<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Giáo dục lẽ sống cho thanh thiếu nhi</span></strong><br />
</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><em><strong><span style="font-size: small;">Từ lý tưởng thường được những người làm tuyên giáo dùng như một danh từ và hiểu theo nghĩa hẹp là lý tưởng chính trị. Thường theo thói quen, chúng ta vẫn gán thêm tính từ “cách mạng” (cũng lại mang nghĩa hẹp trong phạm vi chính trị nữa) cho danh từ lý tưởng. Khi chưa giành chính quyền từ tay tầng lớp thống trị thì từ lý tưởng cách mạng được hiểu là đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, giành quyền lợi cho người lao động, cho giai cấp vô sản, giành ruộng đất cho dân cày, giành quyền dân chủ, dân sinh từ tay tầng lớp thống trị, là lật đổ chính quyền cai trị đương thời. Trong trường hợp này, từ cách mạng gắn thêm sau từ lý tưởng là hợp lẽ. Song trong hoàn cảnh hiện nay, thì e rằng phải cân nhắc cách dùng tính từ cách mạng sau danh từ lý tưởng hơn. </span></strong></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Từ cách mạng trong giai đoạn hiện nay ít gắn với nghĩa phá bỏ, đạp đổ mà gắn chủ yếu với nghĩa xây dựng: xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng một chính quyền mới, thiết lập công bằng xã hội, hình thành trật tự xã hội mới, cách quản lý mới, cách sản xuất mới, cách suy nghĩ mới v.v..….Người thanh niên hiện nay trong công việc của mình hàng ngày, dù là sản xuất, chiến đấu, học tập, đi làm… sẽ ấp úng nếu phải trả lời “lý tưởng cách mạng của ta là gì” nhưng sẽ dễ trả lời câu hỏi “ta sống để làm gì” hơn. Vậy theo tôi, ta nên thay từ lý tưởng cách mạng bằng một từ khác, gần gũi hơn vời đời thường hơn, có nội hàm rộng rãi hơn, lôi cuốn được nhiều loại đối tượng hơn. Đó là từ lẽ sống mà tôi sẽ sử dụng trong bài này. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Lẽ sống của tuổi trẻ ngày nay nên là gì? Hãy thử hỏi một thanh niên bình thường xem họ mong muốn sống vì lẽ gì, thiết tha mong muốn điều gì. Câu trả lời của hầu hết sẽ không liên quan gì trực tiếp đến xã hội, đến chính trị như một số nhà tuyên giáo chờ đợi mà chỉ liên quan đến bản thân. Nếu là người đang học thì câu trả lời là học giỏi, thi đậu, tìm được việc làm; nếu là người đang đi làm thì đó sẽ là muốn có nghề vững, việc làm hợp sở trường, kiếm ra nhiều tiền, được tôn trọng. Số ít nào đó mơ ước thành người xuất chúng (một Lionel Messi , một người mẫu nổi tiếng, một doanh nhân thành đạt, một nhà khoa học đạt giải Nobel…); số khác bình thường hơn chỉ mong thành chủ một sản nghiệp nho nhỏ, chủ một gia đình đủ ăn, hạnh phúc…Đoàn TNCS phải tác động, thuyết phục, định hướng cho số đông đang trả lời theo lối “không ăn nhập gì đến chính trị” này. So với đạp đổ, phá bỏ trong giai đoạn cách mạng trước kia thì xây dựng trong giai đoạn hiện nay lại khó khăn hơn, lâu dài hơn, đối mặt với nhiều day dứt hơn, phải đấu tranh tư tưởng nhiều hơn trong những việc rất “đời thường” và đòi hỏi nhiều người tham gia hơn. Xây bao giờ cũng khó hơn phá.</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img height="336" width="448" src="4.JPG" alt="" /></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><em>Các bạn chiến sĩ Hoa phượng đỏ vui chơi với các em thiếu nhi ở mái ấm Tuổi Hồng</em></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Xét theo tiêu chí thứ bậc giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội thì có bốn loại lẽ sống: </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
1- Đặt lợi ích cá nhân cao hơn tất cả, hoàn toàn bất chấp lợi ích xã hội;</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
2- Xem trọng lợi ích cá nhân nhưng biết hòa lợi ích của mình trong lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội ;</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
3- Đặt lợi ích cá nhân phục tùng lợi ích xã hội;</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
4- Hoàn toàn xả thân vì lợi ích XH, không màng đến lợi ích cá nhân. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Trong giới trẻ ngày nay, phần lớn cố hướng theo lẽ sống thứ hai; chọn lối sống thứ ba là những người cao thượng; chọn lẽ sống thứ nhất là hoặc người không biết điều hoặc người vị kỷ còn chọn lẽ sống thứ tư là những người anh hùng xuất chúng, hành động trong những hoàn cảnh đặc biệt. Lẽ sống thứ ba là lẽ sống mà Đoàn mong thanh niên và đoàn viên vươn tới. Tuy nhiên lẽ sống mà Đoàn cần tập trung khuyến khích, cần tuyên truyền sâu sắc cho số đông thanh thiếu niên lại là lẽ sống thứ 2. Cách làm như vậy sẽ khiến cho Đoàn là một đầu máy chạy chậm nhưng kéo được một đoàn tàu quần chúng dài chứ không phải thành một đầu máy chạy rất nhanh nhưng… không tải.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Người chọn lối sống thứ 2 này có đặc điểm sau đây: </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
• Tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
• Đứng trước việc làm mang lợi ích cho mình mà không gây hại cho xã hội thì tích cực tham gia. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
• Đứng trước việc mà chỉ có xã hội /cộng đồng được lợi còn mình thì không được lợi gì hay bị thiệt hại thì anh ta có thái độ thiếu tích cực, thậm chí bàng quan, đứng ngoài cuộc. <br />
Đừng vội chê trách những người này vì chỉ cần số đông chọn lẽ sống như vậy là tốt cho xã hội lắm rồi. Với thanh thiếu niên hiện nay, việc giáo dục lẽ sống nên xuất phát từ chính quyền lợi thiết thân hàng ngày của chính họ rồi nâng cao dần lên mức giác ngộ quyền lợi của cộng đồng, của đoàn thể, của dân tộc. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Có hai nội dung tối thiểu cần trang bị cho thanh thiếu niên khi giáo dục lẽ sống:</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Một là trang bị cho thanh thiếu niên kỹ năng để thực hiện lẽ sống đã chọn. Chọn lựa, ao ước hay tán dương điều gì đó cao đẹp là một chuyện còn biến ước mơ thành hiện thực- dù chỉ là hiện thực hóa phần nào thôi- lại là chuyện khác, khó gấp vạn lần. Hãy thử hỏi những thanh thiếu niên đang thao thao bất tuyệt về ước mơ của mình, lẽ sống của mình là phải làm gì để hiện thực hóa giấc mơ chính đáng đó thì số đông sẽ lúng túng. Nhiều thanh thiếu niên chỉ biết vẽ ra mục tiêu, ao ước suông để rồi khi thất vọng thì nản chí, buông xuôi, thậm chí đi đến tự tử và rủ nhau tự tử. Việc biết phải làm gì để đạt được ước mơ đòi hỏi những kỹ năng, những thái độ mà tiếc thay, cho đến nay nhà trường chúng ta không dạy hoặc dạy một cách khiên cưỡng.</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img height="336" width="448" src="4_1.JPG" alt="" /></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;">Mang niềm vui đến cho các cụ già neo đơn là hạnh phúc của </span>mỗi bạn trẻ ngày nay</em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"> <br />
Đó là kỹ năng cụ thể hóa mục tiêu, lên kế hoạch và lao động bền bỉ, miệt mài để đạt được mục tiêu. GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học đầu tiên của Việt Nam được thế giới vinh danh bằng giải thưởng Fields từng khuyên sinh viên rằng trong nghiên cứu khoa học không cứ phải đi nhanh mà quan trọng là đi liên tục, không ngừng nghỉ.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Đó còn là hàng loạt kỹ năng khác như kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng tự chủ khi gặp tình huống, v.v…</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Rất mừng là Đoàn Thanh niên hiện đang có một số hoạt động huấn luyện thanh niên những kỹ năng, thái độ sống tích cực đó.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Việc giáo dục lẽ sống qua thần tượng nổi tiếng hay thầm lặng (như cậu bé vô danh Nhật Bản xếp hàng nhận thực phẩm sau thảm họa sóng thần) là một biện pháp tốt. Tuy nhiên thần tượng phải được lựa chọn cẩn thận, đáp ứng những nội dung giáo dục lẽ sống mà ta đề ra. Thực tế cho thấy nhiều thần tượng được giới trẻ hiện nay tôn vinh một cách tự phát, thậm chí được phương tiện thông tin đại chúng tung hô là hoàn toàn không xứng đáng. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Hai là có thái độ sống trung thực, nói đi đôi với làm. Sống trung thực với cộng đồng, với chính mình: nghĩ sao - nói vậy, nói sao - làm vậy. Đừng vội nói đến phấn đấu cho lý tưởng cộng sản gì cho to tát mà cứ phấn đấu thành con người trung thực trong học tập, trong lao động, trong sinh hoạt trước đã, cứ hãy thành con người nói sao làm vậy cái đã. Đã làm thì làm tích cực, dám dấn thân, dám cháy hết mình. Nói sai mà làm sai, người đời còn thương được, nói hay mà làm dở thì người đời cười chê, còn nói một đằng mà làm một nẻo thì người đời căm ghét. Có công dân trung thực trước rồi mới có đoàn viên, đảng viên trung thành với lý tưởng. Sống trung thực, nói đi đôi với làm là yêu cầu tối thiểu phải có của bất cứ ai sống trong cộng đồng lớn nhỏ. Sống ngược lại thì dù đạt danh vọng cỡ nào cũng vẫn là người dối trá, kẻ lừa đảo đáng bị khinh miệt, thậm chí nguyền rủa. </span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Có người e ngại ràng giáo dục lẽ sống cho thanh thiếu niên mà “chỉ có vậy thôi” sao, tầm thường thế ư? Xin thưa, không thực hiện được những yêu cầu tối thiểu như trên thì mong gì thành được người sống theo lối sống đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích của bản thân, xứng đáng với danh hiệu đoàn viên, đảng viên hay cao hơn nữa là sống xả thân vì lợi ích xã hội như những anh hùng.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Và nếu mỗi chúng ta đây tự suy xét mình theo hai nội dung nêu trên thì sẽ thấy cũng không dễ thực hiện lắm đâu, nhất là tiêu chí “sống trung thực, nói đi đôi với làm”. Bởi như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói trong phiên bế mạc Hội nghị cán bộ quán triệt triển khai NQTW 4 vào ngày 29/2/2012 là “ bây giờ, …có khi yêu bảo là ghét, ghét bảo là yêu…nhiều khi trong đầu nghĩ thế nhưng lại không nói thế nói thế mà không làm thế…”i. Mà đó là Tổng Bí thư đang nói với những người từng trải qua biết bao thử thách trong chiến tranh lẫn hòa bình trên các cương vị cao cấp đấy./.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-size: small;"><em>i Tài liệu Hội nghị Trung ương 4</em><br />
</span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;">TS. HỒ THIỆU HÙNG<br />
</span></strong><em><strong><span style="font-size: small;">Nguyên Phó trưởng ban TT - VH Thành ủy, Nguyên Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM<br />
</span></strong><span style="font-size: small;"><br />
</span></em><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></div>
</meta>
</div> </html>