<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255); "> Vì sao phải tiêm ngừa viêm gan siêu vi B nhiều lần?</span></strong></span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><em><span style="font-family: Arial; ">Anh T.N.V. (quận Tân Bình) tiêm ngừa viêm gan siêu vi B (VGSVB), sau mũi thứ 3, bác sĩ yêu cầu sau 2 tháng anh quay lại làm xét nghiệm thử kháng thể. Kết quả là âm tính, anh được chích ngừa thêm một mũi và sau một năm quay lại làm xét nghiệm thử lại kháng thể. Kết quả kháng thể vẫn chưa đủ nên anh được chích thêm một mũi nữa. Bác sĩ cho biết như vậy là đủ, từ 5 - 6 năm sau anh sẽ tiêm ngừa lại. Không riêng anh V., có khá nhiều trường hợp như vậy gây nhiều lo lắng: chích như vậy có quá nhiều không? Liệu đã ngừa được bệnh chưa?... Phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông đã có cuộc trao đổi thêm về vấn đề này với ThS.BS. Nguyễn Minh Ngọc, Viện Pasteur TP.HCM.</span></em></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: center; "><img width="301" height="299" alt="" src="viemganb.jpg" /></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><em>PV: Thưa BS, vì sao cần phải tiêm ngừa VGSVB?</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">ThS.BS. Nguyễn Minh Ngọc: Nhiều nghiên cứu cho thấy, 20% trường hợp bị nhiễm siêu vi B mãn tính sẽ tiến triển thành xơ gan, có đến 2,5% số bệnh nhân xơ gan mỗi năm có nguy cơ bị ung thư gan và 80% bị ung thư gan là có nhiễm VGSVB. Đây là một mối quan tâm của cộng đồng, vì khi đã mắc bệnh việc điều trị khá phức tạp, tốn kém, nên việc tiêm ngừa đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Việc tiêm ngừa VGSVB cần ưu tiên cho đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Vì trẻ bị nhiễm ở lứa tuổi sơ sinh rất dễ chuyển thành mãn tính và trở thành nguồn lây. Với người lớn hoàn toàn có thể chích ngừa nếu chưa bị nhiễm siêu vi viêm gan B. Tiêm ngừa VGSVB được xem là rất an toàn và chưa có một chống chỉ định nào.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><em>- Có nên xét nghiệm trước khi tiêm ngừa VGSVB?</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Với trẻ sơ sinh, tiêm chủng càng sớm càng tốt mà không cần xét nghiệm. Đối với trẻ em và người lớn có khả năng đã bị nhiễm. Do đó, trước khi chủng ngừa cần xét nghiệm máu xem mình đã bị nhiễm chưa. Xét nghiệm tối thiểu trước khi chủng ngừa là HbsAg (cho biết có đang nhiễm hay không) và antiHbs (cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa). Nếu:</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">HbsAg (-) và antiHbs (+) nghĩa là đã bị nhiễm nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể đủ sức tạo ra kháng thể bảo vệ nên không cần tiêm ngừa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">HbsAg (-) và antiHbs (-) là hiện tại không bị nhiễm virus viêm gan B và chưa có kháng thể bảo vệ, nên tiêm ngừa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">HbsAg (+) và antiHbs (-) là cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B, trường hợp này không tiêm ngừa, tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định điều trị hay theo dõi.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><em>- Lịch tiêm ngừa VGSVB như thế nào? Đối với trường hợp anh V., vì sao phải tiêm nhiều lần?</em></span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Hiện nay, đa số các trường hợp, người ta áp dụng lịch chủng ngừa: 0-1-6, có nghĩa là hai mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu, còn mũi thứ ba tiêm nhắc lại cách 6 tháng tính từ mũi đầu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt cần kích thích nhanh đáp ứng miễn dịch của cơ thể, nhất là ở trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm siêu vi B mãn tính, người ta tiêm 4 mũi theo lịch: 0-1-2-12, có nghĩa là 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng để tạo miễn dịch cơ bản, còn mũi thứ tư cách mũi đầu tiên 12 tháng (mũi tiêm nhắc lại). Ngoài ra, còn tiêm theo lịch 0-7-21, mũi tiêm thứ hai và thứ ba cách mũi đầu là 7 và 21 ngày; tuy nhiên lịch này chỉ áp dụng cho những người ở vùng không có dịch mà cần đến gấp vùng có dịch viêm gan B lưu hành.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br type="_moz" />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Đối với trường hợp anh V., do sau tiêm chủng 3 mũi đầu, cơ thể vẫn chưa có kháng thể, nên cần chích thêm. Sau đó, xét nghiệm cho thấy, cơ thể anh V. đã có kháng thể nhưng vẫn chưa đủ nên anh được yêu cầu tiêm nhắc thêm một mũi nữa. Đây là điều bình thường, chỉ có trường hợp, chích thêm 2 đợt nữa mà cơ thể vẫn không có kháng thể, thì bác sĩ sẽ ngưng vì cơ thể của người đó không dung nạp thuốc. Khoảng 20% thuốc chủng ngừa không dung nạp đối với một số cơ thể.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong>HỒNG DUNG</strong></span></span></div>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><em>(Nguồn: Khoa học phổ thông)</em></span></span></div>
<div> </div> </html>