<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Giải thưởng Hồ Hảo Hớn 2010:</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nguyễn Thị Tố Oanh - “Tôi chỉ là nhịp cầu nhỏ kết nối mọi người”</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với chương trình Ước mơ của Thúy, chị Nguyễn Thị Tố Oanh đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2010. Nhưng khi được hỏi về những đóng góp cho chương trình, chị một mực nhấn mạnh: “Tôi chỉ là nhịp cầu nhỏ kết nối mọi người lại, cùng chung sức đem thật nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhi ung thư”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="400" height="518" src="test1%20copy.jpg" alt="" /></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">* Chào chị Tố Oanh, chị và “đóa hướng dương” Lê Thanh Thúy đã gặp nhau như thế nào?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Lê Thanh Thúy là nhân vật điển hình trong vượt khó, học giỏi của trường Trung học thực hành – trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Câu chuyện xúc động về nghị lực chống chọi với bệnh ung thư để đến trường và tinh thần sống đẹp, sống có ích của Thúy đã được thầy trợ lý thanh niên của trường chuyển đi đến thầy Nguyễn Văn Cải ở tận huyện Củ Chi. Rồi từ Củ Chi, thông tin được chuyển đến tôi ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ (quận Phú Nhuận). Đó là vào năm 2006 khi tôi là phóng viên của ban Thanh niên. Buổi tối nhận được thông tin, ngay sáng hôm sau tôi đã tức tốc có mặt ở nhà Thúy. Khi ấy, Thúy vừa trãi qua ca phẩu thuật lớn, cắt đi một phần hai xương chậu phải. Lần đầu tiên gặp gỡ, Thúy đã để lại trong tôi ấn tượng thật khó tả. Tôi đã chọn góc độ tinh thần sống đẹp của Thúy để viết bài “Có một đóa hướng dương” (Tuổi Trẻ 1-11-2006).</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">* Chương trình hỗ trợ bệnh nhi ung thư mang tên “Ước mơ của Thúy” đã ra đời như thế nào?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ý tưởng ấy ra đời từ chính suy nghĩ, trăn trở và khát khao của Thúy với các em bé mắc bệnh ung thư. Ý tưởng còn từ những người lãnh đạo của báo Tuổi Trẻ. Khi ấy tôi cũng là người trong cuộc, làm nhịp cầu kết nối, xây dựng để chương trình ra đời.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">* Câu chuyện của Thúy khi được thông tin trên báo Tuổi Trẻ đã truyền tinh thần sống đẹp đến mọi người trong xã hội (đặc biệt là bạn trẻ) ra sao, thưa chị?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sự lan tỏa thật mạnh mẽ, mạnh như chính tinh thần sống của Thúy vậy. Thời điểm sức khỏe của Thúy suy kém (từ tháng 7 đến tháng 10-2007), đã có hôm có hơn 40 ngàn lượt người truy cập vào trang blog của Thúy để theo dõi, động viên tinh thần Thúy và cùng chia sẻ hành động giúp bệnh nhi ung thư với Thúy. Câu chuyện khát khao được sống, được làm những điều có ích cho bệnh nhi ung thư của Thúy trong những ngày cuối đời đã làm lay động hàng vạn trái tim, đặc biệt là giới trẻ. Rất nhiều bạn trẻ đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức về giá trị sống và trở thành tình nguyện viên vào các bệnh viện, nơi điều trị bệnh nhi ung thư ở TP.HCM và Hà Nội, thực hiện tiếp ước mơ còn dang dở của Thúy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">* Đồng cảm với Thúy suốt những ngày tháng trên giường bệnh cho đến khi “đóa hướng dương” ra đi mãi mãi, kỷ niệm đặc biệt nào ghi dấu mãi trong chị cho đến bây giờ?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Những ngày trên giường bệnh tinh thần sống của Thúy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong trạng thái mơ màng do thuốc giảm đau đem lại, Thúy vẫn luôn nghĩ đến các bệnh nhi và những kế hoạch mới cho các bé…Trong những hơi thở gấp gáp cuối cùng (tối 1-11-2007), Thúy đã nắm lấy tay tôi, nói một cách khó nhọc: “Chúc chương trình “Ước mơ của Thúy” thành công”, rồi Thúy chìm vào hôn mê sâu. Lời chúc của Thúy cũng là lời gửi gắm cho những người ở lại. Chúng tôi luôn thật cố gắng để chương trình “Ước mơ của Thúy” thành công.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">* Cảm xúc của chị như thế nào trong những ngày tháng miệt mài xây dựng chương trình “Ước mơ của Thúy”?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đón nhận và xây dựng chương trình “Ước mơ của Thúy” ở góc độ của một người làm báo, tôi cảm nhận được biết bao câu chuyện mới mẻ, đầy ý tưởng sáng tạo và xúc động của cộng đồng cùng chung tay vì bệnh nhi ung thư. Điều thật quí là không ai nghĩ về quyền lợi riêng của bản thân mình. Tất cả các hoạt động đều được xây dựng trên tinh thần mở tối đa để ai cũng có thể tham gia bằng chính khả năng của mình, ai cũng nhìn thấy mình trong chương trình “Ước mơ của Thúy”. Đối diện với câu chuyện của bệnh nhi, tôi đã cảm nhận được sự sống, cái chết chỉ trong gang tất. Điều gì có thể làm được cho các bé chúng tôi đều cố gắng nhanh chóng làm. Càng thấy quí hơn với câu chuyện của những bé phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực đã được khỏi bệnh, trở lại trường học.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>* Đến với chương trình dưới vai trò của một người làm báo, chị đã hỗ trợ chương trình này ra sao?</strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Không chỉ là người tổ chức, trách nhiệm của tôi còn là truyền thông. Vì vậy, mỗi hoạt động của chương trình khi xây dựng phải luôn chú ý khía cạnh để truyền thông (tính mới mẻ, hấp dẫn, ý nghĩa, các câu chuyện xúc động…). Nhờ có truyền thông, chương trình được lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng, sự kết nối sẽ ngày càng rộng hơn.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong><span style="font-family: Arial;"><br />
* Ngày được ghi nhận bằng giải thưởng Hồ Hảo Hớn (giải cá nhân) dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đoàn cho chương trình “Ước mơ của Thúy”, chị đã cảm thấy thế nào?</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tôi đã rất vui và rất đỗi bồi hồi. Giải thưởng đã ghi nhận được thành quả hoạt động của chương trình “Ước mơ của Thúy”, đó là công sức của rất rất nhiều người. Tôi chỉ là nhịp cầu nhỏ kết nối mọi người lại, cùng chung sức đem thật nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhi ung thư. Giải thưởng ấy là của tất cả mọi người đã đóng góp công sức, ý tưởng cho chương trình “Ước mơ của Thúy”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
*Dù Thúy đã ra đi nhưng câu chuyện của “sứ giả niềm tin” Lê Thanh Thúy vẫn đọng lại trong lòng các bạn trẻ, chị đang làm gì để câu chuyện này tiếp tục được nhân ra, truyền cảm hứng sống tích cực cho bạn trẻ hôm nay?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Bên cạnh việc duy trì, phát triển chương trình “Ước mơ của Thúy” tại các bệnh viện điều trị bệnh nhi ung thư, trong hai năm qua chương trình đã xây dựng hành trình giao lưu “Viết tiếp ước mơ của Thúy” đến các trường học, trung tâm cai nghiện ma túy. Hành trình là cách để câu chuyện về tinh thần sống của Thúy được nhiều bạn trẻ đón nhận, chia sẻ và sống tốt hơn thời gian mình được sống. Hành trình sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2012 này. Nụ cười thật tươi và tinh thần sống lạc quan của Thúy vẫn ở lại mãi với mọi người.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>HỮU CÔNG</strong></span></span></div> </html>