<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Những ngày khó quên của homestay</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Homestay là một trong những hoạt động chính của tàu thanh niên Đông Nam Á 2011. Tại Việt Nam, chương trình có sự tham gia của 152 gia đình nuôi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy thời gian ở lại cùng với các “ba nuôi”, “mẹ nuôi” không lâu nhưng với các đại biểu, đây là ngôi nhà thứ 2 với những kỷ niệm vui, buồn và những ấn tượng khó phai trong lòng.<br />
<br />
<strong>Bận rộn tìm hiểu văn hóa</strong><br />
<br />
Tôi đến nhà cô Hồ Thị Lý (Q. Phú Nhuận) vào chiều thứ ba khi chương trình homestay còn một tối nữa là kết thúc. Ngồi đợi khoảng 15 phút thì cô Lý cùng với 2 bạn đại biểu mới về. Hỏi ra mới biết, suốt buổi chiều nay cô dẫn Alisack (đại biểu Lào) và Chanin (đại biểu Thái Lan) đi tham quan một số địa danh của thành phố như Dinh Độc Lập, bến xe Chợ Lớn, chợ Bến Thành, …</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img height="333" width="500" alt="" src="2.JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cô Hồ Thị Lý dẫn Chanin và Alisack tham quan bảo tàng chiến tích chiến tranh TP HCM. Ảnh: nhân vật cung cấp</span></span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mặc dù tuổi đã cao, cô Lý vẫn sẵn lòng dẫn các bạn thăm thú mọi nơi. Cô chia sẻ rằng muốn tận dụng tối đa thời gian của chương trình để các bạn được ghé thăm các địa danh văn hóa quan trọng của thành phố. Những nơi ghé qua, cô giới thiệu về phong tục, nét văn hóa, giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về Việt Nam. <br />
<br />
Chia sẻ về sự bất đồng ngôn ngữ, cô bộc bạch: “Cô không gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh với các bạn như một số gia đình nuôi khác. Tuy nhiên, có những câu do phát âm không giống nhau, nên đôi lúc cô cần phải có phương pháp trao đổi để các bạn nói chậm hơn.”<br />
<br />
Tham gia chương trình đến nay đã là lần thứ sáu, cô Lý có ấn tượng rất tốt với đại biểu các nước. Các bạn rất lễ phép và quan tâm nhiều đến những người lớn tuổi. Sáu lần đón các bạn là sáu lần cô được trao đổi và học hỏi văn hóa từ các quốc gia khác nhau, không những giúp các bạn mà còn giúp chính mình mở rộng sự hiểu biết.<br />
<br />
<strong>Những kỷ niệm thú vị</strong><br />
<br />
Chị Hồng Liên (gia đình nuôi quận 11) dẫn các bạn đi mua sắm tại siêu thị Big C trong suốt buổi sáng. Trở về nhà với những túi lỉnh kỉnh, các bạn vui vẻ vì đã mua được những món hàng yêu thích làm kỷ niệm. David (đại biểu Cambuchia) chia sẻ về bộ pha chế cà phê bạn vừa mới mua “Mình thích nhất là cà phê Việt Nam, vì vậy mình đã mua một bộ để tự pha chế và sử dụng bất cứ lúc nào.” Còn bạn Wai (đại biểu Myanmar) vui vẻ nói “áo dài Việt Nam rất đẹp” rồi thích thú mặc thử bộ áo dài truyền thống do gia đình chị Liên tặng.<br />
<br />
Không khác nhau lắm trong văn hóa ẩm thực, đa số các bạn thích nghi tốt với những món ăn Việt Nam. Với David, bánh bèo là một món ăn khoái khẩu, còn với Alisack, bạn thích nhất các món bún Việt Nam như bún bò Huế, bún chả.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img alt="" src="4.JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chị Hồng Liên chụp ảnh lưu niệm với 2 người “em trai” David và Wai</span></span></em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Khi rời khỏi Việt Nam, mình sẽ nhớ tất cả các thành viên của gia đình. Ở đây thật ấm áp, mình có thêm hai người anh mới, có thêm ba và mẹ mữa” – bạn Alisack tâm sự. Còn chàng trai Chanin đến từ đất nước chùa vàng lại “Nhớ những chuyến đi tham quan bằng xe máy cùng gia đình, nhớ lễ đón ấn tượng và bữa ăn tối thân mật ở hội trường thành phố.”<br />
<br />
<strong>Những trải nghiệm thực tế hữu ích</strong><br />
<br />
329 đại biểu tàu thanh niên Đông Nam Á 2011 là 329 gương mặt thanh niên ưu tú đến từ 11 quốc gia ASEAN và Nhật Bản. Chương trình là một dự án khoa học, thông minh đã góp phần thúc đẩy các quốc gia sát lại gần nhau hơn, tạo cơ hội trao đổi và giao lưu giữa những người trẻ, mở rộng sự hiểu biết cho các chủ nhân tương lai của đất nước.<br />
<br />
“Khi trở về Campuchia, mình sẽ kể cho gia đình, bạn bè của mình nghe về đất nước và con người ở những nơi mình đã đi qua. Ở mỗi nơi là một nét đẹp văn hóa với những người bạn dễ thương, thân thiện.” – Wai bộc bạch.<br />
<br />
Chanin nói rằng: “Chương trình thật ý nghĩa, nó giúp mình biết sống hòa nhập với những nền văn hóa và con người khác nhau. Ở mỗi nước, mình quen biết và kết nối với những người bạn khác nhau. Nếu được trở lại thăm các nước, chắc chắn mình sẽ có những người bạn để gặp lại.”</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>THU HIỀN</strong><br />
</span></span></div> </html>