<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>NGÀY NÀY NĂM ẤY</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">NGÀY NÀY NĂM
ẤY</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF9900">NHỮNG NGÀY KỶ NIỆM TRONG THÁNG 7</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b><font color="#0000FF">* Ngày truyền thống thanh niên xung phong (15/7/1950)</font></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn
thanh vận Trung ương quyết định thành lập đội thanh niên xung phong công tác
trung ương đầu tiên phục vụ chiến dịch biên giới. Ban chỉ huy lâm thời của đội
gồm 5 đồng chí, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh
niên Cứu quốc làm đội trưởng và Bí thư chi bộ. Đội có 225 đội viên đầu tiên,
được tổ chức thành ba liên đội.<br>
Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước lực lượng
thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:<br>
- Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950)<br>
- Đội Thanh niên xung phong (26/3/1953)<br>
- Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương (12/1963)<br>
- Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)<br>
- Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)<br>
- Ban Thanh niên xung phong - Lao động trẻ (3/1986)<br>
Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế
hệ, theo đề nghị của Ủy ban Thanh niên Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên
cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số
382/TTg quy định lấy ngày 15/7 hàng năm làm ngày truyền thống của Lực lượng
Thanh niên xung phong Việt Nam. Nhân dịp này Ban chấp hành Trung ương Đảng đã
tặng Lực lượng Thanh niên xung phong bức trướng mang dòng chữ: Thanh niên xung
phong - chiến đấu dũng cảm - Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc.</font></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2">(Theo TNXP - những trang oanh liệt, NXB TN, Hà Nội , 1996)</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#0000FF"><b>* Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947)</b></font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân
ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng chặn bàn tay đẫm máu
của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị
thương và hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến,
nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh
em thương binh, bệnh binh một cách tận tình và chu đáo.<br>
Đầu năm 1946 "Hội giúp binh sĩ tử nạn" sau đổi tên là "Hội giúp binh sĩ bị
thương" được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác.
Hồ Chủ Tịch là Hội trưởng danh dự của Hội.<br>
Chiều 28/5/1946, "Hội giúp binh sĩ bị nạn" tổ chức một cuộc nói chuyện quan
trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã đến dự. Chiều 7/11/1946 tại
Nhà hát thành phố Hà Nội, đã tổ chức buổi quyên góp ủng hộ quần áo giầy mũ cho
chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động"Mùa đông chiến sĩ", tại đây Hồ Chủ
Tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.<br>
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều
vùng. Số người bị thương, bị hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là
những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy,
Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương
binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh,
gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược.<br>
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ cứu quốc,
Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục chính trị quân đội quốc gia Việt Nam.
Nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để
bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn
một ngày nào đó là ngày Thương binh. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Hội nghị nhất
trí đề nghị trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh, liệt sĩ.<br>
<br>
<font color="#0000FF"><b>* Ngày thành lập Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam
(28-7-1929)</b></font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái
Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam; Người đặt cơ
sở lý luận cho công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động của công
hội, đã đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng
chí Hội mà nòng cốt là cộng sản Đoàn. Thực hiện "vô sản hóa" đi vào các xí
nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân vào tổ chức công hội đỏ.<br>
Cuối năm 1928, đầu năm 1929, nhiều tổ chức công hội đỏ được thành lập ở các xí
nghiệp và phát triển, dần dần được thống nhất thành tổng công hội đỏ cấp tỉnh,
thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai).<br>
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đại hội thành lập Tổng Công
hội đỏ ở miền Bắc đã khai mạc. Đại hội thông qua các nhiệm vụ đấu tranh và điều
lệ tóm tắt, quyết định ra tờ báo lao động và tạp chí Công hội đỏ, bầu Ban chấp
hành.<br>
Tiếp đó các tổng công hội đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập. Từ năm 1930,
tổng công hội đỏ đã hoạt động khắp cả nước. Từ đó qua các thời kỳ cách mạng,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam có nhiều tên tọi khác nhau cho phù
hợp với nhiệm vụ cách mạng qua các giai đoạn: <br>
- Công hội đỏ (1929 - 1935)<br>
- Nghiệp đoàn ái hữu (1936 - 1936)<br>
- Công nhân phản đế (1939 - 1941)<br>
- Công nhân cứu quốc (1941 - 1945)<br>
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946 - 1961)<br>
- Tổng công đoàn Việt Nam (1961 - 1988)<br>
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1988 đến nay)<br>
Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy
ngày 28/7/1929 ngày họp đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc
Việt Nam, làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu công đoàn toàn
quốc lần thứ V (tháng 11/1983) tại Thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị
quyết lấy ngày 28/7/192, làm ngày thành lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.</font></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2">(Theo Những năm tháng sự kiện lịch sử)</font></i></p>
</body>
</html>