâm độc đến đâu
rồi cũng bị dân tộc này đánh gục...”.</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Nhiều người dân hai bên đường ngỡ ngàng, còn mấy tay
giám thị đi cùng phải năn nỉ... Những ngày sau đó, bốn tử tội bàn bạc cách “chết
cho đàng hoàng”, nếu có ra máy chém khí thế cũng phải hiên ngang. </font> </P>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Thủ lĩnh
chiến dịch “MK3”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nửa cuối tháng 3-1972, báo chí Sài
Gòn đồng loạt đăng bài tường thuật về một phiên tòa đặc biệt xét xử các SVHS.
Đặc biệt, hầu hết các báo đều đăng tải phần tra hỏi “bị cáo” Lê Văn Nuôi - khi
đó là chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">34 năm sau, anh Lê Văn Nuôi vẫn còn
nhớ đến từng chi tiết những sự kiện ngày ấy: “Bấy giờ là khoảng giữa năm 1971,
mâu thuẫn giữa tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ trước
bầu cử rất gay gắt. Thiệu dự định hất cẳng Kỳ để độc diễn. Cấp trên giao cho
chúng tôi đấu tranh khai thác mâu thuẫn của địch”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Qua bàn bạc, Tổng đoàn HS Sài Gòn
và Tổng hội SV Sài Gòn cử một phái đoàn đến gặp ông Kỳ tại trại Phi Long (sân
bay Tân Sơn Nhất) đề nghị tạm hoãn quân sự học đường cho học sinh trong thời
gian thi cử và tranh thủ “mượn” dinh quốc khách trên đường Tú Xương (nay là Nhà
Thiếu nhi TP.HCM) làm trụ sở hoạt động của SVHS thay cho trụ sở 207 Hồng Bàng đã
bị cảnh sát chiếm đóng.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngay sau khi chứng kiến cảnh SVHS
tay không xuống đường đánh nhau với cảnh sát, Kỳ cho cung cấp máy đánh chữ, giấy
in truyền đơn và 2.000 quả MK3 - loại lựu đạn dùng trong quân trường. Trận đầu
tiên diễn ra trước cổng Đại học Vạn Hạnh. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Từ một cuộc biểu tình trong sân
trường, SVHS tràn xuống đường đặt MK3 phá tung các thùng phiếu đặt trên một đoạn
dài đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ). Chiến dịch “MK3” đã có hiệu
nghiệm ngay, không ai dám đi bầu. Thiệu điên cuồng ra lệnh lùng bắt “bọn HS phá
hoại”, danh sách truy nã lên đến hơn 100 người. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Các nhóm “Sao chổi”, “Sao xẹt”...
đánh xong là “hô biến”, song cuối cùng bọn mật vụ cũng lần ra “sở chỉ huy chiến
dịch” nhưng không dám vô vì đó là... dinh phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ! Nhưng
sau khi liên danh Thiệu - Hương trúng cử, hàng loạt thủ lĩnh phong trào SVHS lần
lượt bị bắt, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Như Lanh, Nguyễn Xuân Thượng, Võ Thị
Bạch Tuyết, Lê Văn Nuôi...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngày 18-3-1972, địch đưa 10 SVHS
chỉ huy “chiến dịch MK3” ra tòa án quân sự mặt trận ở bến Bạch Đằng để xử tội
“phá rối trật tự trị an”. Phiên tòa diễn ra bên trong, SVHS chỉ được đứng bên
ngoài hàng rào kẽm gai. Hai luật sư Nguyễn Long và Vũ Văn Mẫu (sau này là thủ
tướng của chính phủ Dương Văn Minh cuối tháng 4-1975) tham gia biện hộ cho các
SVHS. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lê Văn Nuôi khai lựu đạn MK3 là do
cựu phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cung cấp, nhưng do ông Kỳ không có mặt nên tòa
tuyên bố hoãn vô thời hạn. Các “bị cáo” lập tức túa ra, hô to: “Đả đảo tòa án
quân sự mặt trận”, “Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu”, “Yêu cầu chính quyền trả tự do cho
chúng tôi!”...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong lúc chờ bị áp giải ra xe, họ
rút dao lam giấu sẵn dưới tóc ra cắt tay, lấy máu vẽ lên tường dòng chữ “Tự do
hay là chết”. Theo phân công, mỗi người phải lấy đủ máu vẽ một chữ. “Có người
phải cắt tay tới ba lần mới lấy đủ máu - anh Lê Văn Nuôi nhớ lại - Trước đó anh
Mẫm học y khoa nên hướng dẫn anh em cách cắt được nhiều máu mà không nguy đến
tính mạng”. Cảnh sát và quân cảnh xông vào đàn áp và đưa số SVHS lên xe về trại
giam... </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2" color="#008080"><strong><em>Đi “tàu
bay”, “tàu lặn”, “hút thuốc Salem”..., những đòn tra tấn tàn bạo trong lao tù
của kẻ thù với phong trào SVHS như để thử thách thêm khí tiết của những người
cộng sản trẻ tuổi. “Biết bao người đã hi sinh, tiếc gì thân mình, quyết không
khai”, họ nghĩ vậy giữa lằn ranh sống chết. Và họ tiếp tục đi tới.</em></strong></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2" color="#008080"><strong><em>Vì họ
có lòng tin mãnh liệt vào con đường mình đang bước tới...</em></strong></font></p>
</body>
</html>