<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>SINH HOẠT TƯ TƯỞNG</title>
</head>
<body>
<p><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">SINH HOẠT TƯ TƯỞNG:</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#3333CC">CHỦ TỊCH HỒ CHÍ
MINH và LỚP TRẺ MIỀN NAM</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i>
<font color="#008080">Trần Bạch Đằng là một tác giả có nhiều bài viết hay và sâu sắc về Chủ tịch Hồ
Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông tin trong Đoàn xin giới thiệu với các
bạn bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh và lớp trẻ Miền Nam” của tác giả Trần Bạch
Đằng để hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng và trí tuệ tuyệt vời của Bác</font></i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Tôi không muốn dùng bài viết này để nhắc những kỷ niệm thắm thiết, thiêng liêng
mà lớp trẻ miền Nam nói chung, lớp trẻ Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng giữ trong
lòng quan hệ với Bác Hồ – nhiều tài liệu, tranh ảnh đã nói.<br>
Từ Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, khi nước được cứu rồi, Người không còn dịp
nào trở lại mảnh đất nam vĩ tuyến 17 và đặc biệt thành phố bây giờ mang tên
Người – nơi cung cấp cho anh thanh niên Nguyễn Tất Thành những thông số mới giúp
một nhà nho hiểu đâu là lối ra lúc Tổ quốc chìm trong bóng đen. Chủ tịch Hồ Chí
Minh sau này, khi trở thành lãnh tụ dân tộc, quốc gia và Đảng – nhớ miền Nam
bằng cái day dứt của tuổi đôi mươi. “Nam bộ trong trái tim tôi”, Chủ tịch thổ lộ
bao tâm tư qua tuyên bố đẫm nước mắt ấy ngay vào buổi Nam bộ đầu tiên nổ súng
kháng chiến. Và, cho đến ngày Người yên nghỉ, miền Nam – Nam bộ – Sài Gòn đeo
đẳng Người bởi đây “đi trước về sau”. Chúng ta quả quyết như anh Tố Hữu đã khái
quát : Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà. Cái mà Bác ân hận là chưa trở lại ngôi nhà
thân thiết.<br>
Tuy nhiên Bác gửi gắm cho lớp trẻ miền Nam bao nhiêu hoài bão. Đừng hiểu từng
chữ từng lời của Bác nhắc đến miền Nam, đến lớp trẻ chỉ nhắm vào một đối tượng
cụ thể, và một hoàn cảnh cụ thể. Không ! Bác nói với miền Nam, với lớp trẻ miền
Nam trong tầm nhìn vô tận.<br>
Miền Nam là vùng đất trẻ nhất nước. Ở đây, những gì tinh anh của dân tộc mới có
thể chịu đựng nổi thử thách cực kỳ khốc liệt. Với thiên nhiên, chính bàn tay lao
động và sự cần cù biến đầm lầy, đầy thú dữ và âm khí thành vườn ruộng, phố chợ,
đường xá, kênh đào để khi bản đồ Tổ quốc mở rộng thì phần giang sơn này đã cung
cấp cho cả nước lượng hàng hoá nông nghiệp không đâu sánh bằng. Với xã hội, ở
đây hồn Việt Nam lắng sâu đến mức dù chủ nghĩa tư bản đặt chân lên đầu tiên cũng
không triệt phá nổi sự gắn bó với Tổ quốc Việt Nam, qua thời gian cực dày và qua
thử thách cần cả máu. Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, nhận thức
hiện thực ấy vừa từ tấm lòng vừa với phân tích khoa học.<br>
Lớp trẻ miền Nam, sản phẩm của vùng đất trẻ. Những hai cái “trẻ” quy tụ vào các
thế hệ thanh niên miền Nam. Chẳng phải vô cớ mà Việt Nam Thanh niên Cách mạng
Đồng chí hội nảy nở trước hết giữa Sài Gòn – sứ giả do lãnh tụ Nguyễn Aùi Quốc
phái về, như: Phạm Văn Đồng, Ung Văn Khiêm…<br>
Miền Nam là xứ sở của đổi mới. Lớp trẻ miền Nam là chủ lực của đổi mới. Đó là
dấu ấn của lịch sử: ở đây, không sống quá lâu trong tiếng ru của Nho giáo, không
bị khuôn quan lại và đẳng cấp úp chụp. Ở đây Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng, chỉ
với chân tú tài, một ông lang mù lòa. Ở đây, Trương Định từ chức danh cai quản
một nông trường vọt lên hàng Đại Nguyên Soái. Ở đây, một Trần Văn Giàu thoát
ngục Tà Lài, lãnh đạo cả một cuộc tổng khởi nghĩa… Ở đây, một học sinh trung học
Trần Văn Ơn, một tín đồ Phật giáo Quách Thị Trang, một người thợ Nguyễn Văn Trỗi
được cả nước tấn phong danh hiệu anh hùng. Ơû đây, một Thích Quảng Đức hoá thành
đuốc sống. Kể làm sao cho hết.<br>
Miền Nam và lớp trẻ miền Nam yêu cách mạng, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu
Đảng qua biểu tượng Hồ Chí Minh. Trong quá khứ, hàng triệu người đánh đổi tất cả
cho lẽ sống quang vinh ấy. Yêu thật sâu nhưng không yêu mù quáng. Sự phân biệt
trắng đen như bản chất con người miền Nam: Cách mạng phải ra cách mạng, đất nước
phải ra đất nước, chủ nghĩa xã hội phải ra chủ nghĩa xã hội, Đảng phải ra Đảng
tiền phong cả trí tuệ và phẩm chất, như Bác Hồ cho đến hơi thở cuối cùng vẫn giữ
vẹn.<br>
Miền Nam, Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ rời chức năng căn cứ địa
cách mạng – theo ý nghĩa sức mạnh vươn lên vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa – và
lớp trẻ miền Nam, Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh chính là đội xung kích. Tôi
không cường điệu, bởi lịch sử đã hơn một lần xác nhận. Để khỏi bị quy là địa
phương chủ nghĩa, tôi xin nói rõ: địa bàn này thu dụng và cảm hóa tất cả những
ai có thiện chí; tỷ lệ người không sinh sống hai, ba đời ở khu vực chắc chắn
không thấp.<br>
Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta – cho miền Nam và thanh niên
miền Nam – thật đồ sộ. Chúng ta bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Đảng đến cùng và
đồng thời chúng ta cũng kiên định quan điểm thải loại những gì không phải chủ
nghĩa xã hội, không phải Đảng ra khỏi đời sống .<br>
Một lời khuyên của tôi – đã quá xa tuổi để vinh dự làm thanh niên – với bạn trẻ:
Gọn nhất, chúng ta cùng đọc lại tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” ký tên XYZ –
tức Bác Hồ, viết cách nay 42 năm.<br>
Và, tôi tin, các bạn trẻ sẽ thở phào: Nhà tiên tri vĩ đại!<br>
Chúng ta – các bạn trẻ và lứa tuổi “cứng cạy” như tôi – đấu tranh cho tư tưởng
Hồ Chí Minh, tức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho vai trò lãnh đạo không thay
thế của Đảng Cộng sản Việt Nam.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>TRẦN BẠCH ĐẰNG</b></i></font></p>
</body>
</html>