Đau thắt lưng - một dấu hiệu báo động
Đau thắt lưng là nguyên nhân rất thường gặp làm cho bệnh nhân phải quan tâm đến sức khỏe của mình và tìm đến bác sĩ. Tỷ lệ mắc bệnh hàng năm khoảng 5% dân số và ước tính có đến 60 - 90% dân số bị đau thắt lưng ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, chỉ có 1 - 3% trong số này là có biểu hiện của đau rễ thần kinh do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm.

Theo BS. Nguyễn Minh Anh, Bệnh viện đại học y dược TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng, trong đó có một số nguyên nhân không được phép bỏ sót chẩn đoán. Trong số này có đau thắt lưng do bệnh lý ung thư (u cột sống, u trong hay ngoài tủy sống…) hoặc do nhiễm trùng, cần phải thực hiện các thăm dò hình ảnh học. Những dấu hiệu báo động bao gồm:
Ung thư:
• Khởi phát đau lưng ở những người lớn hơn 50 tuổi hoặc nhỏ hơn 20 tuổi.
• Đau lưng ở những người có tiền sử ung thư trước đó.
• Đau lưng kèm theo giảm cân nhiều không thể lý giải được.
• Đau lưng không giảm khi nghỉ ngơi.
Nhiễm trùng:
• Đau lưng xảy ra ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, lạm dụng thuốc.
• Đau lưng kèm theo sốt.
• Đau lưng không giảm khi nghỉ ngơi.
Đau thần kinh tọa do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm được nghĩ đến khi trên lâm sàng có biểu hiện đau theo phân bố của rễ thần kinh.
Các thăm dò cận lâm sàng cần phải thực hiện theo từng gợi ý nguyên nhân trên lâm sàng:
• Chụp X-quang cột sống thắt lưng ở cả hai tư thế thẳng nghiêng và tư thế động nhằm đánh giá sơ bộ các tổn thương về xương như gãy trật đốt sống, xẹp đốt sống, trượt các đốt sống…, cũng có thể đánh giá một phần về mức độ loãng xương.
• Đo điện cơ hai chi dưới được khuyến cáo khi có biểu hiện đau rễ thần kinh trên lâm sàng.
• Chụp cộng hưởng từ cột sống được coi là xét nghiệm hình ảnh học có độ chính xác cao, hoàn toàn vô hại và không xâm lấn. Cộng hưởng từ giúp xác định nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương, cũng là xét nghiệm đầu tay trong những trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc viêm nhiễm.
• Xạ hình xương được sử dụng trong bệnh lý di căn.
• Những phương tiện thăm dò khác có tính xâm lấn chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt: chụp tủy sống đồ hoặc chụp CT tủy sống đồ.
Điều trị đau thắt lưng sau khi đã loại trừ các nguyên nhân cần phải điều trị đặc hiệu, đa số các trường hợp đều điều trị thành công theo từng bước:
• Nghỉ ngơi tại giường từ 2 đến 3 ngày nếu đau nhiều. Tư thế nằm ngửa, gấp các đầu gối.
• Giảm nhẹ các hoạt động quá mức có thể làm gia tăng mức độ đau.
• Chườm nóng/lạnh.
• Sử dụng thuốc giảm đau nhóm acetaminophen hoặc kháng viêm không steroid, trong một số trường hợp có thể dùng nhóm giảm đau hướng thần.
• Dùng thuốc chống co cơ giúp cải thiện triệu chứng đau.
• Tiêm thấm tại chỗ và phong bế mặt khớp.
• Vật lý trị liệu.
TUẤN VŨ
(Nguồn: Khoa học phổ thông)