<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div>
<p style="font-size: 10px; padding: 0px; margin: 0px; text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> <strong><font style="text-transform: uppercase;">Kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2011)</font></strong> </span></span></p>
<p class="TitleNewDetail" style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;">Bến Nhà Rồng - nhớ “Người đi tìm hình của nước” </span></strong></span></span></p>
<div class="NewsBrief"><span style="font-size: small;"><strong>
<p><span style="font-family: Arial;">Thấm thoắt 100 năm, bến Nhà Rồng đã trở thành tâm điểm lịch sử của dân tộc với giá trị vô cùng cao quý thiêng liêng. Ngày 5.6.1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.</span></p>
</strong></span><strong>
<p><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành mang theo nỗi đau canh cánh về đất nước chìm đắm trong đêm dài nô lệ, nhân dân bị áp bức lầm than. Hạnh phúc đã đến với Người khi tìm được hạt giống đỏ cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin, đem lại độc lập - tự do và cơm no, áo ấm cho đồng bào. Hôm nay tới bến Nhà Rồng, lại nhớ da diết buổi Bác Hồ ra đi.</span></span></p>
</strong></div>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Người phụ bếp trên con tàu thuở ấy</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đất nước Việt Nam có không biết bao nhiêu bến nước dòng sông, cửa biển để tàu thuyền neo đậu, nhưng có một bến nước thời khắc lịch sử mãi mãi tri ân, khắc sâu trong tâm khảm con người đó là bến Nhà Rồng (nằm tại quận 4, TPHCM). Bao nhiêu câu thơ, nốt nhạc cứ trỗi dậy tìm về như những con sóng xanh không bao giờ lặng. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên dầu không nêu rõ địa danh và thời gian khi con tàu rời bến, ngày ấy ai tiễn đưa chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, thi sĩ cũng không hề biết, nhưng những dòng cảm xúc và tứ thơ cứ lay động trong tâm thức hàng triệu thế hệ: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Câu chuyện về Bác Hồ ra đi từ bến cảng Nhà Rồng đã được nhiều tư liệu lịch sử ghi lại: Năm ấy chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi. Ngày 2.6.1911 được một người quen giới thiệu, Nguyễn Tất Thành đã tìm đến vị thuyền trưởng con tàu Latouche Trevile (Pháp) đang cập bến Nhà Rồng, chuyên kinh doanh buôn bán hàng hoá và chở khách của Hãng Chargeurs - còn có tên gọi Hãng Năm Sao.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cuộc hội thoại với chàng thanh niên xứ Nghệ ấy diễn ra không lâu, nhưng đã chiếm được ngay cảm tình của ông chủ tàu nước ngoài, bởi đôi mắt sáng và khuôn mặt ánh lên sự tự tin mãnh liệt. Nguyễn Tất Thành trò chuyện với chủ tàu bằng tiếng Pháp, bởi từ lúc chuẩn bị xuất dương, ngay tại Trường Quốc học Huế, Người đã có ý thức rằng: Phải chịu khó học ngoại ngữ và giỏi ngoại ngữ mới thực hiện được lý tưởng và con đường mình đi. Ngày 3.6.1911, chàng trai Việt với dáng vóc mảnh khảnh chính thức xuống tàu. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Suốt hành trình lênh đênh trên biển, Nguyễn Tất Thành được chủ tàu giao nhiệm vụ làm phụ bếp và với một cái tên gọi mới Văn Ba. Anh Ba từ nhỏ đến lớn chỉ quen dùi mài kinh sử, bây giờ phải tự mình cáng đáng công việc “tay đốt lò, lau chảo, thái rau”, phải có cơm ngon, canh ngọt phục vụ cho hàng chục thuyền viên trên chuyến tàu lớn này quả là một thử thách lớn. Rồi con tàu đã cập bến đất nước Pháp, mở đầu cho cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...</span></span></p>
<div height="297" width="450" alt="Bến cảng Nhà Rồng thuở xưa">
<table cellspacing="0" cellpadding="0" border="0">
<tbody>
<tr>
<td valign="top" style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="450" vspace="" hspace="" height="297" border="" align="" src="http://www1.laodong.vn/Images/2011/5/16/benNhaRongjpg-084449" alt="Bến cảng Nhà Rồng thuở xưa" /></span></span></td>
</tr>
<tr>
<td valign="top" class="imageDescription" style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bến cảng Nhà Rồng thuở xưa...</span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
</div>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Bến Nhà Rồng địa danh lịch sử </strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tháng 5 TPHCM rực rỡ nắng và trên bến cảng Nhà Rồng màu hoa phượng vĩ thả nhiều bóng hồng lên mặt nước. Âm điệu mùa hè náo nức không chỉ là tiếng còi tàu cập bến, tiếng vỗ rì rào của sóng, mà tôi đang nghe rõ âm hưởng thời đại về hội tụ nơi này. Tôi thư thả ngắm nhìn bến cảng Nhà Rồng cùng cháu Võ Thanh Bình - con của một người bạn thân ở quận Vò Gấp. Cháu Bình bảo tôi: “Năm nào cũng vậy cứ đến ngày 3.6, lớp trẻ chúng cháu thường tụ tập về đây để nhớ kỷ niệm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Những ngày ấy vui lắm chú à, đèn sao cờ hoa ngập từ trên đường phố Sài Gòn xuống bến cảng. Thanh niên tham gia dạ hội vui múa hát suốt đêm...”. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cháu Bình tỏ ra khá am tường về lịch sử dân tộc và lịch sử bến Nhà Rồng. Qua Bình, tôi được hiểu một vài nét cơ bản về kiến trúc của địa danh lịch sử này: Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4.3.1863, do “Công ty vận tải đường biển” (thời Pháp) thiết kế và xây dựng, với mục đích sử dụng là nơi tổng quản lý những thuyền viên cập bến và điểm bán vé tàu. Cho đến thế kỷ 21 này, nhiều khách quốc tế vẫn ngạc nhiên và khâm phục với kiến trúc khoa học và thẩm mỹ, về độ bền vững chất liệu công trình. Nóc nhà gắn hình con rồng, chính giữa vì nhà có hình “đầu ngựa” và chiếc “mỏ neo”. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Với phù hiệu “đầu ngựa” là biểu tượng riêng cho công ty này từ Pháp chuyên chở đường bộ và ngựa kéo xe. “Mỏ neo” biểu tượng của những tàu thuyền đi lại bằng đường thuỷ. Nhà Rồng là tên gọi thân thuộc, điền dã của nhân dân quanh vùng sông nước hồi ấy, khi ngôi nhà này ra đời và sau đó tên gọi này được ghi vào sử sách. Cho tới bây giờ xung quanh Nhà Rồng vẫn còn nhiều huyền thoại khá lý thú. Có người cho rằng gọi là Nhà Rồng vì gắn đuôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh trên nóc nhà. Một giả thiết khác lại đưa ra lập luận: Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long, bến Nhà Rồng được người Pháp đặt tên để tri ân mối quan hệ giữa Vua Gia Long với nước Pháp. Những người cao niên thời bấy giờ vẫn quen gọi Nhà Rồng là Sở Ông Năm vì hãng tàu biển này do quan năm nước Pháp đứng ra thành lập. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tôi tìm hiểu thêm qua một cán bộ làm văn hoá ở quận 4, TPHCM và được biết: Vào tháng 10.1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ ngữ. “Thủ ngữ” nghĩa là Sở Canh tuần tàu biển. Cột cờ dùng để treo cờ hiệu thông báo cho mọi hoạt động được phép chờ đợi hay xuất phát. Năm 1893, trụ sở Công ty Nhà Rồng lúc đó đã được hiện đại hoá bằng hệ thống đèn điện chiếu sáng, nhưng công suất nhỏ nên ánh sáng nhiều lúc leo lét như đom đóm. Mãi đến cuối năm 1899, công ty này được Pháp chỉ đạo mở rộng diện tích bến bãi quy mô hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cập bến. Lúc này hệ thống điện cũng được chỉnh trang lại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bến cảng được lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m. Bến này cách bến kia 18m, bề ngang của bến vào tới bờ khoảng 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu trong thiết kế chỉ 2 bến, nhưng sau xét nhu cầu tàu thuyền qua lại tiếp tục tăng nên xây thêm bến thứ ba. Năm 1930, bến cảng Nhà Rồng đã làm một cuộc chỉnh trang mới. Nhằm tạo được sự bền vững lâu dài, bến đã được đầu tư vật liệu xây dựng bằng ximăng cốt sắt, dài hơn 430m. Cho tới hôm nay đã hơn 1 thế kỷ đi qua, kiến trúc của những ngôi nhà trên bến Nhà Rồng vẫn không bị già nua theo tuổi tác.</span></span></p>
<div height="323" width="450" alt="... và hôm nay.">
<table cellspacing="0" cellpadding="0" border="0">
<tbody>
<tr>
<td valign="top"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="450" vspace="" hspace="" height="323" border="" align="" src="http://www1.laodong.vn/Images/2011/5/16/bencangjpg-084449" alt="... và hôm nay." /></span></span></td>
</tr>
<tr>
<td valign="top" class="imageDescription"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">... và hôm nay.</span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
</div>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>Nhìn bến cảng lại càng nhớ Bác </strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">“Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón bác trở về...”, có lẽ trong mỗi chúng ta không ai không rạo rực khi nghe “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của nhạc sĩ Cao Việt Bách và lại càng xúc động hơn khi được tận mắt chứng kiến sự đổi mới của TPHCM nguy nga tráng lệ. Nhìn lại 100 năm bến cảng Nhà Rồng, nếu như Nhà Rồng xưa chỉ là nơi bán vé cho hành khách lên tàu thì thế kỷ 21 trở thành “địa chỉ đỏ” là niềm tự hào của cả TPHCM về phát triển kinh tế - văn hoá - du lịch. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nằm ở địa phận quận 4 -TPHCM với diện tích 12.000m2, khuôn viên này đã trở thành khu Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tại đây hằng ngày đã tiếp hàng trăm lượt khách vào xem và tìm hiểu lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Những kỷ vật đơn sơ giản dị cùng với nhiều tấm ảnh đều chứa đựng số phận lịch sử của Người khi bôn ba khắp các châu lục. Từ ngôi nhà cũ của bến cảng trông ra xa một chút là bến phà Thủ Thiêm nối quận 2 và quận 1 của TPHCM. Theo quy hoạch tương lai thì ngã ba sông Sài Gòn - Bến Nghé sẽ trở thành con đường ngầm qua sông hiện đại nối dài thành phố bằng đại lộ Đông - Tây. Cũng từ đây sẽ gắn kết cảng tàu du lịch với khu du lịch Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành một quần thể rất sinh động.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Một nữ nhân viên cán bộ bảo tàng qua tiếp xúc đã “bật mí” cho tôi biết: “Trong vòng bán kính 1km, địa phận bến Nhà Rồng sẽ có một bước đột phá lớn về quy hoạch hạ tầng đô thị. TPHCM sẽ xây dựng một toà nhà 68 tầng cao nhất Đông Nam Á với dáng hình tựa như một “búp sen hồng” nghiêng bóng xuống bờ sông Sài Gòn. Điểm phụ cận ngã ba sông Sài Gòn là chiếc cầu Phú Mỹ sẽ trở thành cây cầu thần diệu của thế kỷ 21 vươn dài qua hai điểm lớn Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng. Cùng với chiến lược quy hoạch hạ tầng, dự án cảng Sài Gòn tại khu đô thị cảng Hiệp Phước với diện tích gần 100ha, năng lực xếp dỡ 18 triệu tấn hàng hoá mỗi năm cũng đang được các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học nghiên cứu và hoạch định”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Không chỉ có hôm nay ở bến cảng Nhà Rồng đông đặc biển người, mà từ lâu những tấm lòng ngưỡng mộ đến với địa chỉ này bao giờ cũng nhộn nhịp. Năm 2010 đã có 105 chiếc tàu cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội với hơn 26.000 thuyền viên và 50.220 lượt khách du lịch.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đã có một tên gọi thiêng liêng Sài Gòn: “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Vâng, cái tên đó đã trở thành niềm tự hào dân tộc và mỗi khi nhắc đến Sài Gòn thì nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều nhớ tới bến cảng Nhà Rồng. Thời gian là dòng sông chảy không ngừng nghỉ và bóng hình Bác Hồ vẫn ngàn đời hiện hữu trên bến nước tiễn Người đi.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><em><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Theo Laodong.com.vn</span></span></strong></em></p>
</div>
</meta>
</div> </html>