<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Sách hè thiếu nhi - Sự trở lại của sách Việt</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hè 2012 là thời điểm các nhà xuất bản và những người làm sách nhìn lại thị trường sách cho thiếu nhi, đặc biệt là sách văn học thiếu nhi trong nước. Có lẽ hiếm khi nào, những nhận xét đánh giá về sách thiếu nhi lại có những mâu thuẫn trái chiều nhau như hiện nay.</span></span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span><img height="448" width="330" src="Sach%20thieu%20nhi.jpg" alt="" /></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sách luôn là niềm yêu thích của thiếu nhi. Ảnh: T.Vân</span></span></em></div>
<div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>Thị trường vẫn rộng mở</strong><br />
<br />
“Văn học thiếu nhi trong nước chưa sáng sủa”. Đó là kết luận được nêu ra tại những cuộc hội thảo về văn hóa đọc, từ hội thảo do các tổ chức phi chính phủ thực hiện như “Sách và chấn hưng giáo dục” do dự án Sách hay tổ chức, đến hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện “Văn học thiếu nhi - Nhìn từ miền Đông Nam bộ”. Sự u ám này được minh chứng rất cụ thể về việc thiếu vắng những tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay và bạn đọc ít quan tâm đến sách thiếu nhi trong nước.<br />
<br />
“Văn học thiếu nhi trong nước không thiếu sự lạc quan”. Đó lại là một kết luận khác, không được lấy ra từ hội thảo nào mà là từ thực tế hiện nay. Nhìn vào danh mục những tác phẩm sách thiếu nhi được xuất bản hè năm nay, có thể thấy điểm nhấn vẫn nằm ở các tác phẩm trong nước. Nổi bật như Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ tái bản đến 3 lần trước khi ra mắt, một kỷ lục mới của phát hành sách Việt Nam, rồi dòng truyện tranh lịch sử Việt Nam, sách lịch sử dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, dòng truyện tranh danh tác của Phan Thị… Các tác phẩm trên đều bán chạy, có bạn đọc, có lợi nhuận, có cả sự nổi tiếng.<br />
<br />
Trong khi đó, các tác phẩm dịch lại khá nhợt nhạt. Đông A Book vốn nổi tiếng với sách thiếu nhi thì hè năm nay chỉ giới thiệu loạt sách cổ điển như Con Bim trắng tai đen, Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia, Túp lều bác Tôm... Nhã Nam cũng chỉ có Lão Kẹo Gôm là đáng chú ý nhưng cũng chưa tạo thành dấu ấn.<br />
<br />
Đại diện một nhà phát hành sách lớn nhận xét, tuy sách thiếu nhi giảm sức mua nhưng nếu nhìn dưới góc độ khác lại sáng sủa do các tác phẩm trong nước được lựa chọn nhiều hơn.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Sách trong nước khởi sắc</span></span></strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<br />
Mảng sách thiếu nhi, thiếu niên thường được xem là mỏ vàng của người làm sách. Đây là dạng sách dễ có sức mua cao, nhanh chóng thu hồi vốn. Dù trong bối cảnh số lượng sách bán ra giảm đi thì người mua sách vẫn có khuynh hướng ưu tiên mua sách cho con em mình. Chính vì thế, dù mặt bằng chung lượng sách xuất bản mới giảm đi, nhưng lượng sách cho thiếu nhi vẫn có được chỗ đứng riêng.<br />
<br />
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cứ hễ sách thiếu nhi là thành công. Cũng như mọi loại sách khác, sách thiếu nhi cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do khó khăn chung của nền kinh tế, bạn đọc có sự chọn lựa khắt khe hơn, khi mua sách nhất là trong bối cảnh giá sách vẫn đang ở mức cao so với thu nhập bình quân như hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đơn vị chọn việc tái bản các tác phẩm kinh điển cho thiếu nhi, đơn giản vì danh tiếng của các tác phẩm đó khiến người mua dễ chấp nhận hơn là một tác phẩm xa lạ, không rõ hay dở.<br />
<br />
Tại hội sách TPHCM lần 5, nhà văn Nguyễn Quang Sáng xuất hiện để giới thiệu cuốn Nhà văn về làng, đông vui nhưng chủ yếu là những bạn đọc trưởng thành, các bạn đọc trẻ tình cờ ghé qua cũng chỉ để biết “Bác Sáng trong sách giáo khoa chứ gì!”.<br />
<br />
Tại Hội sách TPHCM lần thứ 7, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng có mặt nhưng không phải để giới thiệu sách của mình mà là để xem một tác phẩm phát sinh từ truyện của ông, tập đầu bộ truyện tranh Chiếc lược ngà. Lần này ngược lại, bạn đọc trẻ vây kín nhà văn để trao đổi, xin chữ ký. Thoáng chốc, nhà văn 80 tuổi lại trở nên đầy hấp dẫn với các bạn đọc trẻ.<br />
<br />
Câu chuyện trên là một minh họa đầy cụ thể việc làm sách cho thiếu nhi hiện nay. Khác với các loại sách cho người trưởng thành thường chỉ tập trung vào nội dung; sách thiếu nhi, thiếu niên rất cần thay đổi cách thể hiện, ấn tượng và phong phú hơn.<br />
<br />
Trong bối cảnh hiện nay, mảng sách dịch gặp nhiều trở ngại đã tạo nên một cơ hội thuận lợi để sách thiếu nhi trong nước tìm được chỗ đứng.<br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>TƯỜNG VY</strong><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">(Theo SGGP)</span></span></em></div> </html>