<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>DIỄN ĐÀN TRẺ</title>
</head>
<body>
<p><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">DIỄN ĐÀN TRẺ</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF3300">VIỆT NAM GIA NHẬP WTO – TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN
</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Chiều ngày 31/5/2006, tại Dinh Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), Việt Nam đã
ký kết thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ – đối tác cuối cùng
trong 28 thành viên WTO yêu cầu đàm phán song phương – mở đường cho Việt Nam gia
nhập WTO. Thế là hơn 30 năm độc lập xây dựng và phát triển đất nước, sau 20 năm
đổi mới và 11 năm kiên trì đàm phán, chúng ta đã rất gần đích đến. Chỉ cần một
quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) là cánh cửa WTO chính thức rộng
mở và cũng là điểm nhấn cho một năm đầy thắng lợi của Việt Nam trên mặt trận
kinh tế và ngoại giao. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
WTO – Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Orgnization), thành lập vào năm
1995, hiện có 149 thành viên – là nơi các luật lệ thương mại quốc tế được thương
thuyết và thực hiện, nơi mở cửa và thúc đẩy thương mại nhằm tạo ra một sân chơi
lớn, bình đẳng và tốt nhất cho tất cả các nước. Trong xu thế hội nhập toàn cầu
hóa hiện nay, việc gia nhập WTO là rất cần thiết và tất yếu đối với Việt Nam.
Suốt những năm qua, Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực không ngừng
đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng thế giới. Việt Nam với dân số trẻ độ tuổi
trung bình là 25, lại càng khát khao khẳng định sức trẻ, trí tuệ, bản lĩnh của
mình trên trường quốc tế. Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới
(WTO) đang làm nức lòng toàn dân tộc trong đó có hàng triệu con tim sục sôi bầu
máu nóng của tuổi trẻ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Lê Duy Phong (sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Nông Lâm) sôi
nổi nói: “Việt Nam gia nhập WTO thực sự là một sự kiện lớn ghi nhận thành quả
lớn lao của Đảng, nhà nước, nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời mở ra
một trang mới phát triển hơn. Là thế hệ trẻ tôi vô cùng tự hào và thấy mình cần
phải học tập tốt hơn, làm việc nhiều hơn nữa để có thể cùng tham dự vào vận hội
mới của đất nước. Từ trước đến nay, Việt Nam thường gặp rắc rối với các vụ kiện
bán phá giá (cá da trơn, tôm…) chỉ vì không rành luật. Tôi nghĩ, nhất thiết tôi
và các bạn trẻ cần phải tìm hiểu về WTO và luật lệ của nó, cả luật quốc tế nữa.
Tôi tin là nếu chúng ta nắm vững và làm đúng luật thì sẽ đủ tự tin đương đầu với
mọi tình huống. Tri thức chính là chiếc chìa khóa vạn năng để thanh niên chúng
ta hội nhập với bạn bè thế giới”.</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="Viet%20nam%20gia%20nhap%20WTO.jpg" width="312" height="195"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Trên bước đường hội nhập của Việt Nam trên thị trường thế giới, tuổi trẻ Việt
Nam chính là lực lượng nòng cốt, là sức bật cho đất nước. Thanh niên Việt Nam đã
từng bước trưởng thành hơn, năng động hơn, bản lĩnh hơn qua từng giai đoạn phát
triển của đất nước. Từ một đất nước bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, Việt Nam
đã dần đi lên để hôm nay là một đất nước giàu tiềm năng, đang trên đà phát triển
với một thế hệ thanh niên giàu tri thức khẳng định được tầm vóc của mình trên
mọi lĩnh vực kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội. Trở thành nước chủ nhà tổ
chức ASEM 5 (10/2004), APEC 2006 và sắp tới là thành viên thứ 150 của WTO là
những chứng chỉ quốc tế về tiến trình cải cách và phát triển của Việt Nam. Những
thành quả mà Việt Nam đạt được trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thanh niên
Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Nguyễn Hoàng Trúc Ly (sinh viên khoa Ngoại thương trường Đại học Kinh tế) bộc
bạch: “Việt Nam có một nền kinh tế đang phát triển tuy nhiên vẫn chưa thể bắt
kịp nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Điều đó khiến chúng tôi thấy
mình cần làm điều gì đó mang lại lợi ích cho đất nước và tiếp thị hình ảnh của
Việt Nam như việc tham gia các hoạt động như tình nguyện viên ASEM, APEC,
Seagames…. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi hiểu biết về cách tổ chức điều hành
các chương trình lớn, tìm hiểu nền kinh tế các nước, xác định Việt Nam đang đứng
ở đâu trên bản đồ thế giới, khu vực qua đó nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Gia nhập WTO, cơ hội, thuận lợi là hiển nhiên nhưng khó khăn thử thách cũng
nhiều hơn. Nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh, thị trường thế giới rộng mở, hàng
hóa Việt, thương hiệu Việt có cơ hội thâm nhập sâu hơn, rộng hơn vào những thị
trường vốn khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nhật…. Tuy nhiên “ta ra ngoài” thì “người”
cũng “vào ta”, nền kinh tế quen bảo hộ, kém khả năng cạnh tranh của Việt Nam
liệu có chống chọi lại những nền kinh tế lớn, chuyên nghiệp, mạnh về mọi mặt?
Phan Thị Thu Thảo (sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại Khoa Kinh tế ĐHQG Thành phố
Hồ Chí Minh) khẳng định: “Việc gia nhập WTO Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất
nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên môi trường khó khăn chính là liều thuốc
thử hữu hiệu nhất cho năng lực, bản lĩnh của mỗi người đặc biệt là thanh niên
trong thời đại mới. Tôi tin rằng, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có đủ tri thức,
khả năng, bản lĩnh để khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh cao độ mà Việt
Nam sắp bước vào. Tôi rất tâm đắc câu nói của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương
Đình Tuyển: chúng ta vào WTO là “để đón nhận và tranh thủ các cơ hội chứ không
phải chờ đón những thách thức”. Là một sinh viên tôi chưa thể đóng góp được gì
cho đất nước ngoài việc cố gắng trau dồi tri thức và rèn luyện bản thân mình.
Trước mắt phải cải thiện trình độ ngoại ngữ, vốn ngoại ngữ chính là phương tiện
quan trọng của chúng ta trên bước đường hội nhập”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức (ASEAN, ASEM, APEC…) nhưng với WTO thì tính
chất khác hẳn. Đây là một tổ chức kinh tế lớn nhất thế giới với đông đảo thành
viên và tầm ảnh hưởng lớn có lẽ chỉ sau Liên Hiệp Quốc. Vào WTO chúng ta không
chỉ hội nhập về kinh tế mà còn về văn hóa. Không chỉ có các doanh nghiệp, dịch
vụ vào Việt Nam mà những luồng tư tưởng, trào lưu văn hóa bên ngoài cũng không
bỏ lỡ cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng. Chúng ta sẽ chống chọi ra sao với đợt đổ bộ
của cơn bão văn hóa sắp tới? Đây cũng là băn khoăn của Nguyễn Việt Hồng (sinh
viên khoa Xã hội học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí
Minh): “Vốn không rành về kinh tế tôi chỉ nhìn sự kiện Việt Nam gia nhập WTO ở
khía cạnh xã hội nhân văn. Gia nhập tổ chức WTO chúng ta không chỉ mở cửa về
kinh tế mà cánh cửa văn hóa cũng phải rộng mở. Sẽ có nhiều luồng tư tưởng và các
nền văn hóa ngoại đổ xô vào nước ta, không loại trừ việc lấn át văn hóa truyền
thống. Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam đặc biệt là thanh niên là phải xây
dựng cho mình một ý thức vững vàng, xác định một quan điểm đúng đắn về hội nhập
văn hóa: tiếp thu cái gì, loại bỏ cái gì sao cho vừa làm giàu nền văn hóa của
nước nhà lại bảo lưu và phát huy được những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Xây dựng một nền văn hóa hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc vẫn là đích đến cuối
cùng. Gia nhập WTO cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta quảng bá hình ảnh
của đất nước với bạn bè quốc tế: một Việt Nam giàu bản sắc với chiều sâu 4000
năm văn hiến bên cạnh một Việt Nam hiện đại, năng động về kinh tế hôm nay”.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Nhiều bạn trẻ dù còn mơ hồ về WTO nhưng vẫn khẳng định: cái gì ích nước lợi dân
là chúng tôi đều ủng hộ. Không làm được những gì lớn lao, chúng tôi chỉ có thể
làm thật tốt công việc của mình hy vọng được đóng góp sức mình cho sự phát triển
của đất nước trong thời đại mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Việt Nam đã trải qua rất nhiều khó khăn trên bàn đàm phán để có được thắng lợi
như hôm nay. Gia nhập WTO không phải là điểm dừng mà là điểm xuất phát cho một
giai đoạn phát triển mới cao hơn của Việt Nam. Thế hệ thanh niên Việt Nam hôm
nay ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình trước vận hội mới của đất
nước. Con thuyền Việt Nam đã giương buồm ra khơi sẵn sàng đương đầu với mọi thử
thách của đại dương thế giới bao la. Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay sẽ là sức gió
nâng buồm đưa thuyền đi xa.</font></p>
</body>
</html>