<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><b style=""><span style="line-height: 150%;">Cô giáo trẻ với những chuyến từ thiện</span></b></span></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Cô giáo Lưu Hạnh Dung (trường THPT Phú Nhuận) mỗi lần đứng lớp đều mang những câu chuyện kể về những mảnh đời bất hạnh để giáo dục lòng nhân ái cho các em học sinh của mình. Có những lúc học trò của cô thút thít khóc khi gặp những em nhỏ khuyết tật. Và cô hạnh phúc khi học trò của cô đến với từ thiện bằng chính cái tâm.</span></span></span></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;"> </span></span></span> </div>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p style="text-align: justify; line-height: 150%;" class="MsoNormal"><b style="mso-bidi-font-weight:normal"><span style="line-height: 150%;">Hướng học sinh có tấm lòng nhân ái</span></b></p>
</span></span>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Có kinh nghiệm 9 năm đứng lớp với bộ môn Hóa, không chỉ truyền đạt kiến thức trong sách vở mà cô còn thường xuyên kể cho học sinh nghe những câu chuyện lịch sử của dân tộc, những mảnh đời bất hạnh trên tivi hay ngoài thực tế. Qua những mẩu chuyện ấy, học trò lớp 12A3 (lớp cô chủ nhiệm) “nung nấu” ý định cùng cô đi thực tế để thăm những mảnh đời bất hạnh. Năm 2009 - 2011, cô trò Hạnh Dung đã có những chuyến đi phát quà, thăm hỏi trẻ em cơ nhỡ mái ấm Tân Bình, những trẻ em đường phố tại Phú Nhuận, Quận 3, Quận 1, Bệnh viện Ung Bướu… Có những khoảnh khắc, học trò của cô thút thít khóc khi gặp những em nhỏ khuyết tật. Và cô hạnh phúc khi học trò cô đến với từ thiện bằng chính cái tâm. Tất cả việc chuẩn bị, mua quà đến các mái ấm nhà mở đều được chính tay học trò của cô cùng nhau thực hiện.</span></span></span></p>
<p style="text-align: center; line-height: 150%;" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;"><img width="314" height="235" src="Luu%20Hanh%20Dung.jpg" alt="" /></span></span></span></p>
<p style="text-align: center; line-height: 150%;" class="MsoNormal"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Giờ đứng lớp của cô Lưu Hạnh Dung</span></span></span></em></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Qua những chuyên đi, cô muốn học trò mình có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hướng các bạn nhỏ có một tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, biết rung cảm trước những mảnh đời cơ nhỡ. Và qua đó, các em nhận ra rằng mình là một người may mắn hơn nhiều bạn trẻ khác, để từ đó giúp các em biết trân trọng giá trị của gia đình, của tình yêu thương, của cuộc sống… và giúp các em biết cách mang lại những tình cảm ấm áp đó cho những mảnh đời bất hạnh hơn. Tính đến nay, chương trình từ thiện của cô đã được thực hiện gần 3 năm.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Sáng kiến giáo dục tinh thần tương thân tương ái cho học sinh qua những chuyến đi thực tế đã được Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận và triển khai rộng rãi đến các lớp trong toàn trường. Tại phòng giáo viên, luôn có một tờ giấy với hàng trăm địa chỉ Trung tâm, mái ấm tình thương, được cô sưu tập để tiện cho các lớp theo dõi và chọn điểm đi từ thiện. </span></span></span></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Tuy là một giáo viên chuyên dạy Hóa nhưng Hạnh Dung thường hướng học trò đến với lịch sử dân tộc qua các chuyến đi thực tế ở bảo tàng trên địa bàn thành phố. Cô Dung cho biết: “Lớp trẻ bây giờ rất dễ bị sa ngã. Tôi muốn qua những chuyến đi thực tế để học sinh của tôi nhớ về cội nguồn và niềm tự hào dân tộc. Để sau này khi các em đã trưởng thành, dù đi đến đâu, làm việc gì, các em vẫn sẽ là những người có trái tim nồng hậu biết yêu thương”.</span></span></span><span style="font-family: Arial;"> </span></p>
<p style="text-align: justify; line-height: 150%;" class="MsoNormal"><b style="mso-bidi-font-weight:normal"><b style="mso-bidi-font-weight:normal"><span style="line-height: 150%;">Tận tâm với nghề</span></b></b> </p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Là một cô giáo trẻ, giỏi công tác Đoàn và năng động, luôn tìm tòi học hỏi và đổi mới phương pháp dạy và ứng dụng tốt giáo án điện tử vào giảng dạy. Trong năm vừa qua, Hạnh Dung dạy bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu đạt kết quả cao. Cô đã bồi dưỡng 5 học sinh giỏi và cả 5 học sinh đều đạt thành tích cao. Sau mỗi giờ lên lớp, cô luôn dành khoảng thời gian nghỉ ngơi để kèm những học sinh yếu kém mỗi ngày. Những học sinh yếu được cô tập hợp thành nhóm và phụ đạo miễn phí tại nhà cho đến khi các em vững về kiến thức cơ bản.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Còn rất trẻ về tuổi đời cũng như tuổi nghề nhưng tại trường THPT Phú Nhuận, Hạnh Dung được học sinh gọi là má. Má Hạnh Dung là nơi học trò chia sẻ buồn vui. </span></span></span></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Thiên Thanh (lớp 12A3) tâm sự: “Bất cứ chuyện gì em đều có thể chia sẻ cùng cô. Có khó khăn gì, cô luôn ở bên và chia sẻ cùng chúng em mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt mỗi lần cùng cô đi từ thiện em thấy mình lớn hơn nhiều và biết làm những điều có ích cho xã hội. Cô như là người má thứ hai của em ở trường vậy”.</span></span></span></p>
<p style="text-align:justify;line-height:150%" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 150%;">Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, cô tiếp tục tìm tư liệu, hình ảnh và “nhặt” nhiều kiến thức qua những chuyến đi thực tế mình có được để giới thiệu đến học sinh như về nhà tù Côn Đảo, về chị Võ Thị Sáu… Đưa những “bài giảng” về tình người, tình yêu quê hương, đất nước qua mỗi tiết học là cách giáo dục các em không chỉ về kiến thức mà còn về tình người. Đó là điều mà cô tâm niệm nhất trong quá trình dạy học của mình.</span></span></span></p>
<p style="text-align: right; line-height: 150%;" class="MsoNormal"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b style="mso-bidi-font-weight:normal"><span style="line-height: 150%;">Cẩm Viên</span></b></span></span></p>
</div>
</meta>
</div> </html>